Cuộc hội đàm của 3 nhà lãnh đạo Nga, Đức, Pháp tại điện Kremlin đã mở ra cơ hội mới cho tình hình chiến sự ở miền Đông Ukraine |
Đã gần một năm kể từ khi những người biểu tình ở Ukraine “hạ bệ” vị cựu Tổng thống bị “thất sủng”, và Nga chính thức sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ nước này.
Cuộc đối đầu giữa lực lượng quân đội Kiev và phe ly khai thân Nga vẫn tiếp tục diễn biến nghiêm trọng ở miền đông của đất nước, và lệnh ngừng bắn được kí kết hồi tháng 9/2014 đã liên tục bị vi phạm. Hiện thời, một phương án ngoại giao là những gì được mong đợi để có thể chấm dứt bạo lực tại khu vực này.
Dưới đây là 7 vấn đề nổi trội xoay quanh tình hình chiến sự Ukraine:
1. Tình hình miền Đông Ukraine ngày càng tồi tệ
Theo số liệu của tổ chức Liên Hiệp Quốc, trong 3 tuần qua đã có hơn 220 dân thường thiệt mạng tại khu vực giao tranh diễn ra, tức là trung bình có 10 người thiệt mạng mỗi ngày. Và nếu tính từ tháng 4/2014, đã có 5.350 người, gồm thường dân và quân nhân thiệt mạng tại khu vực này.
Phe ly khai đã chiếm giữ thành phố Donetsk, phá huỷ nhà ga sân bay trong khu vực. Tuần này, họ tiếp tục kiểm soát thị trấn Vuhlehirsk và di chuyển gần hơn đến Debaltseve, thị trấn vốn được xem là trục đường sắt chiến lược nối hai khu vực Donesk và Lugansk.
2. Mỹ cáo buộc Tổng thống Nga Putin “2 mặt”
Theo quan điểm của Mỹ, nhà lãnh đạo Nga vừa kêu gọi hòa bình, đồng thời lại “háo hức” gửi xe tăng và binh lính viện trợ cho phe ly khai thân Nga, khiến cục diện chính sự càng thêm rối ren.
Hôm thứ Sáu (6/2), phát biểu tại Brussels, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden lên tiếng: "ông Putin hoàn toàn phớt lờ tất cả những thỏa thuận mà Nga đã ký kết". Ông nhận định, Nga không được phép "vẽ lại bản đồ của châu Âu".
Ứng viên Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cho biết ông "nghiêng theo hướng" cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine trong cuộc chiến chống lại các phần tử ly khai. |
3. Mỹ đang cân nhắc hỗ trợ vũ khí sát thương cho Ukraine
Cho tới nay, Mỹ mới chỉ cung cấp viện trợ “phi sát thương”, như áo chống đạn, mũ sắt, kính nhìn đêm và các vật dụng khác cho Ukraine. Tuy nhiên, điều này có thể sắp thay đổi.
Trong phiên điều trần tại Thượng viện Mỹ hôm 4/2, ông Ashton Carter, người được Tổng thống Mỹ Obama đề cử làm Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, cho biết ông "nghiêng theo hướng" cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine trong cuộc chiến chống lại các phần tử ly khai. Ông cho hay: "Chúng ta cần phải hỗ trợ Ukraine bảo vệ chính mình".
4. Tuy nhiên, dự định của Mỹ bị chính các đồng minh phản đối
Các Bộ trưởng châu Âu nhận định, việc Mỹ “bơm” vũ khí cho Ukraine sẽ chỉ làm cho cục diện tồi tệ hơn. Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan Jeanine Hennis-Plasschaert lên tiếng: "Đối thoại chính trị là cách duy nhất thoát khỏi cuộc khủng hoảng”.
Trong khi đó, việc Nga phản đối động thái của Mỹ là điều hoàn toàn dễ hiểu. Phát biểu trước mạng lưới phát thanh châu Âu, Đại sứ Nga tại Pháp Alexander Orlov cho hay, đây là hành động "điên rồ" và "chỉ nhằm đổ thêm dầu vào lửa".
Binh sỹ Ukraine tại một điểm chốt gần Donetsk. |
5. Đức và Pháp đang thảo luận với ông Putin
Hôm thứ Sáu (6/2), Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande đã tới Moscow để hội đàm với nhà lãnh đạo Nga. Trước đó, hôm thứ Năm (5/2), 2 vị nguyên thủ này cũng đã hội đàm với Tổng thống Ukraine Petro Oleksiyovych Poroshenko.
Hai nhà lãnh đạo Đức và Pháp không tiết lộ chi tiết về đề xuất mà họ trao đổi với ông Putin, Tuy nhiên, chính phủ Kiev đã lên tiếng yêu cầu tuân thủ những nguyên tắc đã đề cập trong thỏa thuận ngừng bắn Minsk được ký kết vào tháng 9/2014.
Hôm thứ Sáu (6/2), một nguồn tin cho hay, tổng thống Pháp nhận định cuộc đàm phán "mang tính xây dựng". Hãng tin AP cho hay, ông Putin và người đồng cấp Ukraine sẽ thảo luận về một đề nghị kết thúc chiến tranh trong một cuộc điện đàm bốn bên vào ngày 8/2.
6. Nền kinh tế của Ukraine đã kiệt quệ
Trong năm qua, đồng hryvnia, đồng nội tệ của Ukraine, đã tuột dốc không phanh. Hôm thứ Năm (5/2), đồng nội tệ Ukraine mất giá 30% xuống mức thấp kỷ lục so với đồng USD, sau khi Ngân hàng Trung ương nước này từ bỏ mọi nỗ lực “cứu” đồng nội tệ của đất nước. Thực tế này làm dấy lên mối lo ngại Ukraine sẽ rơi vào tình trạng lạm phát phi mã.
Theo dự báo, tăng trưởng kinh tế của Ukraine tiếp tục giảm 5% trong năm nay. Quốc gia này đang vẫy vùng trong tuyệt vọng để bù đắp khoảng thiếu hụt ngân sách lên tới 15 tỷ USD.
7. Nền kinh tế của Nga cũng không khả quan hơn
Tổng thống Nga Vladimir Putin đang phải đối mặt với 3 vấn đề cùng lúc: Giá trị của đồng rúp bị suy giảm mạnh, các lệnh trừng phạt của phương Tây đang làm tổn thương các tập đoàn lớn của Nga, và giá dầu mỏ, huyết mạch của đất nước, cũng trên đà rơi tự do.