Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tết trong ký ức một người Hà Nội

“Tết trong ký ức của tôi là những ngày Hà Nội ẩm ướt, lạnh cắt da cắt thịt, là sắc đỏ hoa lay ơn trên bàn thờ và tiếng pháo đì đùng đêm 30”, nhà văn Nguyễn Trương Quý hồi tưởng.

Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, nhà văn Nguyễn Trương Quý đã có 40 cái Tết ở thành phố này, trừ đôi lần ngoại lệ. Chưa bao giờ anh đi đâu xa vào ngày Tết.

Dù vậy, cái Tết của anh 30 năm trước và hiện tại là cả một khoảng cách, khi anh lớn lên theo từng thời kỳ đất nước chuyển mình.

Tết thời bao cấp

Quê ngoại anh Quý nằm ở vùng Từ Liêm, cách trung tâm Hà Nội hơn 10 km. Suốt thời thơ ấu, anh chạy xe đạp trên tuyến đường Nguyễn Trãi - Hà Đông để về quê vào sáng mùng 1 Tết. Thời tiết những ngày đầu năm mưa phùn, gió bấc, con đường anh phải đi dường như dài vô tận song song với đường tàu điện ngày xưa.

“Hồi đó, lúc nào tôi cũng cảm giác cái Tết ở Hà Nội đìu hiu và vắng vẻ”, nhà văn Trương Quý nói với Zing.vn.

Anh Quý sinh năm 1977. Lúc này đất nước ở cao trào của thời kỳ bao cấp, hàng hóa được phân phối theo chế độ tem phiếu do Nhà nước điều hành.

Những ngày giáp Tết, việc mua bán hàng hóa, đổi tem phiếu diễn ra ồn ào, tấp nập. Từng dòng người xếp hàng dài chờ mua những hộp mứt bên trong chỉ có vài ba miếng, nhưng vẫn cố mua bằng được. Ai cũng muốn bàn thờ nhà mình được bày biện đầy đủ, trang trọng nhất.

Tet xua o Ha Noi anh 1
Dù cuộc sống nghèo và đơn sơ nhưng người Hà Nội xưa vẫn cố gắng thu vén để có một cái Tết no ấm. Ảnh: Tư liệu

Thời đó, khắp nơi trên đường phố Hà Nội treo những băng-rôn và tranh cổ động. Dù đời sống nghèo và vật chất đơn sơ, các cô gái vẫn cố gắng kiểu cách hơn trong những ngày Tết đến xuân về.

“Cảm giác trong không gian chật hẹp, cái Tết ở Hà Nội cứ buồn buồn, có lẽ vì phổ màu sắc không phong phú lắm”, anh Quý nói về cái Tết của mình trong những ngày ấu thơ.

Trong cái “buồn buồn” ấy, âm thanh sống động nhất đối với anh là tiếng pháo đêm ba mươi và sáng mùng 1. Hồi đó, trẻ nhỏ đứa nào cũng háo hức chờ giây phút được nấp sau cột hiên nhà, tự tay châm lửa những dây pháo dài, khoái trí nghe tiếng nổ giòn giã ngay khi kịp né phát nổ đầu tiên.

Sau giây phút ấy, không khí ồn ã những ngày trước Tết cũng biến mất. Đầu năm mới là những ngày Hà Nội đắm mình trong không gian vắng lặng và thưa người.

Dấu mốc Tết Kỷ Tỵ 1989

Năm anh Quý 10 tuổi, Hà Nội bước sang thời kỳ Đổi mới. Nhưng phải đến 3 năm sau, năm 1989, anh mới nhìn thấy thành phố thực sự chuyển mình.

Mỗi khi Tết đến, chiếc tivi đen trắng lại phát “ra rả” những bài hát “Mùa xuân nho nhỏ”, “Hát về mùa xuân”,“Một nét ca trù ngày xuân” - những bài ca nhiều cảm hứng lạc quan:

"Đàn chim mùa xuân gọi thênh thang mây trời

Giọt sương mùa xuân gọi long lanh mắt người

Em trông sắc trời xuân phơi phới..."

Tet xua o Ha Noi anh 2
Nhà văn Nguyễn Trương Quý lớn lên cùng những ký ức về cái Tết của Hà Nội trong từng thời kỳ chuyển mình của đất nước. Ảnh: NVCC

Cũng trong năm 1989, lần đầu tiên trên tivi phát đi bản tin Việt Nam xuất khẩu gạo.

Đó cũng là năm nước ta có một cuộc điều tra dân số; đồ dùng, hàng hóa và văn hóa châu Âu (qua ngả Đông Âu) du nhập thành trào lưu vào Việt Nam.

Văn học 1930-1945 và âm nhạc tiền chiến bắt đầu được xuất bản và biểu diễn trở lại.

Những bài hát tiền chiến gắn với thời mới lớn của Quý chính là trong giai đoạn này.

Trong mùa xuân năm ấy, Hà Nội kỷ niệm 200 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa. Lần đầu tiên cậu thanh niên Trương Quý nhìn thấy cảnh tắc đường, chen lấn trong ngày hội đầu năm mới.

“Đường sá đông khủng khiếp, người tứ xứ đổ về”, anh Quý nhớ lại.

Trải qua nhiều năm tháng mất đi những tập tục do nghèo đói và chiến tranh, giai đoạn Đổi mới là những năm tháng đất nước “đi tìm kiếm chính mình”. Nhiều lễ hội, chùa chiền được phục dựng, hàng loạt di tích lịch sử được công nhận. GS. Nguyễn Hồng Dương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo, cũng thừa nhận các tập tục ngày lễ được nhân dân ta khôi phục lại trong những năm 1989-1990.

