Việc các trận cuối vòng loại thứ hai World Cup 2022 khu vực châu Á phải thi đấu tập trung trong tháng 6 tạo ra hai thay đổi lớn ở bảng G. Thứ nhất, 5 đội bóng sẽ phải hành quân tới một điểm tập trung, nhiều khả năng là UAE. Thứ hai, thay vì được tập trung 2 đợt trong tháng 3 và tháng 6, mỗi đợt 2 trận, các đội tuyển phải tham dự 3-4 lượt trận chỉ trong 15 ngày.
Với tuyển Việt Nam, thay đổi lớn và cũng là lợi thế mà thầy trò ông Park Hang-seo có được từ lịch thi đấu mới là việc không còn phải làm khách trên sân của Malaysia. Đây là lợi thế cực kỳ quan trọng vì các trận gặp Malaysia, nhất là trên sân Bukit Jalil, luôn rất khó khăn với tuyển Việt Nam.
Lần duy nhất thầy trò ông Park bị Malaysia cầm hòa diễn ra chính trên sân Bukit Jalil ở lượt đi chung kết AFF Cup 2018. Áp lực của sân bóng có hơn 87.000 chỗ ngồi này khiến tuyển Việt Nam dẫn trước 2 bàn nhưng vẫn bị gỡ hòa 2 đều.
Tuyển Việt Nam mất một trận sân nhà sau lịch thi đấu mới. Tuy nhiên, việc đối thủ chỉ là Indonesia khiến cuộc đối đầu đó không có ý nghĩa quyết định với thầy trò ông Park.
Malaysia cũng ở vào tình trạng tương tự Việt Nam. Đội nhì bảng G mất một trận sân nhà với tuyển Việt Nam, nhưng không phải hành quân tới “chảo lửa” Rajamangala. Được một, mất một, Malaysia có thể tạm hài lòng với lịch đấu mới.
Thái Lan chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong 5 đội. Tuyển Thái của ông Akira Nishino mất 2 trận sân nhà với Malaysia và Indonesia. Họ tham dự 8 trận ở bảng G, nhưng chỉ được đá 2 trận trên “thánh địa” Rajamangala. Đó là thiệt thòi lớn cho người Thái, đồng thời là lý do quan trọng khiến Thái Lan tụt xuống thứ ba trong bảng đấu.
Vòng loại World Cup trở lại rõ ràng là tin tốt. Nhưng đó sẽ là thách thức lớn bởi lịch thi đấu mới quá dày.
HLV tuyển Malaysia Tan Cheng Hoe
UAE, nước nhiều khả năng sẽ đăng cai các trận còn lại bảng G, tưởng như nắm nhiều lợi thế nhất. Nhưng trong 4 trận còn lại, họ vốn đã có 3 trận sân nhà. Thay đổi của AFC giúp họ có thêm một trận tại Dubai, nhưng đó lại là trận đấu với Indonesia. Đối thủ này yếu nhất bảng và không nằm trong nhóm đang cạnh tranh cùng UAE.
Ngược lại, UAE chịu bất lợi từ lịch thi đấu dày đặc. Họ là đội duy nhất mới đá 4 trận trong khi Việt Nam, Thái Lan, Malaysia, Indonesia đều đã có 5 lượt trận tại bảng G. Đội bóng Tây Á có thể được chơi ở sân nhà nhưng sẽ phải thi đấu 4 trận trong 13 ngày. Thái Lan, Malaysia, Việt Nam đều chỉ đá 3 trận.
Việc AFC yêu cầu các đội khách không cần cách ly y tế cũng giảm bớt lợi thế của chủ nhà vòng loại World Cup. Các đội tuyển có thể bay thẳng tới UAE, xét nghiệm Covid-19 trước khi bước vào tập luyện luôn. Việc bảng G tổ chức ở UAE cũng mang tới lợi thế nhỏ cho Việt Nam và Thái Lan vì hai đội tuyển này mới dự Asian Cup 2019 tại đây, đã quen với điều kiện sân bãi, khí hậu, ăn uống ở quốc gia Tây Á này.
Ngày 15/3 tới, AFC sẽ có quyết định chính thức về địa điểm thi đấu tập trung các trận còn lại bảng G vòng loại thứ hai World Cup 2022 khu vực châu Á.