Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Kiến trúc Hà Nội qua những trang sách

Cầu Long Biên, rạp xiếc Trung ương hay trường Chu Văn An là những công trình kiến trúc tiêu biểu của thủ đô được miêu tả qua nhiều ấn phẩm.

Hà Nội từ lâu đã trở thành nguồn cảm hứng sáng tác của biết bao cây viết. Mảnh đất nghìn năm văn hiến ấy còn được gợi nhắc qua các địa điểm nổi bật, gắn liền văn hóa của người dân nơi đây.

Một số cuốn sách được xuất bản cất lên tiếng nói tình yêu của các tác giả với thủ đô. Tình yêu ấy không chỉ xuất phát từ con người, mà còn thể hiện qua ký ức về cảnh vật và những công trình tiêu biểu một thời của thành phố.

Kien truc Ha Noi anh 1

Cuốn hồi ký của TS Hoàng Hữu Phê. Ảnh: Thu Huệ.

Khung cảnh đô thị một thời

TS Hoàng Hữu Phê là kiến trúc sư và nhà quy hoạch. Ông tham gia thiết kế nhiều công trình, đặc biệt là nhà cao tầng và một số địa điểm nổi bật của Hà Nội.

Ông viết cuốn hồi ký Nước vẫn chảy dưới chân cầu Mụ Kề để kể câu chuyện trưởng thành của một cậu bé tỉnh lẻ sống trong thời chiến tranh, khám phá kiến thức và những điều mới mẻ từ nhiều nền văn hóa khác nhau.

Trong sách, những địa danh ngẫu nhiên của khung cảnh đô thị đặc trưng ở Hà Nội, Bangkok (Thái Lan), London (Anh)… lần lượt được tái hiện một cách ngẫu nhiên nhưng cũng đầy logic theo mạch thời gian.

Cuốn hồi ký với gần 600 trang được chia thành 9 chương. Trong đó, có tới 4 chương tác giả ghi lại ký ức về Hà Nội (chương 3, 5, 7 và 9). Những câu chuyện đó được kể với giọng điệu “rôm rả” khi nhắc tới ý tưởng xây dựng phố đi bộ, chung cư khu đô thị hay mong muốn mở rộng Hà Nội của chính tác giả.

Là một kiến trúc sư, TS Hoàng Hữu Phê không quên nhớ lại cảm xúc khi hoàn thành công trình rạp xiếc Trung ương: “Nhiều thế hệ trẻ em Hà Nội đã có những phút sung sướng trong tòa nhà rất lớn này với các tiết mục xiếc tuyệt vời, trong đó bộ môn nhào lộn tỏ ra không kém so với chương trình của bất cứ rạp xiếc nào trên thế giới, làm tôi cảm thấy mong muốn lớn nhất của những người thiết kế như chúng tôi ít nhất cũng được thực hiện”.

Khi rạp xiếc này ra đời, ông cho rằng nó là “công trình đầy thách thức đối với ngành xây dựng Việt Nam lúc bấy giờ, kể cả về quy mô, độ phức tạp kỹ thuật và tính hiếm hoi về mặt chủng loại”.

Kien truc Ha Noi anh 2

Tập tản văn về cây cầu Long Biên. Ảnh: Tri thức Trẻ Books.

Tình yêu với cầu Long Biên

Những đứa con của cây cầu Long Biên là tập tản văn của Đông Di, dành cho những ai yêu và muốn khám phá Hà Nội cũng như kiến trúc, văn hóa Pháp.

Nhắc tới mảnh đất nghìn năm văn hiến, chắc hẳn ta sẽ liên tưởng ngay tới hình ảnh các công trình kiến trúc như Nhà hát Lớn, chùa Một Cột hay phố Tràng Tiền.

Còn với tác giả, dấu mốc khi Hà Nội được coi là đô thị hiện đại tính từ năm khánh thành cây cầu Long Biên (1902). Tác giả cũng cho rằng vùng đất lãng mạn nhất của thành phố chính là bãi giữa sông Hồng.

Cuốn sách được chia thành 2 phần lớn. Phần đầu gồm những trang viết về ký ức với cây cầu Long Biên. Phần thứ hai là góc nhìn của các nhà phê bình văn học như: Đỗ Lai Thúy, Phạm Xuân Nguyên; Lê Anh Hoài...

