Chợ nổi là hình ảnh gợi thương nhớ vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Ngọc Trinh. |
Theo nhà văn Sơn Nam, người ở Đồng bằng sông Cửu Long thường có những cách gọi phân biệt cho từng vùng. Chẳng hạn, miệt Trên chỉ vùng Biên Hòa, Gia Định, Bà Rịa, Tân An, miệt Cao Lãnh, miệt Đồng Tháp Mười, miệt Dưới bao gồm vùng Rạch Giá, Cà Mau...
Không gian văn hóa được bồi đắp bởi phù sa sông Hậu
Ngoài ra, còn một “miệt” nữa gắn với tên gọi của tỉnh Hậu Giang xưa - một vùng rộng lớn mà ngày nay được tách ra làm TP Cần Thơ, tỉnh Sóc Trăng và tỉnh Hậu Giang (mới). Tỉnh cũ không còn, nhưng nhìn chung, trong tâm thức của những người con vùng đất Hậu Giang xưa vẫn giữ một nét văn hóa, tính cách đặc trưng, và thường nhắc đến miệt Hậu giang với chữ “giang” viết thường để chỉ vùng đất rộng lớn và màu mỡ được bồi đắp bởi phù sa sông Hậu qua bao đời.
Sinh ra và lớn lên ở vùng đất mới Hậu Giang, Trần Minh Thương được nghe và chứng kiến nhiều cách thức ứng xử độc đáo của bà con miền quê. Anh đi nhiều, nghe các bậc cao niên kể lại những gì mà cha ông đã đem ra đối đãi nhau trong tình thân tộc, nghĩa xóm làng. Những điều đó đã được tác giả đúc kết và kể lại trong tác phẩm mới ra mắt với tên gọi đậm chất miền Tây: Chuyện trong nhà ngoài xóm miệt Hậu giang.
Tác giả Trần Minh Thương (bút danh: Thạch Ba Xuyên) giải thích về tên sách: “Hậu Giang nếu viết hoa cả hai thì nó sẽ gắn liền với địa danh hành chính tỉnh Hậu Giang. Dùng chữ giang không viết hoa để chỉ sông Hậu và hướng đến một không gian văn hóa vùng hơn là một địa danh hành chính. Vùng đất ấy thuộc địa giới hành chính của các tỉnh một phần tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng...".
Tác phẩm Chuyện trong nhà ngoài xóm miệt Hậu giang do NXB Tổng hợp TP.HCM phát hành. Ảnh: NXB Tổng hợp TP.HCM. |
Những chuyện tự nhiên như lời ăn tiếng nói hàng ngày
Trong buổi giao lưu giới thiệu tác phẩm tại Đường Sách TP Cao Lãnh, khi được hỏi về nét đặc sắc, riêng biệt tại miệt Hậu giang mà không nơi nào khác có được, tác giả thật thà cho biết mình chưa có dịp tìm hiểu tường tận những nét văn hóa này ở các vùng miền khác nên khó đối sánh được.
Thay vào đó, những gì được kể trong tác phẩm là những điều rất thật được tác giả mắt thấy tai nghe trong các cuộc điền dã, được lớn lên trong không khí văn hóa của vùng đồng bằng ven sông Hậu.
Tác giả ví von với nhiều câu chuyện kể rất cụ thể, tự nhiên như lời ăn tiếng nói hàng ngày của bà con miền quê. Muôn kiểu thể hiện với chuyện nhắn, gửi: từ nhắn lời, gửi nhà cửa đến gửi con, gửi cháu; chuyện hùn hạp nhau như hùn nhau nuôi lợn, hùn nấu bánh tét, hùn ăn hùn uống, lúc lại gọi để cho nhau chén canh, tô cháo; thiếu hụt thì chạy tìm vay mượn hàng xóm…
“Dù sao, chúng tôi cũng cảm thấy việc xưng kêu nhau trong gia đình ở miệt Hậu giang, hay chuyện nói xin mà đòi, mà mua, nó mượn mà vay, nói nhắn mà... chưởi khéo là rất độc đáo và thú vị”, anh chia sẻ.
Tác giả Trần Minh Thương (trái) và ông Lê Minh Trung - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Đồng Tháp - tại buổi giao lưu với bạn đọc hôm 22/11 ở đường sách Cao Lãnh. Ảnh: NXB Tổng hợp TP.HCM. |
Để viết cuốn sách, tác giả đã đi đến nhiều nơi của vùng đất Hậu giang. Anh vẫn nhớ những lần vào nhà dân xin nước uống, ngủ nhờ. “Chị chủ nhà còn hỏi: Có đói không dọn cơm cho ăn, ngặt không có đồ ăn nghen, vì mấy cha nội lấy làm mồi nhậu hết rồi!”, anh kể về một lần vào xin nước mà được mời nhậu rồi ngủ ở nhà dân tới xế chiều. “Ở đây, có mấy biểu hiện: xin (xin nước), cho (cho nước), rủ (rủ nhậu), … Nó đã khơi nguồn và tiếp thêm những biểu hiện trong những bài viết của mình”, anh nói.
Từ chuyện trong nhà ngoài xóm ở miệt Hậu giang, có thể thấy những nét tương đồng với miền quê khác, nhất là vùng Tây Nam Bộ. Vì vậy, Chuyện trong nhà ngoài xóm miệt Hậu giang không chỉ gợi lên cảm giác thân thương nơi những người con vùng sông Hậu, mà còn khiến người đọc nói chung cảm thấy ấm lòng và mát dạ biết bao khi được nghe câu nói quen thuộc “bà con chòm xóm tối lửa tắt đèn có nhau”.