Năm Kỷ Tỵ 1989 vì thế được coi là cái Tết đáng nhớ nhất của nhà văn Trương Quý. Anh gọi đó là cái Tết của một năm “bản lề”.

Sợ sự biến tướng, khoe khoang dịp Tết

Gặp Zing.vn trong những ngày cận Tết, nhà văn Nguyễn Trương Quý nói ngay rằng mình không có nhiều điều để chia sẻ về cái Tết ở hiện tại.

“Cứ qua mỗi năm tôi lại rơi rụng đi cảm giác hào hứng với Tết”, anh Quý nói.

Theo đó, sau những năm Đổi mới, Hà Nội thực sự chuyển mình và chính thức bước vào cuộc đua công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Giờ đây, thành phố không được trang trí bằng pano, áp phích, mà bằng đèn điện nhấp nháy và những vườn hoa được cắt tỉa cầu kỳ. Cũng không còn thấy người dân xếp hàng dài chờ mua một hộp mứt Tết. Người ta chỉ thấy cảnh xếp hàng trước cây ATM chờ rút tiền.

Rồi dần dần, mọi người bắt đầu đi vào cuộc tranh cãi về việc bỏ hay giữ Tết Nguyên đán. Và dịp lễ đặc biệt này được mô tả bằng những nỗi lo.

Người trẻ lo không có quần áo đẹp đi chơi Tết, lo bị hỏi bao giờ lấy chồng, lương tháng bao nhiêu. Người lớn thì lo tất bật cơm nước, trang trí nhà cửa, quà cáp nội ngoại, lì xì con nít…

“Tết ngày xưa cũng khiến mọi người mệt, nhưng mà mệt theo kiểu cố gắng thu vén, tích trữ để có một năm mới no ấm. Còn bây giờ dường như mọi người bị tra tấn bởi chính những giá trị vật chất ấy. Ai cũng cố kiếm tiền để Tết có cái mà khoe với người khác hoặc tự trấn an chính mình”, nhà văn Trương Quý chia sẻ.

Tet xua o Ha Noi anh 3
Tết ở Hà Nội thời hiện đại được mô tả bằng cảnh tắc đường và những nỗi lo. Ảnh: Việt Linh - Quỳnh Trang

Theo anh Quý, việc chuyển dịch kinh tế nhưng không kéo theo chuyển dịch văn hóa, sự câu nệ và những phong tục rườm rà của ngày Tết khiến người ta dần mất đi sự hào hứng với dịp lễ này.

Tết vốn dĩ gắn với hình thái sinh hoạt cộng đồng nông nghiệp, giờ đây kinh tế công nghiệp và dịch vụ ở khu vực thành thị chi phối xã hội, lực lượng người đi xa xứ làm ăn ngày càng nhiều.

Tết thay vì mang ý nghĩa đoàn tụ gia đình và nghỉ ngơi, mọi người lại bắt đầu vòng xoay của những thói quen vị lợi, biến dạng những niềm tin thiêng liêng thành những sự mê tín hướng đến mưu cầu vật chất hơn là tìm kiếm một sự thanh thản, tự tại.

Là một người nghiên cứu về Hà Nội và có những trải nghiệm về Tết ở các thời kỳ khác nhau, nhà văn Trương Quý cho rằng con người chấp nhận thay đổi cơ cấu kinh tế thì cũng phải chấp nhận việc văn hóa sẽ có sự biến đổi. Về bản chất, văn hóa và tín ngưỡng đều có thể thay đổi và được làm mới dựa trên sự dịch chuyển của kinh tế, xã hội.

Theo đó, việc mọi người lựa chọn cách đón Tết theo hình thức về quê hay đi du lịch đều cần được tôn trọng vì đó là quyền cá nhân. Không ai có thể ép buộc một cá nhân lưu giữ những truyền thống mà họ cho rằng không tốt cho sự phát triển của họ.

Dù vậy, anh vẫn cho rằng Tết đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của cộng đồng. Đây là dịp lễ gắn kết mọi người với nhau và là dịp mọi người có thể chia sẻ chung một tín ngưỡng. Tết cũng là lúc mọi người nghỉ ngơi sau cả một năm nhiều bộn bề lo toan. 

“Tôi không sợ việc mình quyết định bỏ hay giữ Tết. Tôi chỉ sợ chúng ta nói là muốn giữ, nhưng lại không cố gắng làm gì đó lưu giữ những giá trị thực, để nó dần đi đến những biến tướng về việc khoe khoang giá trị vật chất, khiến con người mệt mỏi”, nhà văn Trương Quý tâm sự.

Nhà văn Nguyễn Trương Quý sinh năm 1977, tại Hà Nội. Anh đã xuất bản 8 đầu sách gồm tản văn, tiểu luận, du khảo và truyện ngắn, xoay quanh chủ đề Hà Nội như Tự nhiên như người Hà Nội (2004), Ăn phở rất khó thấy ngon (2008), Hà Nội là Hà Nội (2010), Dưới cột đèn rót một ấm trà (2013), Mỗi góc phố một người đang sống (2015)…, trong đó cuốn mới nhất là du khảo “Một thời Hà Nội hát – Tim cũng không ngờ làm nên lời ca” được xuất bản đầu năm 2019.

Tái hiện chợ Tết thời bao cấp ở Hà Nội

Những chiếc tivi cũ, phích nước, ấm trà, xe Babetta…thu hút khách tham quan trong chương trình “Nét xưa Hà Nội 2019” được tổ chức vào sáng 26/1.

Mỹ Hà

Bạn có thể quan tâm