Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều trong Ngày thơ tại TP.HCM. Ảnh: Thanh Trần. |
Lấy cảm hứng từ bài thơ Nguyên Tiêu của Chủ tịch Hồ Chí Minh (được sáng tác vào đúng dịp Rằm tháng Giêng, năm Mậu Tý 1948), Ngày Thơ Việt Nam bắt đầu từ mùa xuân 2003, với tiêu chí của một sự kiện văn hóa định kỳ thường niên trên quy mô toàn quốc. Qua 20 năm, Ngày Thơ Việt Nam đã trở thành dịp để những người làm thơ và những người yêu thơ được gặp gỡ, được tao ngộ, được kết nối với nhau trong không gian sáng tạo và trong không khí nghĩa tình.
Thơ ca làm ra giấc mơ của con người
Sau 3 năm phải tạm ngưng vì đại dịch Covid-19, năm nay, Ngày thơ Việt Nam đã trở lại với những người yêu thơ, các nhà thơ, nhà văn tại TP.HCM với chủ đề “Khát vọng phương Nam”.
Theo nhà văn Trịnh Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM, chủ đề của Ngày thơ năm nay thể hiện khát vọng thăng hoa trên đôi cánh thi ca, để hướng tới chân trời sáng tạo rộng mở và bất tận. “Khát vọng phương Nam” cũng là khát vọng cống hiến, khát vọng văn minh, khát vọng chân lý, khát vọng nhân ái và khát vọng cái đẹp luôn được nảy nở, sinh sôi.
“Thi ca giúp tiếng nói âm thầm và đơn lẻ, được cất lên và được lắng nghe, thật trân trọng và cũng thật ấm áp. Lịch sử thăng trầm của người Việt Nam chưa bao giờ vắng bóng thi ca. Với Ngày Thơ Việt Nam và không chỉ có Ngày thơ Việt Nam, mỗi câu thơ, dẫu nhỏ bé, dẫu mơ hồ, hay dẫu chỉ là những giấc mơ, vẫn lặng lẽ nuôi dưỡng sự lương thiện và khơi dậy lòng trắc ẩn của con người trong cuộc sống hiện tại và trên hành trình vươn tới tương lai”, nhà văn Bích Ngân phát biểu tại buổi khai mạc.
Nhà thơ Nguyễn Phong Việt trình bày bài thơ Thành phố này, những ngày mình đi qua đây, phối hợp thêm các yếu tố âm thanh, diễn minh họa giúp đem lại cảm giác mới lạ cho người thưởng thức thơ. Ảnh: Thanh Trần. |
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - đã bay từ Hà Nội đến TP.HCM để gửi lời chúc mừng sự kiện. “Ngày thơ hôm nay là một tín hiệu cho tôi thấy rằng đời sống đang hồi sinh một cách kỳ diệu tại TP.HCM. Và điều quan trọng hơn là sự sống bên trong con người đang được lấp đầy bởi thi ca và vẻ đẹp nhân tính của văn học. Sự kiện ngày thơ diễn ra trong một ngày, nhưng tôi hy vọng thơ vẫn xuất hiện trong nghi lễ sống, trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Bởi trong những ngày đau thương nhất, thơ ca đã xuất hiện cùng người dân thành phố. Thơ ca chưa bao giờ rời bỏ chúng ta”, ông nói.
Ba năm trải qua dịch Covid-19 tại TP.HCM đã để lại trong những người nghệ sĩ nhiều suy tư. Hiện tại, cuộc sống của người dân đã dần trở lại bình thường, những con đường trống trải vì giãn cách lại tấp nập như trước. Nhưng với nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, vẫn còn những con phố trống rỗng, đó là con phố trong tâm hồn của con người, và các nhà văn - nhà thơ có sứ mệnh lấp đầy những khoảng trống trong tâm hồn của con người. Ông cho rằng đấy cũng là sứ mệnh của thi ca.
“Thơ ca không làm ra lúa vàng gạo trắng, nhưng làm ra giấc mơ của con người. Đấy là sứ mệnh của nhà thơ. Một dân tộc không có ước mơ, không có khát vọng là một dân tộc không biết đi về đâu”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ.
