Ảnh minh họa. Nguồn: Vietnamnet. |
Sự bùng nổ của các phương tiện truyền thông mới trong kỷ nguyên số vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với thế hệ trẻ. Cơn bão thông tin ập đến qua nhiều hình thức khác nhau, đặc biệt sự xuất hiện của mạng xã hội TikTok đã thúc đẩy tiềm năng của loại hình video ngắn. Các bạn trẻ có thể dành hàng tiếng đồng hồ để lướt xem các đoạn video chỉ dài từ 20 giây đến 1 phút. Về lâu dài, chính họ cảm thấy khả năng tập trung của bản thân bị suy giảm đáng kể, việc đọc sách cũng khó khăn hơn.
Vật lộn với việc đọc
Đối với Nguyễn Như Ngọc (23 tuổi, một nhân viên thiết kế đồ họa tại Hà Nội), việc đầu tiên mỗi sáng thức dậy là cầm vào điện thoại và lướt TikTok. Phải đến gần 30 phút sau, Ngọc mới thoát ra khỏi chiếc màn hình điện thoại để sửa soạn đi làm.
Ở cơ quan, Ngọc cảm thấy mình khó tập trung vào công việc hơn, cứ chừng nửa tiếng Ngọc lại cầm vào điện thoại và lướt. Từ Facebook, Behance, Pinterest cho đến nhiều nền tảng khác, cùng một lúc, Ngọc sử dụng tới 6-7 mạng xã hội.
Vào những ngày nghỉ, Ngọc có thể dành cả buổi sáng chỉ để xem TikTok. Nền tảng này sở hữu khả năng cuộn vô hạn cùng các video ngắn, nhịp nhạc nhanh khiến người xem như bước vào một ma trận nội dung. Sau một năm sử dụng, Ngọc cảm thấy bản thân không thể tập trung để đọc bất cứ cái gì quá ba trang A4. Trước đó, Ngọc vẫn có thói quen đọc truyện tranh và xem artbook.
Đoạn video em bé khóc trên TikTok đạt 60 triệu lượt xem gây tranh cãi. Ảnh: VTV. |
"Hiện tại, mình thấy rất khó khăn để cầm một cuốn sách lên và đọc. Không phải vì chúng không hấp dẫn nữa mà vì mình không thể tập trung vào nó dù nội dung có hay đến đâu. Mình muốn thay đổi điều này nhưng chắc phải cần thêm thời gian", Ngọc chia sẻ.
Vấn đề này không chỉ xảy ra với Ngọc, Vũ Hoàng Linh (24 tuổi, giáo viên tự do tại Hà Nội) cũng nhận thấy các nền tảng mạng xã hội, đặc biệt là TikTok, khiến thói quen đọc sách của Linh không còn. Trước đó, Linh là một người thường đi hội sách, mỗi năm Linh đọc khoảng 12-15 cuốn sách. Mặc dù công việc bận rộn vì phải học song song hai bằng, Linh vẫn dành thời gian để đọc cuốn sách mình yêu thích.
Gần đây, khi biết đến mạng xã hội TikTok, Linh lập tức thấy thu hút với nền tảng này. Không chỉ tham gia với tư cách là người xem, Linh còn đăng tải các đoạn video của mình lên đó. Nửa năm nay, Linh không còn đọc bất kỳ cuốn sách nào nữa. Linh chỉ nghe vài đoạn trích sách trên các kênh phát thanh trực tuyến.
"TikTok thực sự đã thay đổi mình rất nhiều, đặc biệt là thói quen đọc sách. Trung bình một tháng trước đó mình đọc tới 2 cuốn sách. Nhưng bây giờ, mình chỉ đọc được vài trang rồi lại gấp vào. Có thời gian dài mình chẳng buồn đọc cuốn nào, chỉ lật giở các trang giấy như một hành động bản năng", Linh cho biết.
Tìm lại khả năng tập trung
Giáp Vũ Nam Dương (22 tuổi, một trong những tác giả chính của cuốn Từ điển 202X) chia sẻ rằng việc trưởng thành trong thời đại Internet bùng nổ đặt ra thách thức lớn cho gen Z. Các bạn trẻ thuộc thế hệ này dễ dàng bị xao nhãng bởi quảng cáo, hyperlink... các công nghệ truyền tin kỹ thuật số. Họ khó có thể tìm đọc các tài liệu gốc bởi hàng loạt phiên bản đạo văn tràn lan trên mạng. Thông tin trên mạng xã hội bị ảnh hưởng bởi thuật toán rất nhiều.
Còn với Vũ Hoàng Long (tác giả của Người kể chuyện tuổi trẻ và Kiếp người) nhận thấy gen Z học tập chủ yếu xuất phát từ mạng xã hội, một nền tảng thông tin thật giả lẫn lộn. "Khoảng vài năm trước, khi quan sát thị trường sách, tôi nhận thấy khá nhiều đầu sách dạy làm giàu, kỹ năng kinh doanh, bán hàng. Cho đến hiện tại, dòng sách về chánh niệm, thiền định lại lên ngôi. Một bạn trẻ gen Z có thể lên TikTok và tìm sự chữa lành với một đoạn video 60 giây", Vũ Hoàng Long cho biết.
Mua hàng nhanh, tiêu thụ nhanh, xem nhanh, TikTok còn đem đến khả năng "chữa lành" nhanh. Chúng được ví như hiệu ứng thị giác Doppler, mọi thứ lướt qua càng nhanh đến độ vượt qua phổ giới hạn của thị giác, mọi thứ trở thành một đường thẳng đơn sắc hoặc thậm chí là biến mất. Video ngắn, chức năng cuộn vô hạn là một vũ khí bán hàng hiệu quả nhưng nó đem đến sự ngột ngạt về thông tin. Nó hình thành cơ chế tiếp nhận thông tin nhanh và bị động. Vì vậy, các bạn trẻ rất khó khăn trong việc xây dựng thói quen đọc sách.
Trẻ em Nhật bản đọc sách dạy tiếng. Ảnh: KXAN. |
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương, ở Nhật, việc giới trẻ ham mê các thiết bị công nghệ, Internet mà không đọc sách được gọi là hiện tượng “xa rời văn hóa đọc”. Hiện tượng này xuất hiện sớm hơn tại Việt Nam vài chục năm. Để đối phó với hiện tượng này chính phủ Nhật đã ban hành “Luật khuyến khích hoạt động đọc sách của trẻ em” (2001), “Luật chấn hưng văn hóa đọc” (2005).
Khi các bạn trẻ không được hưởng thụ văn hóa đọc từ nhỏ ngay từ trong gia đình và không có thói quen đọc sách được rèn luyện trong gia đình, nhà trường, họ sẽ dễ bị cám dỗ bởi văn hóa nghe nhìn. "Đọc sách cần nỗ lực để có niềm vui trong khi tiếp nhận các sản phẩm nghe nhìn khác thì không. Điều này lý giải tại sao giới trẻ tiếp nhận thông tin qua nghe - nhìn nhiều hơn, say mê hơn là đọc. Vẫn có nhiều bạn trẻ khác say mê đọc nhưng họ chưa trở thành nhóm chủ đạo", TS Nguyễn Quốc Vương cho biết.
TikTok không hoàn toàn là một nền tảng xấu nhưng hình thức truyền tải nội dung và thuật toán nó đem đến có thể gây hại cho quá trình xây dựng thói quen đọc. Giới trẻ không chỉ cần tư duy phản biện, họ cần cả một cái nhìn phản tư để thấy được vị trí của bản thân trong một môi trường thông tin hỗn độn.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Zing News
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Zing News mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng