Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Châu Âu ‘nhờn đòn’ cắt khí đốt của Nga?

Chưa biết châu Âu có còn tiếp tục lo sợ Nga cắt khí đốt như trước đây hay không, nhưng rõ ràng là họ cũng đã có những dịch chuyển lớn trong chính sách sử dụng năng lượng.

Ảnh minh họa: Bloomberg
Ảnh minh họa: Bloomberg
Ngày 16/1 năm nay, khi mới chỉ bước sang năm mới 2015 được nửa tháng, Nga cắt gas sang Ukraine. Động thái này đã làm ảnh hưởng khá nghiêm trọng đến một phần châu Âu, khi mà Nga là nước cung cấp đến 1/3 lượng khí đốt cho lục địa này. 

Từ trước đến nay, “mùa đông lạnh” vẫn là yếu tố thường được nước Nga tận dụng để tạo ảnh hưởng lên châu Âu. Có hai nhà độc tài đã thất bại trong mưu đồ mở rộng lãnh thổ châu Âu sang phía Đông: Napoleon Bonaparte và Adolf Hitler – cả hai đều “ngã ngựa” trước mùa đông nước Nga. Ở châu Âu, người ta vẫn luôn coi nước Nga sẽ thành công khi có thể “xuất khẩu giá lạnh sang châu Âu.” 

Chưa bao giờ quên những cú sốc cắt khí đốt 

Một nửa số khí đốt châu Âu mua của Nga đi qua đường ống Ukraine – những nước ảnh hưởng đầu tiên có thể kể đến là Ba Lan, Áo, Slovakia… Hàng loạt nhà máy ở châu Âu do bị cắt nguồn khí đốt cung cấp, đã phải ngừng hoạt động, như các nhà máy điện hay sản xuất thức ăn gia súc. Vấn đề là liệu khí đốt có bị cắt lâu dài hay không mà thôi.  

Tuy nhiên, năm ngoái, châu Âu đã nhập khẩu 155 tỷ mét khối khí đốt từ Nga. Hiện nay, dự trữ của châu Âu vẫn còn 75 tỷ mét khối nhờ mùa đông năm ngoái cũng không lạnh nhiều. Lần cắt khí đốt này của Nga vào thời điểm đầu năm mới, mùa đông đã dần qua đi, bắt đầu sang xuân, và lại là một mùa đông ít lạnh.  

Trước mắt, châu Âu sẽ còn vài tháng để tìm một nhà cung cấp khí đốt khác để thay thế, nếu như lần này Nga quyết định cắt lâu dài. Na Uy là một nhà cung cấp khí đốt tương đối mạnh, có thể tăng sản lượng được, nhưng không nhiều. Nền kinh tế Trung Quốc lớn thứ hai thế giới tăng trưởng chậm, cũng như Nhật Bản cho một số nhà máy điện hạt nhân hoạt động trở lại (sẽ giảm lượng khí hóa lỏng nhập khẩu của nước này), đều làm giảm nhu cầu năng lượng hóa thạch của thế giới trong thời gian sắp tới. Châu Âu nhập khẩu 200 tỷ mét khối khí hóa lỏng một năm, nhưng chỉ tiêu thụ 25% lượng khí hóa lỏng này, còn lại để dự trữ. 

Từ năm 2009, EU đã thúc đẩy tự do thị trường khí đốt, thông qua “Gói năng lượng thứ ba” mà theo đó, Nga không được cùng lúc vừa sở hữu, vừa kiểm soát các đường ống khí đốt trên lãnh thổ EU. Tháng 4/2014, Nga đã kiện lên Tổ chức thương mại thế giới (WTO) chống lại quyết định này của EU, ngay sau đợt trừng phạt thứ nhất của Phương Tây được đưa ra chống lại nước Nga. Ngoài ra, EU còn sử dụng tiền thuế của dân Châu Âu đầu tư vào các điểm kết nối khí đốt, nhằm đa dạng hóa nguồn cung cấp khí đốt, phòng nếu “quan hệ khí đốt” với Nga trục trặc, họ có thể mua gas của một nguồn khác. 

Châu Âu chưa bao giờ quên những cú sốc trong các năm 2006 và 2009, khi nước Nga có những bất đồng với Ukraine về nợ nần khí đốt, đã cắt khí đốt sang Châu Âu. Chính vì thế mà Châu Âu đã có những thay đổi lớn về chính sách năng lượng. Lithuania, nước nhập khẩu 100% khí đốt từ Nga đã bắt đầu chuyển sang mua khí hóa lỏng của Na Uy từ tháng 12/2014 là động thái mới nhất của quá trình dịch chuyển này.  

Trước khi việc cắt gas mới nhất này xảy ra, EU đã là người trung gian cho Ukraine và Nga tìm sự thỏa hiệp giữa việc thanh toán các khoản nợ cũ và giá khí đốt trong giai đoạn mới, với mong muốn ít nhất việc cung cấp gas từ Nga sang Châu Âu qua đường ống Ukraine vẫn được tiếp tục trong ít nhất quý đầu năm 2015. Tuy nhiên, đàm phán không thành công và trước đó, việc nhập khẩu khí đốt của Ukraine từ phương Tây, đã bắt đầu.

