OpenAI thông báo hỗ trợ thanh toán gói ChatGPT Plus tại Việt Nam. Ảnh: Xuân Sang. |
Ngày 11/2, ứng dụng ChatGPT thông báo chính thức hỗ trợ gói Plus cho người dùng tại Việt Nam. Cụ thể, khi khách hàng trong nước mở ứng dụng chatbot AI này và không sử dụng VPN, trang web hiện lên bảng thông báo với nội dung "ChatGPT Plus hiện đã khả dụng tại Việt Nam".
Đi kèm với đó là các lợi ích khi người dùng đăng ký dịch vụ như được ưu tiên quyền sử dụng khi hệ thống nhận lượng truy cập lớn, thời gian phản hồi các câu hỏi nhanh hơn, trải nghiệm các tính năng mới. Đây là động thái gây bất ngờ của OpenAI (công ty phát triển ChatGPT) khi trước đó Việt Nam vẫn nằm trong khu vực giới hạn, không được công cụ này hỗ trợ.
Người dùng có thể thanh toán ChatGPT Plus bằng các loại thẻ ghi nợ quốc tế, với địa chỉ, số điện thoại Việt Nam. Giá dịch vụ mở rộng của chatbot AI này là 20 USD mỗi tháng.
Chỉ gói mở rộng được hỗ trợ thanh toán, trong khi ChatGPT vẫn chưa khả dụng tại Việt Nam. Ảnh: Xuân Sang. |
Tuy nhiên, việc hỗ trợ thanh toán ChatGPT Plus và các dịch vụ OpenAI khả dụng cho người dùng trong nước lại tách biệt. Cổng thanh toán, mua dịch vụ trả phí đã được mở, nhưng người dùng tại Việt Nam vẫn chưa thể chính thức sử dụng ChatGPT hay Dall E.
Cụ thể, khi khách hàng Việt Nam đăng ký tài khoản ChatGPT, không sử dụng dịch vụ VPN, OpenAI thông báo dịch vụ hiện không khả dụng tại khu vực. Đồng thời, trong danh sách các quốc gia được công cụ hỗ trợ, vẫn chưa có Việt Nam.
Người dùng trong nước, muốn truy cập ứng dụng AI này hiện phải đi đường vòng. Các cách phổ biến được sử dụng là thuê số điện thoại nước ngoài để đăng ký hoặc mua tài khoản được tạo sẵn. Ngoài ra, ChatGPT là công cụ miễn phí, không bị giới hạn tính năng theo thiết bị nên nhiều người dùng Việt sử dụng chung tài khoản được cộng đồng chia sẻ.
Tuy nhiên, việc dùng những cách thức không chính chủ khiến khách hàng chịu một số rủi ro tiềm ẩn về sau. Ví dụ, việc nhiều người cùng vào một tài khoản ChatGPT và sử dụng đồng thời khiến AI hoạt động chậm, kém hiệu quả, thường xuyên không phản hồi.
Trong khi đó, cách thuê số điện thoại quốc tế hoặc mua tài khoản có thể khiến người dùng bị mất tiền oan khi lựa chọn dịch vụ không uy tín. Đồng thời, khách hàng cũng không thực sự sở hữu tài khoản bởi số điện thoại đăng ký thuộc về bên thứ 3.
Xuất bản học thuật phủ nhận tác quyền của ChatGPT
Hiện có một làn sóng lo ngại rằng AI, với những nghiên cứu thiếu sót hay thậm chí bịa đặt, có thể gây nguy hại cho các tài liệu học thuật. Springer-Nature, một đơn vị xuất bản gần 3.000 tạp chí, đã cập nhật chính sách của mình, tuyên bố rằng ChatGPT không thể được liệt kê là tác giả. Nhiều đơn vị xuất bản khác đã thực hiện những cập nhật tương tự.