Nhà văn Nguyễn Trương Quý. Ảnh: NVCC. |
Nguyễn Trương Quý là cây bút nổi tiếng với nhiều tác phẩm tản văn, du khảo đặc sắc về Hà Nội. Thành phố nơi tác giả sống trở thành nguồn cảm hứng bất tận, thành chủ thể văn hóa, một “nàng thơ” để nhà văn hướng ngòi bút của mình tới. Nhà văn từng nói, những tác phẩm khắc họa Hà Nội vẫn phản chiếu một cảm hứng đô thị lãng mạn, nối dài một mỹ cảm đã làm nên một hình tượng Hà Nội có phần kinh điển.
Tháng 10 này, Nguyễn Trương Quý lại tiếp nối dòng mỹ cảm, vẽ chi tiết thêm qua Triệu dấu chân qua những cửa ô. Từ những lối nhập thành, nhà văn tìm hiểu những câu chuyện của đời phố, những chuyến tàu xe theo dọc dài lịch sử cận và hiện đại chở những nhân vật văn hóa ấn tượng.
Nhà văn Nguyễn Trương Quý trao đổi về những ý niệm về một thành phố.
Nhà văn nào cũng cần có một siêu độc giả
- Là một nhà văn với sức viết dồi dào, anh có thể chia sẻ điều gì về thói quen viết của mình, đặc biệt là, trải nghiệm viết “Triệu dấu chân qua những cửa ô”?
- Tôi hay viết nhiều cuốn một lúc vì tôi đôi khi có nhiều ý tưởng, phải tìm cách tóm lấy để triển khai luôn, cái nào hơi bế tắc thì để lại. Nói chung là bên cạnh cảm hứng thì viết văn cũng cần có quy tắc, thậm chí nhiều là đằng khác.
Cuốn Triệu dấu chân qua những cửa ô tôi viết tiếp mạch của cuốn Hà Nội bảo thế là thường, nhưng đi sâu hơn về mặt ngữ liệu văn hóa và những mối liên thông văn hóa trong 100 năm trở lại đây. Tôi lần theo một kiểu bản đồ giấy can, chồng các niên đại lên nhau, so sánh xem ở Hà Nội đã có cái gì mới, đã có cái gì mất đi.
Tôi nghĩ cuốn này sẽ "thiên vị" những độc giả có một phông nền về hệ thống các sản phẩm văn hóa quá khứ, có trường nhìn gần gũi với tác giả hơn những cuốn tản văn khác của tôi.
Sách Triệu dấu chân qua những cửa ô chụp trước một cửa ô Hà Nội. Ảnh: NVCC. |
- Quá trình viết du khảo có khác gì so với viết tản văn không?
- Du khảo sẽ gần với nghiên cứu khoa học xã hội hơn, đòi hỏi người viết tìm hiểu ngữ liệu, khai thác tư liệu, tàng thư nhiều hơn. Tôi thường xuyên phải lui tới thư viện để tìm kiếm nguồn xác nhận thông tin. Ngoài ra, tôi cũng phải chọn cách tiếp cận khoa học hơn, sử dụng nhiều kỹ thuật, chú ý đến cấu trúc hơn. Cuốn sách mới của tôi tập trung viết về những nơi chốn, địa điểm ở Hà Nội, sự dịch chuyển đóng vai trò lớn, vì thế tôi lấy tên thể loại là du khảo.
Tản văn thì thoải mái hơn. Tản văn thiên về việc sử dụng cách viết nặng tính văn chương để tung hứng, thời lượng cũng có thể ngắn hơn.
Tôi cho là du khảo đòi hỏi một sự đầu tư dài hơi hơn, yêu cầu người viết ngay từ lúc bắt tay thực hiện đã phải tư duy về cấu trúc của một cuốn sách hoàn thiện.
- Sau nhiều tác phẩm đã xuất bản, anh rút ra được điều gì trong nghiệp viết?
- Tôi nghĩ để viết du khảo, người viết phải có sự tích lũy kiến thức lớn, qua việc học, việc đọc và trải nghiệm. Từ đó, ta mới có cơ sở để mổ xẻ vấn đề, soi xét và so sánh, lấy nhãn quan tiến bộ của thời hiện đại làm lăng kính.
Bên cạnh đó, viết cần có kỷ luật. Viết phải cân bằng giữa đáp ứng thời sự và đáp ứng chất lượng. Sau một thời gian, tôi nhận ra những bài tôi viết nhanh, viết vội cho kịp thời điểm, đôi khi các vấn đề bàn tới trong đó cũng chưa ngấm, chưa chín.
