Ảnh minh họa TikTok. Nguồn: SOPA. |
Theo thống kê của TikTok, hashtag #spicybooks đang có tới 3,9 tỷ lượt xem trên toàn cầu. Các clip không có cảnh báo về độ tuổi hay bất kỳ chính sách nội dung nhạy cảm nào của mạng xã hội này. Dường như các dòng chữ "Nội dung 18+" được chèn vào video chỉ khiến người xem thêm tò mò. Trong khi đó, nhà phát hành TikTok chưa công bố bất cứ điều gì về thuật toán sắp xếp nội dung. Vì vậy trẻ em hoàn toàn có thể tiếp cận nhóm video gắn hashtag #spicybooks.
Nội dung càng giật gân càng hút
Chỉ cần gõ dòng chữ #spicybooks, hàng loạt video đánh giá các cuốn sách có nội dung nhạy cảm sẽ hiện ra. Có những video chia sẻ các đoạn mô tả trần trụi cảnh nóng và nhiều câu chửi thề. Chỉ số ít trong chúng đã được làm mờ hay bôi đen từ ngữ nhạy cảm. Các video này đều không vi phạm các điều khoản của TikTok. Dù gắn mác #spicybooks, chúng vẫn có thể được xếp vào loại video giáo dục bởi chúng nói về chủ đề sách và hoạt động đọc.
Ở phần bình luận, nhiều người xem thảo luận và tìm kiếm tên sách, cách mua. Điều đó khiến video càng viral hơn. Một số người sáng tạo nội dung còn đặt chúng lên đầu danh sách phát tại trang cá nhân bởi lượng xem tăng đột biến. TikToker có tên Maddie đã làm series về các cuốn sách gắn hashtag #spicybooks, những clip về chủ đề này đạt hơn 400.000 lượt xem. So với các video review sách bình thường khác của Maddie chỉ có 6.000-7.000 lượt xem, đây là một con số khổng lồ.
Các đoạn video review những cuốn sách nhạy cảm trên TikTok. |
Một người sáng tạo nội dung khác trên nền tảng này có tên Madi lại chia sẻ các cuốn sách kèm theo đánh giá về nam nhân vật chính. Các nhân vật được mô tả càng khêu gợi càng được Madi chia sẻ rõ ràng và khuyến khích mọi người tìm đọc thử. Cô nói: "Sự quyến rũ của nam chính khiến tôi nóng mắt khi đọc chúng, tôi cảm thấy mình cần phải cảm ơn tác giả. Hãy lưu lại video này, chắc chắn bạn sẽ cần".
Các cuốn sách được nhà sáng tạo nội dung gắn hashtag #spicybooks thực chất thuộc về một thể loại phụ của dòng tiểu thuyết lãng mạn mang tên Dark Romance (lãng mạn đen tối). Các cuốn sách này thường xuyên được giới hạn độ tuổi bởi chúng đề cập đến nhiều vấn đề nhạy cảm như bạo lực, tội phạm, tình dục, đạo đức...
Các cảnh ướt át được mô tả chi tiết và trải dài trong cuốn sách. Tại Việt Nam, tiêu biểu cho dòng sách này là series 50 sắc thái được xuất bản vào năm 2012, tuy nhiên cuốn sách đã được gắn mác nhạy cảm. Một số tác phẩm khác trôi nổi trong những nền tảng chia sẻ của tác giả văn học mạng.
Quản lý con sử dụng mạng xã hội
Chị Nguyễn Thị Mai (32 tuổi, tại Hà Nội) cho rằng việc quản lý con cái sử dụng mạng xã hội hiện nay rất khó. Chị Mai không thể ở cạnh con mọi lúc mọi nơi để biết được chúng đang xem gì. Học sinh tiểu học giờ cũng đã sử dụng điện thoại và truy cập vào các mạng xã hội phổ biến như Facebook, TikTok hay Instagram.
Gần như trẻ nhỏ sử dụng để nắm được các thông tin trên trường, lớp. Một trong những điều khiến chị Mai bất ngờ nhất là không hiểu từ lúc nào con mình đã thuộc lòng nhiều điệu nhảy trên TikTok.
"Bọn trẻ con học theo rất nhanh. Chỉ cần xem clip vài lần chúng có thể làm theo đúng như động tác của các bạn trên mạng", chị Mai chia sẻ.
Trước vấn đề các cuốn sách nhạy cảm được review rộng rãi trên TikTok, phụ huynh này cũng lo ngại rằng con mình có thể vô tình xem được chúng. Trẻ em hiện tại đang phải tiếp thu các thông tin một cách thụ động trong khi các chính sách kiểm duyệt nội dung của các nền tảng mạng xã hội mới có phần lỏng lẻo.
PGS.TS Nguyễn Văn Dững (Chuyên gia báo chí truyền thông) là tác giả của cuốn sách Báo chí với trẻ em. |
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Dững (Chuyên gia báo chí truyền thông), các nhà sáng tạo nội dung hiện nay hiểu rất rõ công chúng cần gì và làm sao để có được một cú nhấp chuột của khán giả. Chẳng hạn vấn đề tình dục, đây là một chủ đề giáo dục có ý nghĩa tuy nhiên nó cũng tồn tại những mặt trái. Người làm nội dung có thể khiến chủ đề tình dục trở thành kích dục khi nhắm đến các đối tượng trẻ vị thành niên.
"Trước bối cảnh mạng xã hội bùng nổ ở nước ta, cùng sự háo hức thông tin của đại bộ phận khán giả, trong các nhóm công chúng và tổ chức xã hội cần phải có những bộ quy tắc ứng xử văn hóa. Đừng vì lợi ích cá nhân, lợi ích đồng tiền mà dẫn dắt giới trẻ đi vào con đường không mong muốn", PGS.TS Nguyễn Văn Dững cho biết.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Zing News
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Zing News mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng