Hình ảnh tại triển lãm, thuộc dự án tu bổ di tích Ô Quan Chưởng thế kỷ XVIII Hà Nội. |
Sáng 23/11, nhân dịp kỷ niệm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam và Kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Quỹ Bảo tồn Di sản Văn hóa của Đại sứ Mỹ (AFCP), Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã phối hợp cùng Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị Di sản văn hoá tổ chức hội thảo “Việt Nam và Mỹ: Nỗ lực chung bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam”.
Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia có uy tín về bảo tồn di sản văn hóa ở Việt Nam và nước ngoài và tham luận từ 6 đại biểu đại diện ở ba miền. Thông qua các tham luận, các thực hành tốt, các thách thức và khó khăn mà các cơ quan đơn vị và cá nhân gặp phải trong quá trình thực hiện dự án bảo tồn được nhận diện, để từ đó, các chuyên gia thảo luận, đóng góp ý kiến về công tác bảo tồn di sản văn hóa trong đời sống.
Hành trình 20 năm bảo tồn di sản văn hóa
TS Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, nói trong khai mạc hội thảo: “Công tác bảo tồn di sản văn hóa đang là nhu cầu cấp bách của xã hội trước tác động mạnh mẽ của tự nhiên và con người”. Ông cho biết hội thảo lần này đánh dấu những nỗ lực chung của Việt Nam và Mỹ trong bảo tồn di sản văn hóa.
“Trong suốt 20 năm qua, 16 bảo tàng, di tích, cơ quan văn hóa đã được hỗ trợ tài chính lên tới 1.246.774 USD từ Quỹ Đại sứ, theo đó 5 di tích, 2 di sản văn hóa phi vật thể và hàng trăm hiện vật, tác phẩm nghệ thuật đã được bảo tồn, phát huy giá trị”, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam chia sẻ.
PGS.TS Đỗ văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, cho biết hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ là một hành trình dài, những thành tựu đã đạt được, cùng sự hỗ trợ của quỹ AFCP, cho thấy tầm quan trọng của bảo tồn và phát huy di sản văn hóa.
Từ trái qua phải: ông Phan Thanh Khải, bà Lê Thị Minh Lý, ông Nguyễn Anh Minh. Ảnh: MH. |
Bà Kate Bartlett, Tùy viên Văn hóa Đại sứ quán Mỹ, dành lời ca ngợi cho những nhà bảo tồn của Việt Nam: “Tôi biết công việc của các ông không dễ dàng, nhưng đó là công việc ý nghĩa và đáng được biểu dương, để lại tác động tích cực lâu dài cho thế hệ sau”. Bà cũng bày tỏ mong muốn được lắng nghe những kinh nghiệm, những bài học từ hai thập kỷ nỗ lực, để từ đó, Mỹ và Việt Nam tiếp tục chung tay trong những dự án bảo tồn tiếp theo.
Chia sẻ về những ngày đầu bộ Luật di sản văn hóa được thông qua, TS Lê Thị Minh Lý, Phó chủ tịch Hội Di sản Việt Nam kiêm Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, kể: “Năm 2001, Quỹ Bảo tồn Di sản văn hóa của Đại sứ Mỹ (AFCP) đã đến với Việt Nam và hỗ trợ dự án quan trọng về bảo quản, tu sửa một bộ sưu tập gần 100 cổ vật, bảo vật ở chùa Dâu - một ngôi chùa Phật giáo nổi tiếng ở Việt Nam".
Dự án góp phần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc ưu tiên bảo vệ khẩn cấp những tài sản văn hóa đang có nguy cơ bị mai một bằng những hoạt động chuyên môn thiết thực.
Kể từ thời điểm ấy, sự hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ đã thực hiện 16 dự án - 16 trường hợp nghiên cứu cụ thể, đa dạng loại hình di sản với đa dạng giải pháp liên ngành.
Bà Kate Bartlett, Tùy viên Văn hóa Đại sứ quán Mỹ. Ảnh: MH. |
Nhận thức của công chúng về bảo tồn di sản văn hóa đã thay đổi
Tham luận của TS Phan Thanh Hải và kiến trúc sư Lê Thành Vinh về trường hợp Triệu Tổ Miếu, Hoàng Thành, Huế và Trùng tu Ô Quan Chưởng (12 năm nhìn lại) đặt ra những vấn đề về bảo tồn di tích.
Hai đại biểu cho biết các dự án vào thời điểm khởi đầu làm dấy lên rất nhiều tranh cãi từ phía dư luận, cho rằng công tác “làm mới” di sản làm mất đi vẻ đẹp và dấu hiệu thời gian của di sản. Trước ý kiến này, TS Phan Thanh Hải nói: “chúng ta đã quen nhìn di tích ở bẩn”, KTS Lê Thành Vinh nhận định việc trùng tu, bảo tồn di tích là trả lại diện mạo vốn có của di tích chứ không phải là “làm mới” di tích.
Bên cạnh đó, TS Phan Thanh Hải cho rằng các dự án thi hành trước kia chưa được truyền thông tốt nên mới gặp nhiều phản ứng không mấy tích cực. Sau nhiều năm, nhận thức của công chúng về việc bảo tồn di sản văn hóa đã được nâng cao, góc nhìn về các dự án bảo tồn di tích cũng thay đổi.
Ông Lê Thành Vinh cho rằng ngày nay, từ người dân đến cấp quản lý đã quan tâm hơn đến vấn đề di sản và vấn đề đô thị, nhiều dự án khác được trùng tu, trở thành một điểm sáng văn hóa như nhà số 22 Hàng Buồm. Vì lẽ này, vị kiến trúc sư nhìn vào tương lai công tác bảo tồn di tích một cách tích cực và đầy hy vọng.
Về bảo tồn hiện vật, ThS Nguyễn Thị Hương Thơm chia sẻ kết quả bảo quản đồ gỗ sơn thếp thế kỷ XVIII-XIX tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Dựa trên kinh nghiệm của mình, bà cho rằng việc lập hồ sơ bảo quản/tư liệu hóa quá trình bảo tồn là tối quan trọng.
Chia sẻ kinh nghiệm của Bảo tàng Nam Định trong dự án bảo tồn sưu tập đồ thờ bằng gỗ thế kỷ XVII-XIX, Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Thư bàn về vấn đề phát triển các làng nghề truyền thống, tránh nguy cơ mai một.
Phục hồi, bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể và di sản tư liệu là chủ đề chính của Phiên 3, trong đó, Nhà nghiên cứu Đổng Thành Danh nói về công tác tư liệu hóa các bài hát nghi lễ của người Chăm và ThS Nguyễn Xuân Hùng chia sẻ dự án bảo tồn mộc bản triều Nguyễn.
Trao đổi qua Zoom, Giám đốc chương trình Quỹ bảo tồn di sản văn hóa của Đại sứ Mỹ Martin Perschler tự hào trước những thành quả đã đạt được và hào hứng với các dự án bảo tồn trong tương lai. Ông nói: “Chúng tôi đang thực hiện điều này trên tinh thần của quan hệ đối tác toàn diện Mỹ - Việt Nam, xuất phát từ nền tảng của các mối quan hệ và kết nối độc đáo với nhau thông qua lợi ích chung trong bảo tồn, bảo vệ di sản văn hóa ở Việt Nam”.