Tập truyện Những giấc mơ rừng (Nhà xuất bản Kim Đồng 2022) và tập thơ Triền non xanh dắt tôi đi mãi của Hữu Vi (Nhà xuất bản Hội Nhà Văn 2022). |
Năm trước, tôi tình cờ đọc truyện Hai chiếc áo sơ mi của Hữu Vi, rất ra không khí miền núi cao. Những hỗn tạp của đời sống từ nơi xa núi rừng đã gieo một nỗi buồn man mác về cho một gia đình trong bản nhỏ. Dù sao không khí ngày cuối năm vẫn ấm áp nhờ có tình người. Truyện ấy, tôi đưa vào tuyển tập Sách tết năm Nhâm Dần và thấy là rất hợp.
Trong khi nhờ người tìm giúp địa chỉ liên lạc của tác giả Hữu Vi, tôi dần dần nhớ ra. Thì ra đây chính là bạn sinh viên trường Đại học Văn hóa, khoảng 2005 - 2010 thỉnh thoảng có gửi bài cho tôi biên tập để đưa in báo. Hồi ấy có mấy người bạn cùng lớp mang bài đến gửi giúp Hữu Vi, sau đó Hữu Vi tự gửi thư điện tử cho tôi. Văn Giá là thầy trực tiếp của các bạn ở khoa Sáng tác - Lý luận - Phê bình cũng có nhắc đến Hữu Vi. Trong thời gian ở đại học, Hữu Vi gửi bài đăng trên nhiều báo như Văn nghệ, Đại biểu Nhân dân, tạp chí Văn nghệ quân đội và một số báo chí địa phương. Anh học ở Đại học Văn hóa từ 2005 đến 2009 rồi trở về Nghệ An.
Tôi cũng dần nhớ ra, hồi ấy tôi không gặp trực tiếp Hữu Vi, nhưng các bạn sinh viên cùng lớp của Hữu Vi có kể anh bị bệnh mắt, hầu như chỉ thấy lờ mờ thấp thoáng. Đi đến các tòa soạn và các nhà xuất bản để gửi bài đều phải có bạn bè dẫn đi. Cho nên mới đây khi kết nối lại với Hữu Vi qua thư điện tử, tôi ngạc nhiên thấy Hữu Vi vẫn có khi đi lại bằng xe máy để viết bút ký, phóng sự. Mắt trái 1/10, mắt phải 3/10 mà đi xe máy đường núi có mạo hiểm không? Hữu Vi bảo đúng là mạo hiểm, nhưng quê anh bây giờ đường khá thoáng, đi chậm thì cũng được.
Hữu Vi kể với tôi, anh là người Thái, ở xã Chi Khê, huyện miền núi Con Cuông của tỉnh Nghệ An. Năm chú bé lên ba tuổi thì người nhà phát hiện chú bị kém mắt. Ở miền núi cao, cuộc sống vất vả, không có điều kiện chạy chữa. Chú bé phải tập thích nghi và quen dần với hoàn cảnh của mình. Lớn dần lên thì cũng biết lên nương, làm rẫy, đi rừng. Mắt kém nhưng học hành cũng khá, năm học lớp tám chú bé đã có thơ đăng báo, năm hăm hai tuổi vào Đại học Văn hóa, tiếp tục viết báo và làm thơ, viết văn.
Sau khi tốt nghiệp đại học, Hữu Vi có làm sách cho một số nhà xuất bản, rồi từ 2011 đến 2019 anh được hưởng chế độ cộng tác viên đặc biệt của báo Nghệ An, có lương cộng tác. Hình dung một phóng viên mắt kém phải đi lại giữa miền núi và đồng bằng thì phải nỗ lực đến thế nào. Hoàn cảnh bản thân khiến anh không được làm phóng viên chính thức. Vài năm nay, anh đã trở về bản người Thái của mình, làm phóng viên tự do, mảng văn hóa xã hội, viết tin làm phóng sự hình ảnh, tiếp tục cộng tác với báo chí và các nhà xuất bản. Bên cạnh đó là chăn nuôi và dạy hai đứa con nhỏ.
Những giấc mơ rừng là tập truyện đầu tiên Hữu Vi viết cho thiếu nhi. Trong ấy là giọng kể của một chú bé người Thái về rừng núi quê hương mình, về gia đình mình, về những người thân, cả chim muông cùng thiên nhiên gần gũi. Đọc những trang sách này, ta dần dần bước chân vào thế giới của Hữu Vi, hồn nhiên và tươi nguyên.
Cuối tháng 8/2022, tôi có dịp đi cùng một nhóm mang tập thơ Triền non xanh dắt tôi đi mãi của Hữu Vi vào miền núi Nghệ An cho tác giả. Tập thơ vừa in xong ở Hà Nội, nhà thơ Thiên Sơn đứng ra chịu chi phí in ấn. Họa sĩ Kim Duẩn vẽ tặng cái bìa đẹp. Đêm ấy, nhóm các nhà văn nhà thơ từ Hà Nội vào tọa đàm về tập thơ của Hữu Vi, thưởng thức những điệu múa lời ca của người Thái. Địa điểm là nếp nhà sàn câu lạc bộ văn hóa xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu, quê vợ của Hữu Vi. Thơ Hữu Vi trong trẻo và chân thật. Một giọng thơ dân tộc tôi cảm nhận là văn minh. Tự tin vào chất dân tộc hiện đại trong mình, nhà thơ không uốn giọng ngọng nghịu như nhiều người vẫn viết về miền núi.
Nói thêm về bút danh: biên tập viên góp ý nên lấy bút danh là tên thật, Vi Văn Chôồng, nghe đúng chất và hay hơn. Tôi cũng đồng ý, Hữu Vi thì nghe như bút danh của bất cứ một tác giả miền xuôi nào. Nhưng tác giả nói bút danh Hữu Vi đã dùng gần hai chục năm rồi. Còn tên khai sinh Vi Văn Chôồng là do ông nội đặt cho. Tiếng Thái, cái tên ấy có nghĩa là cả, vừa là cả vừa là trưởng, là đích tôn trong nhà.
Như vậy, ta đã biết một tác giả có bút danh Hữu Vi, lại còn biết trên miền núi Con Cuông kia, tên thật của nhà văn là Vi Văn Chôồng, là một người anh Cả.