Lực lượng chức năng dùng giàn khoan làm loãng khu vực đất cát xung quanh trụ bê tông. Ảnh: Hoàng Giám. |
Sáng 2/1, hàng chục người trong đội cứu hộ tiếp tục thực hiện công tác cứu nạn đối với bé Thái Lý Hạo Nam (10 tuổi, ngụ xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp). Tuy nhiên, thay vì tiếp tục khoan cọc nhồi, các lực lượng dùng máy khoan đất để nới rộng vùng cát xung quanh trụ bê tông.
Ông Lê Hoàng Bảo, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đồng Tháp, cho biết đây là bước đi thận trọng của lực lượng chức năng trong công tác cứu nạn, để tránh phát sinh tình huống xấu.
"Tối hôm qua, chúng tôi ghi nhận một số phát sinh không thuận lợi trong quá trình sử dụng dàn khoan cọc nhồi gần trụ bê tông, khiến trụ bê tông bị lệch nhẹ. Sau đó, chúng tôi quyết định tạm ngừng công tác cứu nạn trong thời gian ngắn để tiếp tục bàn bạc phương án", ông Bảo nói.
"Việc cứu nạn tiếp diễn đến sáng nay. Phương án cứu nạn vẫn thực hiện như kế hoạch ban đầu, đó là làm loãng địa chất xung quanh để cân nhắc nhổ trụ bê tông", ông Bảo cho biết thêm.
Sáng 2/1, đội cứu nạn dùng khoan để mở rộng địa chất xung quanh trụ bê tông - nơi bé Thái Lý Hạo Nam rơi xuống (miệng trụ bê tông được che bằng nón lá). Ảnh: Hoàng Giám. |
Cũng theo ông Lê Hoàng Bảo, hiện khối lượng công việc giải cứu cháu bé là rất lớn. Do vậy, đội cứu hộ phải điều động nhiều thiết bị, nhân lực, đồng thời phải có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bên.
Cũng trong sáng nay, ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cùng một số lãnh đạo, ban, ngành của tỉnh trực tiếp đến hiện trường vụ tai nạn nắm tình hình. Sau đó, ông Nghĩa đến thăm hỏi, động viên gia đình anh Thái Văn Tấn Tài (cha của Thái Lý Hạo Nam).
Khoảng 11h30 ngày 31/12/2022, Thái Lý Hạo Nam (10 tuổi) cùng ba bạn hàng xóm vào công trình cầu Rọc Sen (xã Phúc Lợi, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp) để nhặt sắt. Không may, Nam rơi xuống trụ bê tông rỗng, đường kính 25 cm, đã đóng xuống đất sâu khoảng 35 m.
Trung tá Trần Văn Giỏi, Phó đội trưởng cứu hộ thuộc Công an tỉnh Đồng Tháp, cho biết đội đã tính đến phương án đưa người xuống và thả dây chuyên dụng vào. Song phương án này không khả thi do miệng ống quá nhỏ, nhân viên cứu hộ không thể thả dây leo xuống.
Đến 11h30 ngày 2/1, lực lượng cứu hộ vẫn chưa thể tiếp cận nạn nhân.
Sách hay về Nam Bộ
Tản mạn kiến trúc Nam Bộ mang đến cái nhìn đầy đủ, toàn diện về lịch sử kiến trúc dân dụng miền Nam từ cuối thế kỷ 19 đến cuối thế kỷ 20. Đặc biệt, trên chặng đường khám phá kiến trúc, độc giả còn được tiếp cận với những câu chuyện về lịch sử xây dựng, về tập quán, văn hóa của địa phương, và về cả những ước mơ, khát vọng, phong cách của gia chủ trên từng đường nét của ngôi nhà.
Chuyện trong nhà ngoài xóm miệt Hậu Giang - nhiều câu chuyện kể cụ thể, tự nhiên về lối sống và tính cách của bà con miền Tây được ghi lại chân thực, mộc mạc. Sách không chỉ gợi lên cảm giác thân thương nơi những người con vùng sông Hậu, mà còn khiến người đọc nói chung cảm thấy ấm lòng và mát dạ biết bao khi được nghe câu nói quen thuộc “bà con chòm xóm tối lửa tắt đèn có nhau”.