Các giấc mơ gờn gợn và liên tục biến đổi
Mình đã nghĩ gì rất xanh rồi để vụt mất
Những quãng rong chơi tôi gặp lại chính tôi.
***
Nhưng khi tôi nói với em
Về màu xanh
Chúng ta có thể xanh đến mức nào
Trong các ẩn dụ tuổi trẻ
Hè đã nhuộm vàng cây muồng hoàng yến
Chúng ta đi như những người điên.
***
Tự hỏi
Có thật là xanh không
Hay ảo ảnh một vạt chiều qua khung cửa.
Lời bình
Thế giới là một rừng biểu tượng (ý thơ C. Baudelaire)? Chính vì thế, ẩn giấu bên trong rừng biểu tượng ấy là những thông điệp, những ý nghĩa sâu xa. Ở một cấp độ nhất định, ẩn dụ là mặt cắt, thao tác để cấu trúc nên biểu tượng. Với dụng ý đó, tôi muốn đẩy ẩn dụ của Trần Minh Tâm đến giới hạn của biểu tượng, nhằm phát huy các khả năng phát nghĩa của nó.
Tuổi trẻ, giấc mơ, màu xanh, người điên, ảo ảnh, khung cửa có thể được xem là những biểu tượng khi chúng ta nhìn về những khoảnh khắc của cuộc đời. Màu xanh sự sống, màu xanh tuổi trẻ, màu xanh của giấc mơ, màu xanh hy vọng, màu của những gì tha thiết và dịu dàng, của hân hoan và một nỗi buồn ẩn giấu. Phía bên kia ảo ảnh xanh, người điên và khung cửa là những thực tại, là giới hạn. Nỗi buồn cứ loang về phía ấy.
Bài thơ viết bằng tâm trạng về (ở) thực tại, chưa phải là hoài niệm quá xa xôi. Bởi thế, tính đồng đại của màu xanh và ảo ảnh xanh chỉ như niềm thảng thốt qua khung cửa chiều. Tuy thế, cảm xúc đẹp với những ngôn từ còn tươi mới, cho ta hình dung về thực tại đang xanh lên giấc mơ của tuổi trẻ.