Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tìm về di sản kiến trúc miền Nam trên trang sách

Cuốn sách đưa độc giả đến với hành trình tìm về di sản kiến trúc với những câu chuyện, những chia sẻ và khám phá mới để nối dài thêm đời sống của những căn nhà cổ đến mai sau.

Di sản kiến trúc vừa là hiện thân của những gì đã lùi vào lịch sử, vừa là thực tại hiện hữu trong đời sống hôm nay. Trong nỗ lực thấu hiểu và dựng lại bức tranh về kiến trúc miền Nam, một biên khảo về kiến trúc dân dụng miền Nam từ cuối thế kỷ 19 đến cuối thế kỷ 20 vừa được ra mắt - cuốn sách Tản mạn kiến trúc Nam Bộ.

Thay vì đưa ra những kết luận đóng đinh và khô cứng, nhóm tác giả của cuốn sách Tản mạn kiến trúc Nam Bộ muốn truyền tải và gợi mở cảm hứng yêu mến, trân trọng của người trẻ hôm nay dành cho di sản kiến trúc. Cuốn sách đưa độc giả đến với hành trình tìm về di sản kiến trúc với những câu chuyện, những chia sẻ và khám phá mới để nối dài thêm đời sống của những căn nhà cổ đến mai sau.

Thiên nhiên phương Nam với nắng, mưa cùng cảnh sắc núi non, sông ngòi riêng biệt đã góp phần quan trọng tạo nên một lối kiến trúc đặc trưng của vùng đất này. Để độc giả thấy được những không gian sống đã hình thành ở nơi đây, cuốn sách lần lượt dựng lại trước mắt người đọc những yếu tố nổi bật của môi trường thiên nhiên Nam Bộ, như địa hình, khí hậu, thủy văn, sự phân bố của thảm thực vật…

Gắn kết những yếu tố tự nhiên với sự lựa chọn một cách có chủ đích của những con người nơi đây, cuốn sách nhấn mạnh đến sự chủ động kiến tạo nơi chốn của người dân, rồi từ đó, hé mở cái nhìn về một vùng không gian kiến trúc vốn đã thấm đẫm những câu chuyện, những suy tư và ước mơ của con người ngay từ những buổi sơ khởi.

Sach kien truc mien Nam anh 1

Nhóm tác giả cũng đã đưa ra những phát hiện thú vị về sự khác biệt giữa ngôi nhà gỗ truyền thống với nhà ở hiện đại ngày nay; chỉ ra các xu hướng kiến trúc chính ở thời kỳ nửa sau thế kỷ 19 khi xã hội Việt Nam đón nhận và ngày càng chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ văn hóa phương Tây; đồng thời, đã làm công việc tổng kết, lên danh mục một cách tương đối toàn diện các loại hình họa tiết trang trí - một thế giới biểu tượng phong phú trong căn nhà của người Việt, dù là nhà gỗ truyền thống hay các kiểu nhà chịu ảnh hưởng phương Tây.

Bên cạnh các bài viết, cuốn sách có nhiều hình ảnh màu được chú thích tỉ mỉ cùng các bản vẽ minh họa chi tiết giúp độc giả có thể hình dung cụ thể hơn về không gian sống của một ngôi nhà miền Nam.

Đánh giá cao về nhóm tác giả của cuốn sách, nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Thúy Vi bày tỏ: “Các bạn, cũng như nhiều người tâm huyết với việc bảo tồn vốn cổ, trong đó có tôi, cùng có hoài bão lớn là qua các nghiên cứu và trước tác của mình góp phần làm cho mọi người lưu tâm đến giá trị của các kiến trúc cổ ngày nay đang dần dần mất đi trong cơn lốc của sự hiện đại hóa nhằm lưu giữ lại các công trình này”.

Sách Tản mạn kiến trúc Nam Bộ do Nhã Nam và Nhà xuất bản Thế giới liên kết xuất bản.

“Tản mạn Kiến trúc” là một dự án được thành lập từ năm 2019 xuất phát từ mối quan tâm về di sản kiến trúc và văn hóa tại Việt Nam của những người trẻ. Khi đứng trước quá trình đô thị hóa và không thể nào tránh khỏi sự phá hủy các công trình di sản, nhóm bắt đầu trăn trở, “là những người trẻ thì chúng tôi có thể làm được những gì cho di sản của đất nước”. “Tản mạn Kiến trúc” ra đời như một dự án nghiên cứu và truyền thông độc lập, để lưu trữ những tư liệu về các di sản đang dần biến mất và truyền thông các thành quả nghiên cứu ấy đến với đông đảo độc giả.

Ảnh các công trình kiến trúc Pháp ở Hà Nội 100 năm trước và ngày nay

Những bức ảnh này cho thấy phần nào diện mạo của đô thị Hà Nội trong những năm đầu thế kỷ 20 và mang nét cổ kính, hài hòa cùng vẻ đẹp hiện đại ngày nay.

Kiến trúc Hà Nội qua những trang sách

Cầu Long Biên, rạp xiếc Trung ương hay trường Chu Văn An là những công trình kiến trúc tiêu biểu của thủ đô được miêu tả qua nhiều ấn phẩm.

http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/sach/1047100/tim-ve-di-san-kien-truc-mien-nam-tren-trang-sach

Vân Lam / Hà Nội mới

Bạn có thể quan tâm