Đó cũng là lý do ông cho rằng các bài thơ không được rời bỏ đời sống này. Thơ là người đồng hành tận cùng của con người trong mọi ngóc ngách của cuộc sống. Vì thế, mỗi bài thơ, mỗi nhà thơ không được trốn chạy khỏi đời sống hiện thực, và từ hiện thực đó phải mang cho con người đức tin, tình yêu và khát vọng.
Ngày hội tụ của những người yêu thơ
Tại sự kiện Ngày thơ Việt Nam TP.HCM, 24 câu lạc bộ tham gia dựng 28 lều thơ theo chủ đề của năm nay. Mỗi gian hàng trình bày thơ và các tác phẩm của mình, thu hút khách thưởng lãm, thưởng thơ, nghe thơ.
“Mỗi năm đến dịp này thì mọi người trong hội đều rất háo hức vì được gặp nhau, cùng nói chuyện về thơ và trưng bày các tác phẩm để nhiều người đến đọc hơn”, nhà thơ Doãn Hải - hội viên Hội Nhà văn TP.HCM - chia sẻ. Ông cho biết các thành viên trong hội đã tiến hành dựng lều cho Hội thơ Sao Khuê từ sáng sớm ngày 4/2. Ông cùng nhà thơ Vân Thanh thường trực tại lều thơ để tiếp khách, trao đổi về thơ và giới thiệu các tác phẩm của hội.
Các thành viên của CLB thơ ca Thời Hoa Đỏ quây quần bên nhau để đàn hát cũng thu hút sự chú ý của nhiều người đến tham quan, làm khuấy động bầu không khí sự kiện. Ảnh: BTC. |
Quanh các lều thơ là poster chân dung và thơ tự chọn của các nhà thơ. Từ chiều đến tối, các câu lạc bộ tham gia trình diễn văn nghệ, giao lưu, trình diễn thơ. Sân thơ chính gồm 4 phần, bao gồm: Khát vọng vươn tới tương lai, Khát vọng bình yên, Khát vọng yêu thương, Khát vọng phương Nam.
“Khi nhìn thấy rất nhiều nhà thơ ở đây, tôi nhớ đến câu nói của một nhà thơ đoạt giải Nobel người Ba Lan, bà nói nhà thơ là những đám mây bay trên bầu trời, xuyên qua mọi biên giới và mang theo tiếng hát của mình. Tiếng hát có thể hạnh phúc, có thể khổ đau, nhưng đó là tiếng hát về con người. Tôi nghĩ đó là con đường đẹp, con đường duy nhất trong thi ca, bởi thi ca không bao giờ xây dựng biên giới giữa con người với con người, giữa không gian này với không gian khác. Thơ ca, với những nhà thơ, đã phá đi biên giới bên trong mỗi con người. Và tôi cho rằng ngày thơ rất cần thiết”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhận xét.
Trong thời đại 4.0, thơ ca vẫn hiện diện trong đời sống dưới nhiều hình thức. Những nhà quản lý, những người làm văn học nghệ thuật đã tìm rất nhiều cách để đưa thơ ca đến với mọi người như bằng bản in, trong những buổi đọc thơ, những bản audio hay các video,...
"Tôi nghĩ rằng thơ ca từng gặp thách thức trong chiều dài lịch sử, không chỉ thơ ca Việt Nam mà cả thơ ca thế giới. Nhưng những suy nghĩ, những giấc mơ bên trong con người thì vẫn còn. Chỉ khi con người từ bỏ những giấc mơ đẹp đẽ, rời bỏ tình yêu thương, khát vọng, thì thơ ca mới rời bỏ chúng ta", ông nói thêm.
Sự kiện Ngày thơ Việt Nam năm 2023 sẽ được tổ chức đến hết ngày 5/2 (tức ngày 15 tháng giêng âm lịch), tại khuôn viên Liên hiệp Các hội Văn học Nghệ thuật TP.HCM (số 81 Trần Quốc Thảo, quận 3).