Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thẩm phán đầu tiên sử dụng ChatGPT trên tòa án

Đây là lần đầu tiên siêu AI được dùng để đưa ra phán quyết trên tòa án. Nhưng hành động này gây nhiều tranh cãi vì lo sợ AI sẽ thay thế thẩm phán và có quyết định sai lầm.

ChatGPT là chatbot AI thu hút sự quan tâm của công chúng trong thời gian gần đây. Ảnh: Phương Lâm.

Theo một tài liệu tòa án công bố ngày 30/1, Thẩm phán Juan Manuel Padilla Garcia tại tòa án First Circuit Court ở thành phố Cartagena, Colombia, tuyên bố sẽ sử dụng chatbot ChatGPT để giải quyết các vấn đề pháp trên tòa án, đồng thời cho phép công cụ AI này tham dự vào quá trình phán quyết.

Vụ án sử dụng ChatGPT liên quan đến quyền y tế của trẻ em ở Colombia. Cụ thể, một công ty bảo hiểm đã đâm đơn kiện để tranh cãi về vấn đề yêu cầu miễn phí khám bệnh, trị liệu và di chuyển cho một trẻ mắc chứng tự kỷ khi thu nhập cha mẹ cậu bé hạn chế.

Tại tòa án, câu hỏi được nhập vào ChatGPT cụ thể như sau: “Trẻ tự kỷ có được miễn trả toàn bộ chi phí điều trị hay không? Trước đó còn tòa án nào đưa ra phán quyết tương tự trong trường hợp này chưa?”.

ChatGPT đã trả lời: “Vâng, điều này hoàn toàn hợp lệ. Theo luật pháp Colombia, trẻ mắc chứng tự kỷ sẽ được miễn trả phí trong toàn bộ liệu pháp điều trị”.

Chatbot AI còn viện dẫn luật số 1753, bộ luật năm 2015 của Colombia. Trong đó ghi rõ quyền lợi này được áp dụng cho toàn bộ cơ sở y tế dù là công hay tư. Nguyên văn phần trả lời của ChatGPT sau đó đã được ghi chép trong hồ sơ tòa án.

Tham phan dung ChatGPT anh 1

Juan Manuel Padilla Garcia là Thẩm phán dùng ChatGPT trên tòa. Ảnh: Horizontapp.

Nói với Blu Radio, Thẩm phán Juan Manuel Padilla Garcia khẳng định ChatGPT và các chương trình AI sẽ giúp ích trong việc soạn thảo các văn bản pháp lý nhưng không thể thay thế các thẩm phán.

“Mục đích sử dụng chatbot này không phải để thay thế quyết định chính thức của thẩm phán. Chúng tôi muốn tối ưu hóa thời gian viết phần dự thảo cho các phán quyết trên tòa sau khi đã chứng thực các lý lẽ, bằng chứng mà AI đã cung cấp”, ông nói.

Vị thẩm phán cho rằng ChatGPT có thể hoàn thành tác vụ của một thư ký, giúp tiết kiệm thời gian phản hồi trong hệ thống luật pháp và cung cấp những thông tin có trật tự, đơn giản và dễ hiểu.

Ông nhấn mạnh mặc dù tham khảo ý kiến từ AI, ông vẫn là thẩm phán, vẫn suy nghĩ và có quan điểm riêng của mình. Thẩm phán Juan Manuel Padilla Garcia cho rằng ChatGPT không đe dọa hệ thống pháp luật hiện tại mà sẽ trở thành công cụ hỗ trợ đắc lực cho các thẩm phán.

Song, hành động của vị thẩm phán đã nhận về nhiều ý kiến chỉ trích. Giáo sư Juan David Gutierrez của Đại học Rosario ở Bogota, thủ đô Colombia nói rằng công cụ AI có thể tạo ra những câu trả lời sai lầm, thiếu chính xác.

“ChatGPT không thể phân biệt đâu là thật, đâu là giả. Mỗi lần được hỏi về cùng một chủ đề, nó có thể đưa ra các câu trả lời khác nhau. Ngoài ra, tòa cũng không cố gắng kiểm định những nguồn tin mà chatbot này sử dụng", ông viết trên Twitter cá nhân.

Tham phan dung ChatGPT anh 2

ChatGPT gây lo ngại vì những câu trả lời thiếu chính xác, dễ mắc sai lầm. Ảnh: Phương Lâm.

Giáo sư Juan David Gutierrez cho rằng thẩm phán đã không minh bạch trong việc sử dụng ChatGPT và chỉ ra rằng mặc dù nhập cùng câu hỏi với thẩm phán nhưng kết quả ông nhận được lại khác hoàn toàn.

“Các cơ quan tư pháp nên có các chính sách và quy tắc rõ ràng về việc sử dụng AI một cách phù hợp và trong bối cảnh cụ thể. Ngoài ra, các thẩm phán phải được đào tạo để sử dụng công cụ này một cách có hiểu biết, có đạo đức và có trách nhiệm”, ông nói.

Bên cạnh đó, giáo sư khẳng định ông không cổ súy việc cấm AI hoàn toàn trong tòa án nhưng việc sử dụng nó để đưa ra phán quyết là thiếu trách nhiệm và đạo đức.

Theo Octavio Tejeiro, Thẩm phán tại Tòa án tối cao Colombia, AI sẽ tạo ra nhiều tranh cãi về đạo đức trong lĩnh vực luật pháp vì nhiều người lo sợ robot sẽ thay thế thẩm phán. Nhưng ông cho rằng công cụ này sẽ sớm được chấp nhận và sử dụng rộng rãi.

“Hệ thống luật pháp nên ứng dụng công nghệ làm công cụ hỗ trợ nhưng đồng thời cũng cần tuân thủ các tiêu chuẩn đạo đức và luôn nhớ rằng người cầm cán cân công lý phải là con người. Nó chỉ là một công cụ giúp thẩm phán đưa ra những phán quyết sáng suốt hơn. Chúng ta không thể để công cụ lấn át vai trò của con người”, ông Octavio Tejeiro nói.

Xuất bản học thuật phủ nhận tác quyền của ChatGPT

Hiện có một làn sóng lo ngại rằng AI, với những nghiên cứu thiếu sót hay thậm chí bịa đặt, có thể gây nguy hại cho các tài liệu học thuật. Springer-Nature, một đơn vị xuất bản gần 3.000 tạp chí, đã cập nhật chính sách của mình, tuyên bố rằng ChatGPT không thể được liệt kê là tác giả. Nhiều đơn vị xuất bản khác đã thực hiện những cập nhật tương tự.

13 công việc ChatGPT có thể làm tốt

Nếu biết cách tận dụng, ChatGPT có thể trở thành trợ thủ đắc lực cho công việc, học tập.

ChatGPT liệu có 'thông minh' hơn Google?

ChatGPT có lợi thế về khả năng tương tác, nhưng lợi thế về thông tin vẫn nghiêng về Google.

Thúy Liên

Bạn có thể quan tâm