Những vấn đề lớn của nước Nga 

Trên thực tế, nước Nga vẫn còn đó những vấn đề lớn. Thứ nhất, giá dầu mỏ tiếp tục duy trì ở mức thấp và còn có thể giảm tiếp đe dọa trực tiếp đến ngân sách của Điện Kremlin. Trong tháng 12/2014, Tổng thống Putin đột ngột hủy dự án tốn 40 tỷ USD đường ống khí đốt “Dòng chảy Phương Nam” cung cấp khí đốt sang Trung Âu qua Biển Đen ngả Balkan ngay khi dự án này nảy sinh một số trục trặc. Hiện nay gần như chắc chắn EU sẽ thúc đẩy bằng được Croatia trong việc xây dựng một đường ống và điểm nhập khẩu khí hóa lỏng trên bờ biển Adriatic.  

Thứ 2, còn một “vũ khí” đáng sợ nữa của Châu Âu chưa sử dụng, mặc dù trước đây việc này đã được khởi động: khởi kiện Nga trong nhiều năm thao túng giá và lũng đoạn thị trường (hồi tố về đến năm 2004). Nếu vụ kiện cáo này thành công, thì mô hình kinh doanh của Gazprom sẽ buộc phải có những thay đổi lớn về pháp lý và tập đoàn này sẽ phải trả những khoản tiền phạt khổng lồ. Hiện nay EU vẫn chưa quyết định “nổ súng” chính bởi cuộc khủng hoảng Ukraine, nếu khiếu nại sẽ làm quan hệ Nga – EU sẽ tiếp tục xấu thêm nữa.  

Và thứ 3 là thất bại của cuộc đàm phán Nga – Ukraine diễn ra hôm 15/1 mà cả hai bên vẫn còn nguyên những bất đồng không thể giải quyết được. Phía Nga, đại diện là tập đoàn dầu khí Nhà nước Gazprom thì cho rằng Ukraine tiếp tục muốn ép Nga bán khí đốt với giá rẻ mà không chịu trả những khoản nợ mua khí đốt khổng lồ nước này vẫn còn nợ chưa trả được. Người phát ngôn của Gazprom, ông Sergei Kupriyanov phàn nàn rằng cho đến tận bây giờ Ukraine chẳng trả cho Nga được xu nào cả.  

Chủ tịch của Gazprom, ông Alexei Miller thông báo rằng từ bây giờ, nếu muốn mua khí đốt, Ukraine phải chuyển sang theo chế độ thanh toán trước, nhưng kể cả là trả trước chăng nữa, thì Ukraine cũng sẽ vẫn chưa nhận được khí đốt nếu chỉ một xu của khoản nợ cũ 4,5 tỷ USD chưa được trả.  

Còn từ phía Ukraine thì như tờ The Guardian dẫn lời Thủ tướng Ukraine, ông Arseniy Yatsenyuk: “Khí đốt là một phần của kế hoạch tổng thể của Nga muốn tiêu diệt Ukraine”. Về khoản nợ trên, Gazprom đã đệ đơn lên Tòa án Trọng tài Stockholm để đòi, nhưng ngược lại Kiev lại viện dẫn những bằng chứng khác cho thấy họ đã trả thừa cho Nga đến 6 tỷ USD trong những năm vừa qua.  

Như vậy, có thể nhận định rằng lần cắt khí đốt lần này phần lớn là do những lý do từ phía Nga, trong đó có cả nguyên nhân chính trị lẫn kinh tế. Về chính trị, Nga muốn gây sức ép lên chính quyền Ukraine, còn về năng lượng, tiếp tục gây khó khăn cho chính quyền nước này trước những bất ổn nội bộ và khủng hoảng ly khai miền đông.

Có thể đích nhắm xa hơn của Putin vẫn là hoặc Ukraine phải thay đổi chính sách, hoặc thậm chí có những biến đổi dẫn đến thay đổi chính quyền, tất cả cũng nằm trong kế hoạch ngăn những bước tiến về phía Đông của NATO. Về kinh tế, ngoài khoản nợ khó đòi mà họ đang yêu cầu Ukraine thanh toán, còn là việc mùa đông đang dần qua đi, nhu cầu mua khí đốt của Châu Âu càng giảm, song song với giá dầu giảm kéo theo giá khí đốt cũng phải giảm – dường như đây là một động thái “cắt lỗ” của dầu khí Nga.

Về phía Châu Âu, chưa rõ là họ có còn tiếp tục lo sợ Nga cắt khí đốt như trước đây hay không, nhưng rõ ràng là Châu Âu cũng đã có những dịch chuyển lớn trong chính sách sử dụng năng lượng. Phải chăng trước vũ khí “xuất khẩu giá lạnh” của Putin”, châu Âu đã “nhờn đòn”?

http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/219283/chau-au--nhon-don--cat-khi-dot-cua-nga-.html

Theo Phúc Lai/Vietnamnet

Bạn có thể quan tâm