Những người dân ở thị trấn Yenakieve phía đông bắc Donetsk rời khỏi tòa nhà sau một trận nã pháo. Ảnh: Reuters |
Theo AFP, đề xuất này được đưa ra hôm qua (2/2). Trước đây, chính quyền tổng thống Obama từng phủ quyết việc cung cấp vũ khí cho quân đội Ukraine. Một số quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ từng quan ngại việc cấp vũ khí cho Ukraine có thể làm gia tăng mối bất hòa với Nga thì nay đã ủng hộ động thái đó.
Tới nay, Washington vẫn chỉ hỗ trợ phía Ukraine theo hình thức phi quân sự như áo khoác, đồ dùng y tế, radio và kính đi đêm,… Tuy nhiên, AFP dẫn lời một quan chức quốc phòng cao cấp của Mỹ: “Vấn đề đang được bàn thảo hiện nay là chúng tôi có nên cung cấp các vũ khí và khí tài phòng thủ cho Ukraine không”.
Một quan chức khác thì khẳng định, sự thay đổi quan điểm trong vấn đề này có liên quan tới việc phía Nga đã ủng hộ lực lượng ly khai trong các động thái vi phạm thỏa thuận ngừng bắn mới đây.
Trước thông tin này, nhà lãnh đạo Alexander Zakharchenko của lực lượng ly khai tại miền đông Ukraine cho biết sẽ điều động khoảng 100.000 binh sĩ trong 10 ngày để tăng cường sức mạnh chiến đấu. Tuyên bố cho thấy nguy cơ cuộc xung đột kéo dài suốt 9 tháng sẽ bị đẩy lên một tình huống kịch tính khác.
Trong một diễn biến liên quan, cũng hôm qua (2/2), trong chuyến công du tới thủ đô Budapest của Hungary, sau cuộc hội đàm với Thủ tướng Viktor Orban, Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định Đức sẽ không cung cấp vũ khí cho quân đội Ukraine vì cho rằng những biện pháp quân sự không phải là cách để giải quyết vấn đề hiện nay.