Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ông Trời trong quan niệm người Việt

“Trời ơi” là câu nói cửa miệng của nhiều người dân Việt. Vậy Trời ở đây là biểu tượng có ý nghĩa như thế nào?

Bieu tuong viet nam,  bieu tuong van hoa,  bieu tuong dac trung,  bieu tuong truyen thong,  bieu tuong la anh 1

Tái hiện lễ tế đàn Nam Giao trong khuôn khổ Festival Huế 2016. Ảnh: Đoàn Nguyễn, Ngọc Minh, Điền Quang.

Không biết từ bao giờ biểu tượng Ông Trời đã ngự trị trong tâm thức dân gian người Việt với vị trí của một đấng tối cao, linh thiêng, có quyền năng vô biên không gì có thể so sánh được. Biểu tượng Ông Trời có mặt ở mọi lúc, mọi nơi với nhiều vai trò khác nhau. Trong cuộc sống thường ngày của người dân nông nghiệp với vai trò một nhà “điều tiết thời tiết và khí hậu”: Ơn trời mưa nắng phải thì…

Khi con người gặp hoạn nạn, ông đóng vai trò của một vị cứu tinh: Cầu Trời cho tai qua, nạn khỏi! Ông đóng vai trò là một nhà hành pháp đối với những kẻ ngông cuồng (Coi trời bằng vung) và sẽ bị trừng trị thích đáng: Trời phạt… Thậm chí, Ông Trời trong tâm thức dân gian còn “nhập” tâm một nhà thơ lớn người Việt với vai trò của một vị quan tòa: Oan này còn một kêu Trời, nhưng xa… (Nguyễn Du, Truyện Kiều).

Có thể thấy tín ngưỡng tối linh qua biểu tượng Ông Trời không chỉ tồn tại trong tâm thức dân gian mà còn ảnh hưởng đến văn hóa bác học được thể hiện qua tư tưởng của những nhà văn lớn như Nguyễn Du hay những nhà chính trị như Mạc Ngọc Liễn…

Nhưng thật kỳ lạ, một loại tín ngưỡng phổ quát như vậy mà cho đến nay chúng ta vẫn chưa tìm thấy một biểu tượng cụ thể nào về cho Ông Trời của người Việt, ngoại trừ các biểu tượng “nhập ngoại” như Ngọc Hoàng của Trung Hoa hay Brahman của Ấn Độ. Để lý giải hiện tượng nói trên là một công việc vượt quá quy mô của nghiên cứu này, tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể nhận diện loại hình tín ngưỡng này thông qua sự đối sánh với các tôn giáo và tín ngưỡng hiện tồn trong văn hóa Việt Nam bắt đầu từ những tín ngưỡng sơ khai.

Theo Wundt (Huyền thoại và tôn giáo), tín ngưỡng hình thành “từ sợ hãi sự tác động của những lực lượng ma quỷ…”, trong khi Freud (Vật tổ và cấm kị) lại có nhận xét rằng “tín ngưỡng, vốn gắn với tabu nguyên thủy, rằng có một uy lực ma quỷ ẩn nấp trong đối tượng và trả thù sự tiếp xúc mà người ta bắt nó phải chịu hoặc trả thù sự sử dụng nó đã bị cấm chỉ bằng cách làm mê hoặc kẻ vi phạm…”.

Tuy nhiên, biểu tượng Ông Trời trong tín ngưỡng tối linh của người Việt mặc dù có quyền năng vô biên nhưng thường hướng thiện chứ không ghê gớm và đáng sợ như ma quỷ. Vì vậy mà Ông Trời là đối tượng để con người cầu xin hạnh phúc và giải trừ bất hạnh, tai ương. Từ trong tâm thức dân gian, biểu tượng Ông Trời trong tín ngưỡng tối linh của người Việt đã được “cung đình hóa” bằng một nghi thức trọng thể của hoàng gia, vốn được du nhập từ văn hóa Trung Hoa, đó là Tế Giao.

Bieu tuong viet nam,  bieu tuong van hoa,  bieu tuong dac trung,  bieu tuong truyen thong,  bieu tuong la anh 2

Đàn Nam Giao ở Huế. Ảnh: thuathienhue.gov.


Việc Tế Giao được duy trì trong suốt thời kỳ phong kiến và là một nghi lễ quan trọng nhất của quốc gia, được bộ Lễ đứng ra tổ chức và nhà vua trực tiếp cử hành. Đây cũng là nghi lễ đầu tiên của một vị Hoàng đế phải làm sau khi lên ngôi. Mặc dù đã phát triển đến một mức độ cao như vậy, loại tín ngưỡng này cũng không trở thành “quốc giáo” hay một loại “tôn giáo chính thống” nào của người Việt mà vẫn nằm nguyên vẹn trong tâm thức dân gian, cả trong và sau khi triều đại phong kiến cuối cùng sụp đổ.

Điều đó cho thấy tính đại chúng hay đặc tính dân gian trong văn hóa tín ngưỡng của người Việt luôn mang tính vượt trội và có một sức sống mãnh liệt. Tuy đã ăn sâu trong tiềm thức của người dân và tồn tại trong nghi lễ cung đình nhưng Ông Trời trong tư duy người Việt vẫn rất trừu tượng, mơ hồ… Hầu như biểu tượng này không được thể hiện cụ thể bằng ngôn ngữ của nghệ thuật tạo hình như các tôn giáo khác (kể cả trong những nghi lễ của quốc gia) nhưng lại được cụ thể hóa trong các tôn giáo “ngoại nhập”. Trong số các biểu tượng ngoại nhập có liên quan đến tín ngưỡng Ông Trời thì Ngọc Hoàng là một trong những biểu hiện cụ thể nhất đã được người Việt đưa vào tín ngưỡng của họ.

Đinh Hồng Hải / NXB Thế giới

SÁCH HAY