Với kinh nghiệm làm biên tập 11 năm, tôi thấy rằng tập hợp các bài đã đăng là chưa đủ. Đến lúc ra sách là câu chuyện văn chương rồi chứ không còn là câu chuyện của báo nữa. Tác giả và biên tập phải cùng sắp xếp, tái cấu trúc để tìm ra một cái mạch hấp dẫn và làm việc về ngôn ngữ dưới góc độ văn chương.
Một điều nữa tôi nhận ra từ quá trình làm nghề của mình đó là không nên thời trang hóa việc viết. Tôi thấy nhiều bạn trẻ đến với việc viết màu mè cứ như vào showbiz nhưng chưa định hình được sẽ đi đến đâu trong lao động câu chữ lẫn ý tưởng. Thời trang hóa việc viết làm cho nhiều người ảo tưởng về nghề. Chọn theo nghiệp văn chương thực ra khiến ta phải trả giá nhiều hơn. Chả phải riêng Việt Nam mà trên thế giới cũng vậy.
Có những bạn lại coi việc viết quá đao to búa lớn, tôi nghĩ nhà văn vừa phải nhẹ nhõm khinh khoái để viết tự nhiên, vừa phải chăm chỉ cần mẫn đủ độ, chứ cứ cắm đầu vào viết cũng chẳng nên. Tôi đã có giai đoạn như vậy, nhưng rồi nhận ra đấy không phải chìa khóa giải quyết.
Người cầm bút cũng không nên trông đợi quá mức vào sự ghi nhận của một đoàn thể, một sự ghi nhận quan phương nào đó.
Thay vì thế, nhà văn nên có một vài siêu bạn đọc thì hơn. Một người bạn tâm giao, một người có trình độ, kinh nghiệm và có cách thúc đẩy được mình.
- Siêu bạn đọc của anh là ai?
- Tôi có vài người bạn mà tôi gọi là siêu bạn đọc, thường là những người bạn đang giảng dạy, đang viết, đang phê bình văn học hay làm biên tập viên. Những người có thời gian để đọc cho mình, vô tư vì mình mà đọc. Chứ ở nước ngoài muốn có người đọc cho mình có khi còn mất phí ấy. Siêu bạn đọc của tôi là những người thân tình, đọc với tinh thần tỉnh táo, người mà mình không ngại sự phản biện từ họ.
Tôi nghĩ một trong số những người đọc quan trọng là biên tập viên. Họ giúp đỡ mình rất nhiều trong việc hoàn thiện sách. Những biên tập viên tốt đưa ra được những nhận xét rất xác đáng. Với kỹ năng, tầm nhìn của họ, họ đứng ở vị trí cầu nối giữa tác giả và người đọc. Họ hình dung ra hình dáng cuốn sách, gỡ rối giúp tác giả, đôi khi có những gợi ý, khích lệ làm sáng ý của tác giả hơn.
“Lịch sử làm nên căn cước của chúng ta hiện nay”
- Sau mỗi cuốn sách, cái nhìn của anh về Hà Nội có thay đổi không?
- Tất nhiên, mỗi cuốn sách là một cuộc hành trình, một khóa học giúp mình chắc chắn hơn một số điều, dè chừng, nghi ngờ một số điều. Cái nhìn của tôi về Hà Nội bây giờ khác nhiều với hồi tôi 18. Nhưng cũng có một số cảm quan tôi vẫn giữ.
Cái tôi thích nhất là sau khi tìm hiểu xong một điều, tôi cảm thấy vẫn còn cái khác mình có thể tìm hiểu thêm.
Khi tôi nghiên cứu về các nơi chốn ở Hà Nội cho cuốn sách này, tôi sử dụng một tấm bản đồ thành phố năm 1925, đánh dấu các địa điểm nổi bật liên quan các câu chuyện rồi lần theo.
Thường thì những giai đoạn viết của tôi gắn với một vấn đề đang nổi cộm trong thế giới hiện tại. Khi viết Triệu dấu chân qua những cửa ô, mình nghĩ tới chuyển động của người Hà Nội, hồi xưa người ta đi thế nào, khác bây giờ ra sao, tập quán văn hóa đã ghi lại những gì? Tôi phải tìm cách xác định số liệu như là tàu chạy từ bao giờ, giá vé hồi ấy là bao nhiêu. Thậm chí có thông tin rút ra từ bài ca dao được hát dạng xẩm tàu điện.
Nhà văn Nguyễn Trương Quý. Ảnh: NVCC. |
- Với những địa điểm thay đổi tại Hà Nội, anh có cảm thấy tiếc nuối giá trị xưa?
