Bộ máy chỉ đơn giản bao gồm ChatGPT, máy in 3D và một cây bút. Ảnh: 3d_printer_stuff. |
ChatGPT là một trong những chủ đề được quan tâm nhất trong thời gian gần đây. Với khả năng trả lời hầu như toàn bộ mọi câu hỏi của người dùng, chatbot AI của OpenAI dấy lên quan ngại sẽ trở thành công cụ giúp học sinh gian lận thi cử. Lo ngại này đã nhanh chóng trở thành sự thật khi một học sinh đã kết hợp ChatGPT và máy in 3D để làm bài tập hộ.
Một người dùng TikTok có tên 3d_printer_stuff đã chia sẻ loạt video quay cảnh tự chế máy làm bài tập. Anh dùng ChatGPT để giải bài tập về nhà sau đó lập trình máy in 3D để viết câu trả lời ra giấy.
Cụ thể, TikToker đã nhập câu hỏi cho ChatGPT để nhận lời giải. Sau đó, anh sao chép câu trả lời vào một máy in 3D. Trong video, TikToker đã gắn một cây bút vào máy in để máy tự động viết câu trả lời lên giấy một cách hoàn hảo như người thật.
Với cỗ máy này, học sinh chẳng cần động tay vì đã có ChatGPT và máy in 3D làm bài tập y như người thật. Ảnh: 3d_printer_stuff. |
Nhiều người dùng bình luận bên dưới video và tỏ ra hứng thú với sáng kiến thú vị này của TikToker. “Tôi nghĩ người này thật sự quá thông minh và nhiều tài lẻ hơn hẳn bạn đồng trang lứa. Chẳng có một người bình thường nào có thể làm điều này nếu không trải qua nghiên cứu và thực hành lâu dài”, người dùng samson_taa trên Reddit nhận xét.
Nhiều người còn đề xuất tài khoản 3d_printer_stuff tiếp tục tìm cách để luyện AI bắt chước chữ viết tay của họ vì chữ viết của máy in 3D quá hoàn hảo, khó “qua mặt” giáo viên. Tuy nhiên, người dùng cần lưu ý rằng quá trình tạo ra bộ công cụ làm bài tập từ ChatGPT và máy in 3D có thể sẽ còn mất nhiều thời gian hơn cả khi tự làm bài tập.
Theo My Modern Met, đây là một cách làm sáng tạo, song, cũng cho thấy nguy cơ tiềm tàng của AI đối với quá trình học của học sinh. Mục đích của bài tập về nhà là giúp học sinh luyện tập và mở rộng kiến thức ngoài giờ học. Nhưng nếu dùng ChatGPT và máy in 3D để đối phó như trong video thì sẽ ảnh hưởng đến kiến thức của các em.
Bằng chứng là nhiều trường học công ở Mỹ đã nhận ra rủi ro của ChatGPT và cấm học sinh sử dụng chatbot này trong trường học. Hồi tháng 1, Sở Giáo dục thành phố New York, Mỹ tuyên bố sẽ cấm học sinh truy cập chatbot ChatGPT trên các thiết bị và hệ thống mạng của trường học vì những ảnh hưởng tiêu cực lên quá trình học tập của học sinh và lo ngại xoay quanh độ an toàn và chính xác của thông tin.
Xuất bản học thuật phủ nhận tác quyền của ChatGPT
Hiện có một làn sóng lo ngại rằng AI, với những nghiên cứu thiếu sót hay thậm chí bịa đặt, có thể gây nguy hại cho các tài liệu học thuật. Springer-Nature, một đơn vị xuất bản gần 3.000 tạp chí, đã cập nhật chính sách của mình, tuyên bố rằng ChatGPT không thể được liệt kê là tác giả. Nhiều đơn vị xuất bản khác đã thực hiện những cập nhật tương tự.