Thông báo quá tải của MOSS. Ảnh: Shanghai Daily. |
Ngày 21/2, đội ngũ phát triển MOSS, nền tảng chatbot tương tự ChatGPT từ Đại học Phúc Đán (Trung Quốc) đã xin lỗi do công cụ gặp sự cố sau vài tiếng ra mắt do quá tải.
Tên gọi MOSS được đặt theo siêu máy tính lượng tử trong phim khoa học viễn tưởng Wandering Earth 2 do Trung Quốc sản xuất. Truyền thông nước này mô tả MOSS là đối thủ đầu tiên của ChatGPT đến từ Trung Quốc.
Theo Reuters, thông báo ra mắt MOSS thu hút hàng chục triệu lượt quan tâm trên Weibo. Sau sự cố quá tải, đội ngũ phát triển MOSS cho biết sẽ tạm dừng phát hành rộng rãi công cụ này.
Màn ra mắt MOSS và phản ứng của người dùng cho thấy công cụ trò chuyện bằng trí tuệ nhân tạo (AI) là chủ đề được quan tâm tại đất nước tỷ dân.
Sau khi ChatGPT phổ biến, nhiều nhóm nghiên cứu đại học và công ty công nghệ Trung Quốc đang chạy đua phát triển các chatbot tương tự cho thị trường nội địa.
Khi được hỏi liệu AI có thay thế con người hay không, MOSS trả lời sẽ giúp con người hoàn thành một số công việc và không hoàn toàn thay thế. Ảnh: Shanghai Daily. |
Ban đầu, nhóm nghiên cứu từ Đại học Phúc Đán cho biết MOSS là mô hình ngôn ngữ trò chuyện giống ChatGPT. Trong tuyên bố ngày 21/2, đội ngũ thừa nhận còn nhiều điều cần cải thiện.
"MOSS vẫn là mô hình rất non nớt, và vẫn còn chặng đường dài trước khi đạt đến trình độ của ChatGPT. Phòng thí nghiệm nghiên cứu học thuật như chúng tôi không thể tạo ra mô hình với khả năng gần giống ChatGPT", nhóm nghiên cứu cho biết.
"Tài nguyên tính toán của chúng tôi không đủ phục vụ lượng truy cập lớn như vậy. Với tư cách nhóm học thuật, chúng tôi chưa có đủ kinh nghiệm kỹ thuật, do đó tạo ra trải nghiệm và ấn tượng ban đầu rất tệ. Chúng tôi gửi lời xin lỗi chân thành đến mọi người", đại diện nhóm nghiên cứu chia sẻ thêm.
Trên quy mô toàn cầu, ngay cả ChatGPT cũng thường xuyên gặp lỗi do lưu lượng truy cập lớn.
Một số đoạn trò chuyện bằng tiếng Anh của MOSS. Ảnh: Shanghai Daily. |
Theo đánh giá của Shanghai Observer, MOSS đưa ra các câu trả lời trôi chảy, chính xác và logic. Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp công cụ trả lời sai hoặc thiếu hợp lý, phần lớn thuộc về các đoạn hội thoại bằng tiếng Trung.
"Các câu trả lời tiếng Anh của MOSS tốt hơn tiếng Trung bởi mô hình ngôn ngữ đã học 300 tỷ từ tiếng Anh, và chỉ 30 tỷ từ tiếng Trung", giáo sư Qiu Xipeng của Phòng thí nghiệm Xử lý Ngôn ngữ Tự nhiên, Đại học Phúc Đán cho biết.
Nguyên nhân khác đến từ thông tin nhiễu (quảng cáo) trong bộ dữ liệu tiếng Trung khá nhiều, ảnh hưởng đến hiệu quả của chatbot. Nhóm nghiên cứu cho biết sẽ lọc các mẫu ngôn ngữ để sử dụng trong giai đoạn đào tạo tiếp theo.
Xuất bản học thuật phủ nhận tác quyền của ChatGPT
Hiện có một làn sóng lo ngại rằng AI, với những nghiên cứu thiếu sót hay thậm chí bịa đặt, có thể gây nguy hại cho các tài liệu học thuật. Springer-Nature, một đơn vị xuất bản gần 3.000 tạp chí, đã cập nhật chính sách của mình, tuyên bố rằng ChatGPT không thể được liệt kê là tác giả. Nhiều đơn vị xuất bản khác đã thực hiện những cập nhật tương tự.