Nhiều công cụ AI đang sử dụng chính nội dung do con người tạo ra để sao chép. Ảnh: Frida Kahlo. |
Vào tháng 11/2022, một luật sư và lập trình viên máy tính tên Matthew Butterick đã kiện các công ty công nghệ gồm GitHub, Microsoft và OpenAI ăn cắp ý tưởng của những nhà phát triển phần mềm.
Theo quan điểm của Butterick, các nhà phát triển AI đã làm việc trong các dự án mã hóa nguồn mở mà chưa được cấp phép, dẫn đến việc trí tuệ nhân tạo của các công ty trên có thể lấy dữ liệu dễ dàng.
Đây là một cuộc chiến pháp lý về quyền sở hữu, bản quyền và tính xác thực trực tuyến có liên quan đến trí tuệ nhân tạo. Những công cụ AI này đã có một năm 2022 thành công rực rỡ và chính điều này đã khiến những người trong cuộc phải có cái nhìn cẩn trọng hơn.
Vấn đề bản quyền
Hiện tại, các ứng dụng AI sử dụng một lượng lớn nội dung kỹ thuật số có sẵn để tạo ra những thứ tương tự. Ngoài mã máy tính, AI còn có thể viết bài luận, tạo video và vẽ hình như một nghệ sĩ thực thụ.
Tuy vậy, nội dung mà các công cụ này tạo ra không phải lúc nào cũng hoàn hảo. Ví dụ, hình ảnh con người do DALL-E (công cụ của công ty OpenAI) tạo ra thường có các khuôn mặt méo mó và nhiều ngón tay thừa. Tất nhiên, các phiên bản mới đã khắc phục được điều này.
Trong khi đó, một công cụ AI khác là Copilot lại cho phép các lập trình viên làm việc nhanh hơn bằng cách gợi ý các đoạn mã. Nó dựa trên một tập hợp con của công nghệ mà OpenAI đã sử dụng để tạo DALL-E 2 và ChatGPT. Mọi thứ mà Copilot biết về lập trình đều xuất phát từ việc phân tích mã do con người viết và nó đã khiến một cuộc tranh cãi về bản quyền nổ ra.
Một số nhà phát triển đã công khai phàn nàn rằng các đề xuất mã của Copilot được lấy ý tưởng trực tiếp từ các chương trình của chính họ. Về phần mình, nhà phát hành GitHub đã thừa nhận rằng trong một số ít trường hợp, ứng dụng Copilot có thể sao chép mã trực tiếp và công ty đang cố gắng để loại bỏ điều này.
Luật sư Matthew Butterick cho rằng các công ty AI đã ăn cắp ý tưởng lập trình để đưa vào công cụ của họ. Ảnh: New York Times. |
Zahr Said, giáo sư luật tại Đại học Washington, cho biết công nghệ AI mới sẽ bị thách thức bởi các khuôn khổ pháp lý hiện có.
“Nhìn chung, nhiều người sẽ nói rằng bạn đang sử dụng tác phẩm có bản quyền để đào tạo AI, thì có lẽ bạn đang làm việc hợp pháp phải không? Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, không có gì đảm bảo rằng bạn không vi phạm bản quyền”, Zahr Said cho biết.
Oege de Moor, Phó chủ tịch của GitHub Next, công ty đã ươm mầm Copilot, cho biết các nhà phát triển luôn kiểm tra mã do con người viết để thông báo cho họ.
“Những mô hình này không có gì khác biệt. Họ đọc rất nhiều mã nguồn và tự tạo mã nguồn mới, vì vậy chúng tôi nghĩ rằng đây là lý do chính đáng và không vi phạm”, ông Oege de Moor nói.
Đáp lại yêu cầu bình luận về vụ kiện, GitHub cho biết họ “cam kết đổi mới một cách có trách nhiệm”. Trong khi đó, Microsoft và OpenAI từ chối bình luận về vấn đề trên.
Trách nhiệm và đạo đức
Margaret Mitchell, một nhà đạo đức học chuyên về vấn đề AI, cho biết các công ty trong ngành cần có trách nhiệm xem xét tính phù hợp và pháp lý, thay vì cố gắng bảo vệ chính mình.
“Tôi chắc chắn rằng các trường hợp pháp lý có thể được đưa ra và những công ty lớn như Microsoft có thể thuê luật sư để biến những vấn đề bản quyền thành hợp pháp. Sau cùng, chúng ta vẫn còn câu hỏi tinh thần của bộ luật này là gì?”, Margaret Mitchell nói.
Nhiều chuyên gia cho rằng các công ty AI đang ngó lơ bản quyền tác giả. Ảnh: Bloomberg. |
Hiện tại, các ý kiến khác nhau đang nổi lên về việc tác giả của các nội dung do AI tạo ra. Nhà cung cấp nội dung số Getty Images cho biết trang web của họ sẽ không lưu trữ bất kỳ nội dung nào do AI tạo ra. Đầu năm nay, Văn phòng Bản quyền Mỹ cũng từ chối yêu cầu của một nghệ sĩ về bản quyền hình ảnh do AI vẽ.
Trước đó, vào năm 2019, một cặp đôi nghệ sĩ gồm Holly Herndon và Mat Dryhurst đã phát hành album có tên Proto sở hữu giọng nói do AI sao chép. Họ cũng tạo ra một “nhạc cụ giọng nói” có tên là Holly+, cho phép người dùng tải lên tệp âm thanh và nghe tệp đó được hát bằng giọng của nhạc sĩ Holly Herndon.
Tuy vậy, lo ngại về vấn đề đạo đức đã được đưa ra khi các cá nhân sử dụng giọng nói của người khác mà không được sự đồng ý. Điều này có thể dẫn đến nhiều rủi ro về quyền riêng tư và bản quyền.
Những nhà khoa học tiên phong
"Những nhà khoa học tiên phong" là một cuốn sách thú vị về lịch sử của những phát minh nổi tiếng. Để có được những đóng góp vĩ đại cho nhân loại, các nhà khoa học nổi tiếng đã làm việc với lòng say mê và tinh thần học hỏi không ngừng.