Tập tản văn là hồi ức của một đứa trẻ trong số “những đứa con của cây cầu Long Biên” trong suốt thập niên 1970. Khi ấy, cây cầu này đã có tuổi đời 70 năm.

Không chỉ ấn tượng về mặt kiến trúc, những trang viết còn thể hiện ý nghĩa đặc biệt của cây cầu Long Biên. Về mặt địa lý, nó nối liền hai bờ Nam - Bắc sông Hồng, nội thành - ngoại thành. Về mặt tinh thần, nó là chứng nhân khơi dẫn mạch cảm xúc giữa quá khứ với hiện tại.

Theo tác giả, đây cũng chính là điểm tựa để độc giả ngày nay có thể tìm về hình ảnh của mảnh đất Hà thành một thời khó quên.

Những tản văn của Đông Di có sự đặc biệt khi một số bài viết cho ta cảm nhận như được trở về cả trăm năm trước, một số khác lại hiển hiện rõ ràng ngay trước mắt, ở thời điểm hiện tại.

Dù mốc thời gian có thay đổi thế nào, cầu Long Biên vẫn như một quy chuẩn để định vị cho dòng ký ức. Đó là câu chuyện khi gặp lại người bạn thuở ấu thơ đã lớn lên cùng nhau, hay những buổi trưa hè la cà trên con phố nhặt trái sấu chín rụng.

Trên tất cả, sách mang đến cho bạn đọc nhiều cảm xúc bâng khuâng, thương nhớ về quá khứ; đồng thời trăn trở về hiện tại và cũng dội lên tình yêu mãnh liệt với thủ đô.

Kien truc Ha Noi anh 3

Nhà hát Lớn Hà Nội (ảnh chụp năm 2014) là một trong những công trình kiến trúc độc đáo được nhắc đến trong sách của nhà khảo cứu Phúc Tiến. Ảnh: Lê Hiếu.

Những viên ngọc quý của Hà Nội

Kiến trúc Pháp - Đông Dương: Những viên ngọc quý tại Hà Nội là công trình do nhà khảo cứu Phúc Tiến làm chủ biên. Sinh sống tại TP.HCM nhưng ông lại mang góc nhìn sâu sắc về kiến trúc của thủ đô.

Sách được trình bày như một album ảnh nghệ thuật đi kèm những dẫn chứng, tư liệu và miêu tả chi tiết. Phần hình ảnh gồm nhiều bản vẽ thiết kế và tư liệu được sưu tầm, lựa chọn cẩn thận.

Dưới góc quan sát của một người Sài thành, kiến trúc Hà Nội hiện lên với những nét độc đáo, riêng biệt mà đôi khi chính người dân thủ đô lại chưa nhận ra.

Ông gọi tên một số công trình kiến trúc Hà Nội là “những viên ngọc quý”: Nhà hát Lớn, Viện Viễn Đông Bác Cổ, trường Chu Văn An, ga Hà Nội, cầu Long Biên…

Về mặt tư liệu, cuốn sách giàu giá trị khi khảo tả những nét kiến trúc Pháp cổ ở Hà Nội. Trong khi đó, nếu xét về mặt cảm xúc, nó thể hiện tình yêu, niềm đam mê nghiên cứu của một người con đất Sài thành trước nét đẹp cổ kính của thủ đô.

Nhà cổ ở TP.HCM qua những bức ký họa

Sách "Kiến trúc đô thị và cảnh quan Sài Gòn - Chợ Lớn xưa và nay" có hàng chục ký họa của tác giả Võ Chi Mai, ghi lại những phố cổ, nhà cổ quanh Chợ Bến Thành và Chợ Lớn.

Những phụ nữ đột phá trong ngành kiến ​​trúc

Ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3) đang đến và nhà xuất bản Hatje Cantz cũng chuẩn bị ra mắt cuốn sách mới “Women in Architecture” để tôn vinh những nữ kiến ​​trúc sư tuyệt vời.

Nha lap ghep hinh anh

Nhà lắp ghép

0

Nói chuyện Hà Nội không thể bỏ qua câu chuyện về nhà lắp ghép, một hiện tượng kiến trúc khá phổ biến của thủ đô những năm tháng bao cấp, kéo dài đến tận bây giờ.

Thu Huệ

Bạn có thể quan tâm