Sáng 1/1, lực lượng cứu hộ khoan cắt bê tông để giải cứu bé Thái Lý Hạo Nam (10 tuổi) bị kẹt trong lòng trụ bê tông tại xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình, Đồng Tháp. Máy khoan nhồi được đưa đến hiện trường để tiếp tục khoan đất, hút bùn. Cơ quan chức năng cân nhắc phương án nhổ cọc bê tông giải cứu nạn nhân.
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Đồng Tháp, ông Lê Hoàng Bảo, cho biết sau khi tiến hành khoan cọc nhồi, mở miệng khu vực trụ bê tông, lực lượng chức năng sẽ dùng xe cẩu 50 tấn để nhổ trụ lên.
Sáng 1/1, tổ cứu nạn vẫn tiếp tục thực hiện việc khoan cọc, mở rộng miệng đất đá quanh trụ bê tông để giải cứu nạn nhân. |
Theo ghi nhận, dù hiện trường có hàng chục lực lượng cứu hộ, việc nhổ trụ bê tông lên đang gặp nhiều khó khăn và sẽ còn kéo dài trong nhiều giờ tới.
Anh Thái Văn Tấn Tài (cha bé Nam) cho biết trưa 31/12, sau khi nghe mọi người báo tin con trai anh bị nạn, anh trực tiếp đến hiện trường và rất bàng hoàng. Vợ anh là chị Nguyễn Thị Mỹ Linh liên tục ngất xỉu. Chị được mọi người chăm sóc, hiện sức khỏe chị Linh ổn định hơn, tuy nhiên người phụ nữ này vẫn xúc động mạnh.
"Lúc vừa đến đây, tôi có nghe tiếng kêu cứu của con trai. Một lúc sau đó thì không nghe gì nữa. Rất có thể con đã ngất xỉu từ trưa hôm qua", anh Tài nói.
Đội cứu hộ gia cố cần cẩu, tiếp tục thực hiện việc khoan, cắt đất mở rộng quanh miệng trụ bê tông sáng nay 1/1. |
Trong cuộc trao đổi với phóng viên, anh nhiều lần trách bản thân vì cứ chạy theo công việc mưu sinh mà ít có thời gian để bên cạnh và chăm sóc, bảo vệ cho con.
Theo lực lượng chức năng và những nhân chứng tại hiện trường, trưa 31/12, bé Nam cùng bạn đến khu vực trên để nhặt sắt thì bị lọt xuống trụ bê tông của một công trường thi công cầu. Trụ bê tông này rỗng bên trong, đường kính 25 cm, đã đóng xuống đất sâu khoảng 35 m. Do có kích thước nhỏ, nhiều người vẫn không hiểu vì sao một bé 10 tuổi có thể bị rơi vào phía trong.
Trụ bê tông rỗng ruột có kích thước khá nhỏ. Nhiều người bất ngờ và đặc nghi vấn vì sao bé Nam lại rơi vào trong thân trụ bê tông này. |
Sau sự việc, nhóm bạn của Nam đã hô hoán để nhiều người dân địa phương đến giải cứu nhưng bất thành. Sau đó, lực lượng chức năng được huy động đến hiện trường phối hợp với kỹ sư, công nhân đang thi công cầu Rọc Sen thực hiện việc cứu hộ.
Từ chiều và đêm 31/12, tổ công tác hàng chục người túc trực nguyên đêm tại hiện trường để thực hiện công tác cứu nạn. |
Cầu Rọc Sen đã thi công khoảng 6 tháng nay, hiện đã hoàn thành việc đóng cọc âm cột bê tông. Theo nhiều người dân, nhiều cọc âm vẫn còn lộ thiên, cao so với mặt đất khoảng 5 cm mà chưa được lấp đất đá. Khu vực công trình thi công nơi xảy ra vụ tai nạn có rào chắn tạm.
Nhiều nhân chứng tại hiện trường cho biết việc cứu hộ của các lực lượng diễn ra khá chậm vì chưa thống nhất phương án cứu hộ hiệu quả. Đáng lưu ý, việc nhổ cọc đã cắm sâu hàng chục mét của đơn vị thi công là chưa có tiền lệ, nên mọi người không có kinh nghiệm và thiếu thiết bị chuyên dụng để thực hiện.
Đại diện một thành viên tổ cứu hộ nhìn nhận nhiều khả năng bé trai đã ngất xỉu do ngạt khí. "Chúng tôi có tiếp khí oxy vào miệng trụ bê tông. Tuy nhiên việc này chưa chắn chắn rằng sẽ cung cấp được luồng khí thở đến cho nạn nhân"", anh cho biết. Việc cứu hộ hiện đang được tổ cứu nạn thực hiện khẩn trương.
Sách hay về Nam Bộ
Tản mạn kiến trúc Nam Bộ mang đến cái nhìn đầy đủ, toàn diện về lịch sử kiến trúc dân dụng miền Nam từ cuối thế kỷ 19 đến cuối thế kỷ 20. Đặc biệt, trên chặng đường khám phá kiến trúc, độc giả còn được tiếp cận với những câu chuyện về lịch sử xây dựng, về tập quán, văn hóa của địa phương, và về cả những ước mơ, khát vọng, phong cách của gia chủ trên từng đường nét của ngôi nhà.
Chuyện trong nhà ngoài xóm miệt Hậu Giang - nhiều câu chuyện kể cụ thể, tự nhiên về lối sống và tính cách của bà con miền Tây được ghi lại chân thực, mộc mạc. Sách không chỉ gợi lên cảm giác thân thương nơi những người con vùng sông Hậu, mà còn khiến người đọc nói chung cảm thấy ấm lòng và mát dạ biết bao khi được nghe câu nói quen thuộc “bà con chòm xóm tối lửa tắt đèn có nhau”.