- Tùy địa điểm, nếu địa điểm có giá trị về mặt độc bản, về cảnh quan, kiến trúc, không gian gắn với văn hóa thì tôi sẽ thấy tiếc, tôi nghĩ giữ lại những địa điểm ấy sẽ làm cho đô thị có chiều sâu. Người ta đổ xô đi Paris, đi xem tháp Eiffel, xếp hàng vào bảo tàng Louvre… đó là những địa danh có vẻ đẹp vĩnh hằng, mang biểu tượng của một nét văn hóa vĩnh cửu. Đó là lý do người ta vẫn hoài niệm, lưu luyến những giá trị xưa cũ. Tôi nghĩ cái gì đến sau cũng nên tôn trọng cái trước.
Tuy nhiên, tôi cũng tránh hoài cổ quá mức, tránh tụng ca một chiều quá bảo thủ. Mình nên nhìn thấy cơ chế vận hành của sự phát triển và tôn trọng điều đấy. Cái gì bất hợp lý thì chỉ ra, cái gì thay đổi tốt thì ủng hộ.
- Anh nghĩ việc hiểu về quá khứ Hà Nội có ý nghĩa gì đối với người ở Hà Nội bây giờ?
- Nếu như không có quá khứ, chúng ta sẽ có điểm gì khác với những xã hội lân cận? Khó đấy, nhất là vào thời buổi giờ chúng ta đều mặc áo, đi giày nhãn hiệu phổ thông, đi chơi trung tâm thương mại. Nhưng ta đi ra những địa điểm có dấu ấn hàng trăm năm như Bờ Hồ, khu phố cổ hay hồ Tây, ta thấy bản sắc riêng nằm ở chính những dấu vết của thời gian. Đâu phải ngẫu nhiên mà người nước ngoài sang Việt Nam đi uống cà phê trứng, trà đá vỉa hè hay trải nghiệm những thứ có một câu chuyện lâu đời để thưởng thức? Lịch sử làm nên căn cước của chúng ta bây giờ. Không có quá khứ, ta không có bản sắc.
Khảo cứu về những nét xa xưa như vậy hé lộ chân dung của một đô thị đã vận hành thế nào. Hãy cứ nhìn những khu đô thị mới, sẽ thấy người ta khát khao những giá trị văn hóa cổ truyền đến nhường nào.
Nguyễn Trương Quý
Khảo cứu về những nét xa xưa như vậy hé lộ chân dung của một đô thị đã vận hành thế nào. Hãy cứ nhìn những khu đô thị mới, sẽ thấy người ta khát khao những giá trị văn hóa cổ truyền đến nhường nào. Các quán phở, quán cà phê ngày nay vẫn nhiều quán cố sao chép lại những hình bóng xưa, những đặc tính “gia truyền”. Người ta sẵn có một cái ẩn ức muốn tái tạo giá trị đã được thừa nhận.
Từ đó việc khảo cứu những nét xưa, chúng ta cũng rút ra kinh nghiệm về quản lý đô thị, quản lý văn hóa, để biết cách tạo sức hấp dẫn cho đời sống.
Với Triệu dấu chân qua những cửa ô, tôi không chạy theo mô tả hoặc liệt kê hiện tượng, mà tôi tập trung vào việc chỉ ra cách các hiện tượng ấy tái sinh thế nào trong nhịp sống. Văn hóa luôn có sự biến đổi, lộ trình luôn có điểm lặp, tựa như một vòng xoáy trôn ốc nhưng mở rộng ra.
Nhà văn Nguyễn Trương Quý sinh ra và sống tại Hà Nội. Anh tốt nghiệp kiến trúc, hiện viết văn, vẽ tranh, làm đồ họa và làm truyền thông. Anh đã cho xuất bản nhiều tác phẩm: Tự nhiên như người Hà Nội (2004); Ăn phở rất khó thấy ngon (2008); Hà Nội là Hà Nội (2010); Xe máy tiếu ngạo (2011); Còn ai hát về Hà Nội (2013); Dưới cột đèn rót một ấm trà (2013); Mỗi góc phố một người đang sống (2015); Lê la quà vặt & Ăn quà xuyên Việt (cùng Đặng Hồng Quân, 2016); Một thời Hà Nội hát - Tim cũng không ngờ làm nên lời ca (2018); Kể chuyện Tết Nguyên đán (cùng Kim Duẩn, 2019); Hà Nội bảo thế là thường (2020). Năm 2019, nhà văn đoạt Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội.