Một khu dân cư ở Donetsk bị trúng đạn. Ảnh: Reuters |
Sống chung với bom đạn
Đại sứ Việt Nam tại Ukraine Nguyễn Minh Trí bắt máy nhưng cho biết, ông không nói chuyện được vì đang có cuộc họp gấp của Đại sứ quán về vấn đề người Việt. Tiếp đó, liên lạc với ông Trịnh Văn Tiên, Phó Chủ tịch Hội Người Việt tại tỉnh Donetsk, thì ông Tiên đang trong tình trạng rất vội vã.
Ông Tiên đang tranh thủ đi chợ mua thực phẩm dự trữ, và cho biết tình hình đang rất căng thẳng. Vừa nói đến đó, ông khựng lại một chút rồi quát lên: "Đấy, thấy chưa, súng nổ đấy".
"Đạn rơi vào cả trong khu dân cư, 10 ngày nay bà con mình bị kẹt ở nhà không ra ngoài được vì chiến sự, chỉ có lúc nào thấy yên thì tranh thủ đi mua lương thực mà thôi. Giờ cũng không đi đâu được khỏi thành phố, chính phủ yêu cầu đi đâu phải có giấy thông hành. Mà bà con ta cũng quen nhiều tháng rồi, chỉ có sống chung với lũ, hy vọng bom đạn nó tránh mình".
Cuộc điện thoại của chúng tôi chỉ mới kéo dài hơn 1 phút. Nói đến đấy, ông lại vội vàng: "Thế thôi nhé, tôi phải đi đã".
Hai tiếng đồng hồ sau, liên lạc lại với ông Tiên, giọng ông đã ôn tồn trở lại: "Tôi về nhà rồi. Hôm nay thấy yên một chút tôi ra chợ, vừa ra đến nơi thì súng bắn mạnh quá", ông nói. "Trong thành phố tình hình khá yên tĩnh, xung đột diễn ra chỉ ở rìa thành phố, nhưng do phe ly khai để pháo gần khu dân cư, quân chính phủ bắn vào các vị trí đó nên có đôi lúc đạn lạc".
Khu vực của bà con người Việt trong thành phố cách nơi giao tranh khoảng 4 - 5 km. "Chúng tôi thấy bình thường, quen với súng đạn rồi, ngày nào chả nổ, ngày nào chả nghe tin thương vong", ông cho biết. "Cũng có vài lần đạn lạc vào khu căn hộ của bà con, nhưng rất may các căn hộ của bà con không bị trúng đạn, người Việt ở đây chưa có thương vong gì".
Thành phố bị phong tỏa
Cũng theo ông Tiên, việc đi khỏi thành phố là điều không dễ dàng. Khu vực Donetsk bị phong tỏa, chính phủ siết chặt an ninh, muốn ra khỏi thành phố phải có giấy thông hành của chính phủ và phải chờ hàng chục ngày, mà chính quyền cũng chưa chắc đã cấp.
Ông Tiên cũng e ngại chiến sự sẽ mở rộng. Trước đây, vợ con ông ở Mariupol - nơi xảy ra vụ tấn công cuối tuần qua làm 30 người chết - và ông thường xuyên đi lại giữa 2 thành phố cách nhau chừng 100 km. Tuy nhiên, từ sau Tết Dương lịch vừa qua, gia đình ông đoàn tụ ở Donetsk, và trong tình hình này thì không thể rời khỏi thành phố.
Trả lời câu hỏi tại sao người Việt không đi sơ tán từ những tháng cuối năm ngoái, ông Tiên cho biết, bà con đã đi suốt những tháng 7, tháng 8, chỉ còn rất ít người ở lại. "Đến khi các bên ký thỏa thuận Minsk ngày 5/9/2014, nghĩ hòa bình rồi thì mới kéo nhau về", ông nói.
"Từ đó giao tranh chỉ diễn ra bên ngoài thành phố, bà con vẫn đi chợ làm ăn buôn bán được. Nhưng việc buôn bán khó khăn lắm, toàn ăn vào vốn, hàng lấy 10 đồng thì giờ bán ra chỉ 5 đồng, bán để giải quyết hàng tồn, để lấy tiền ăn tiêu cầm cự hằng ngày thôi chứ không tích trữ được, hàng hóa chất đống nhưng có tiền tiêu đâu". Tuy nhiên, từ 2 tuần nay, khi chiến sự ác liệt hơn, bà con chỉ ở nhà không ra chợ được, việc làm ăn hầu như đình trệ.
Việc chính phủ phong tỏa và cắt các dịch vụ cơ bản với Lugansk, Donetsk cũng làm cho cuộc sống của người Việt khó khăn hơn. "Hôm nay tôi đi mua gạo mà không có để mua, giờ 1 kg gạo đã bằng 2 kg thịt", ông Tiên miêu tả.
Theo ông, các hàng hóa trong vùng ly khai tự sản xuất như táo, khoai tây, rau củ, thịt lợn khá rẻ, nhưng hàng nhập bằng USD thì tăng giá mạnh. Gạo phải nhập qua cảng Odessa, nhưng giờ đây khi thành phố bị phong tỏa thì gạo đã tăng giá, nhiều loại hàng nhập trở nên khan hiếm.
Trước đây bà con đi Odessa, Kharkov lấy hàng, giờ việc lưu thông không được phép. Ở Donetsk, có những lúc quân chính phủ bắn vào trạm điện trong thành phố, phải mất vài hôm để sửa, nước có lúc bị cắt.
Sẵn sàng đàm phán mở hành lang nhân đạo
Trả lời câu hỏi cuộc sống của người Việt dưới chính quyền ly khai có khác gì so với khi chính phủ quản lý không, ông Tiên nói: "Chả có gì khác biệt. Chỉ có với bà con làm ăn buôn bán, một số giấy tờ phải làm lại, chẳng hạn thuế trước đây nộp cho chính phủ thì giờ nộp cho chính quyền ly khai mà thôi".
Về việc mùa thu năm ngoái, chính quyền đã gọi người Việt đi khám nghĩa vụ, ông Tiên nói rằng, ở vùng chiến sự, nước cộng hòa ly khai vẫn chưa gọi đến người Việt. Còn ở Odessa, Kharkov do chính phủ quản lý, những thanh niên người Việt có quốc tịch Ukraine đã được gọi đi khám nghĩa vụ, nhưng đa số các em vẫn đang học đại học.
Hỏi về dư luận có việc mua giấy tờ chứng nhận sức khỏe để không phải đi nghĩa vụ, ông Tiên cho biết ông có nghe việc đó. Ngoài ra, Chính phủ Ukraine sắp có chính sách đóng tiền để thế chân việc đi lính. "Thấp nhất là 2.000 USD, nhưng chủ yếu là với gia đình có tiền thôi. Dân thường bị bắt buộc đi lính hết. Họ trốn nhiều lắm. Họ có muốn ra chiến trường đâu, chuyện chính trị, dân phải chịu hậu quả thôi".
Ông Trịnh Văn Tiên cho biết, cộng đồng vẫn thường xuyên giữ liên lạc với Đại sứ quán Việt Nam. Đại sứ quán cũng thường xuyên thăm hỏi và có những khuyến cáo để đảm bảo an toàn cho bà con.
Nếu cần thiết, Đại sứ quán sẽ đàm phán với chính phủ và phe ly khai để mở hành lang nhân đạo cho bà con ta sơ tán. "Chúng tôi chỉ mong hòa bình lập lại để được yên ổn làm ăn, phe ly khai hay chính phủ quản lý cũng được, chứ chiến sự kéo dài thì bất an quá", ông Tiên kết luận. Đến thời điểm này, ở Donetsk có khoảng 100 người Việt, trong đó có cả trẻ em.
Đại sứ quán sẽ khẩn trương giúp đỡ bà con có nhu cầu về nước. Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Lao Động về tình hình người Việt Nam tại miền Đông Ukraine, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao VN Lê Hải Bình cho biết: "Do tình hình tại một số khu vực miền Đông Ukraine có diễn biến phức tạp mới, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine theo dõi chặt chẽ, thực hiện các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn cho cộng đồng người Việt Nam tại Ukraine, nhanh chóng sơ tán công dân Việt Nam khỏi khu vực nguy hiểm.
Cho đến nay, chưa có thông tin về công dân Việt Nam bị thiệt hại do những biến động tại một số khu vực miền Đông Ukraine.
Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine cũng phối hợp chặt chẽ với các hội người Việt Nam tại các địa phương Ukraine nhằm tiếp tục quán triệt rộng rãi trong cộng đồng: Tăng cường đoàn kết, phát huy truyền thống yêu thương, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau; tăng cường đảm bảo an toàn về người và tài sản; kịp thời xử lý những yêu cầu hỗ trợ khi có những diễn biến bất thường; sớm ổn định cuộc sống tại khu vực an toàn, khẩn trương giúp đỡ bà con có nhu cầu về nước".
Quốc hội Ukraine đề nghị ban bố tình trạng nhà nước chiến tranh
Hôm 27/1, các nghị sĩ Quốc hội Ukraine đề nghị Tổng thống Petro Poroshenko ban bố tình trạng nhà nước chiến tranh và thực hiện thiết quân luật trên toàn bộ lãnh thổ Ukraine.
Trước đó, trong ngày 26/1, chính quyền trung ương Ukraine đã công nhận tình trạng khẩn cấp tại khu vực xung đột ở Donetsk và Lugansk, và đặt tất cả các khu vực khác trên cả nước trong tình trạng báo động cao.