Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cuộc họp tối mật ở hãng xe Ford khi đại dịch tới

"Ai điên mà bỏ ra hàng chục nghìn đôla để mua một chiếc ôtô mới, nhất là khi chẳng còn nơi nào để đi?", giám đốc chiến lược của Ford khi ấy đặt câu hỏi.

MARY FLEURY đang ngồi trong một hành lang bình thường của một khách sạn bình thường gần sân bay Detroit thì nghe thấy tên mình. Là giám đốc lâu năm của bộ phận an ninh của Ford, Fleury có nhiệm vụ trông chừng hơn một tá nhà xưởng và các giám đốc điều hành trên khắp thế giới, đồng thời bảo vệ các chính trị gia và các quan chức khác đến thăm và chụp ảnh tại nhà máy.

Nhiệm vụ hiện tại của cô khá tầm thường. Cô đang đứng gác bên ngoài một phòng suite khách sạn nơi sếp của cô, Jim Hackett, và Bill Ford, chủ tịch công ty, đang bàn bạc về một dự án tối mật.

Dai dich anh 1

Ảnh minh hoạ. Nguồn: BBC.

Đã vài tuần trôi qua kể từ ngày hai người gặp nhau ở Palm Springs để vạch ra lộ trình cho vụ nghỉ hưu của Hackett, và giờ họ đang hoạch định bước một: một cuộc cải tổ quản lý sẽ chứng kiến trưởng bộ phận ôtô, người đã có thâm niên phục vụ công ty, bị khước từ, còn Jim Farley, giám đốc chiến lược của Ford, được công khai chỉ định là người kế nhiệm Hackett.

Đó là bước tiếp theo của kế hoạch tái cơ cấu Ford trị giá 11 tỷ đôla của Hackett, một kế hoạch đã được khai triển ì ạch suốt nhiều năm trời, bị các đối thủ cạnh tranh ở Trung Quốc và ở Thung lũng Silicon vượt mặt, và phải gánh chịu những cơn mưa chỉ trích từ Phố Wall.

Các cuộc thảo luận này quá nhạy cảm nên không thể thực hiện ở tổng hành dinh của Ford, nằm ở ngay ngoại vi trung tâm Detroit, nơi Hackett, người duy trì chính sách luôn để ngỏ cửa văn phòng, rất lo ngại những con mắt tọc mạch. Vì vậy Hackett đã đặt một phòng suite ở khách sạn gần sân bay này, và bốn bức tường giờ đây đã được phủ kín bằng những sơ đồ tổ chức mô phỏng những thay đổi về quản lý. Ông đã cử Fleury canh gác ở phía ngoài.

Trong một đợt nghỉ giữa các phiên thảo luận, tâm trí Hackett quay trở lại với con virus. Một tuần trước, ông đã đến Las Vegas để tham dự một cuộc họp với các đại lý của Ford, bắt tay nhiều người trong số ba nghìn người đã bay tới đó từ khắp nước Mỹ. “Nếu như con virus đã ở đây thì sao?”. Ông đã lẩm bẩm với trưởng bộ phận hành chính của mình như thế.

Mối lo ngại đó chỉ càng tăng thêm trong những ngày sau đó, khi virus lan sang Iran và sau đó là Ý, hiện đang là tâm điểm của những tin tức đậm màu sắc tận thế về những bệnh viện đầy chật người và đã hết sạch máy thở, về những bệnh nhân ngạt thở đến chết trong khi các y tá kề sát những chiếc iPad bọc trong túi nhựa vào tai họ để họ nói lời tiễn biệt.

Dịch tễ học không phải nghề tay trái của Hackett, song xưa kia bố của ông là một bác sĩ thú y chuyên về đại gia súc, và Hackett vẫn còn nhớ khuôn mặt của bố sẽ thay đổi như thế nào bên bàn ăn khi cụ kể về những đợt bùng phát dịch bệnh mà cụ đang phải xử lý ở các đàn gia súc. Bệnh lan rất nhanh mà chẳng đếm xỉa đến điều gì khác.

Ông thò đầu ra ngoài hành lang và nhìn thẳng vào mắt giám đốc an ninh của mình. “Mary, chúng ta có đội quản lý khủng hoảng nào không? Kiểu một lực lượng đặc nhiệm ứng phó khẩn cấp ấy?”. Hackett hỏi Fleury. Cô đáp rằng Ford quả có một đội đặc nhiệm xử lý khủng hoảng, được tập hợp từ các giám đốc điều hành trên khắp công ty. “Gọi họ cho tôi”, Hackett nói.

Con virus đang lây lan nhanh và tiềm năng gây hỗn loạn của nó đang đe dọa phá vỡ kế hoạch kế nhiệm được sắp đặt tỉ mỉ của Hackett. Vào thứ Hai tuần sau đó, một buổi sáng đầu tháng 2 khá lạnh thậm chí xét theo tiêu chuẩn của Michigan, Hackett có mặt tại văn phòng của mình lúc 6 giờ sáng để thực hiện cuộc gọi sẽ diễn ra hằng tuần, rồi hai lần mỗi tuần, rồi hằng ngày với lực lượng đặc nhiệm nói trên, một nhóm bao gồm các giám đốc điều hành tại các khu vực chủ chốt trên khắp thế giới.

Trọng tâm dồn vào Trung Quốc, đất nước tâm dịch. Giống như các nhà sản xuất công nghiệp khác, Ford dựa vào một chuỗi cung ứng được hiệu chỉnh tinh vi, nhập phần lớn các phụ tùng và nguyên liệu thô từ châu Á và lắp ráp thành sản phẩm hoàn chỉnh tại các nhà máy ở Bắc và Trung Mỹ.

Những vụ phong tỏa trong nội địa Trung Quốc, cũng như số chuyến bay thương mại và chở hàng đang giảm sút, đã khiến hàng triệu linh kiện được dùng để lắp ráp trên ôtô của Ford bị mắc kẹt.

Bất kỳ sự chậm trễ nào cũng đều gây thiệt hại, và các container hàng bắt đầu chất đống tại các cảng của Trung Quốc do thiếu nhân công và các lệnh hạn chế của chính phủ đối với thương mại và vận tải. Vì vậy, Ford đã thuê một số máy bay thương mại, những chiếc Boeing 747 đang nằm im trên đường băng ở các sân bay Trung Quốc do các chuyến bay xuyên Thái Bình Dương bị ngừng khai thác.

Những máy bay này đã hạ cánh ở Detroit hồi giữa tháng 2, ghế ngồi bên trong bị gỡ hết và cabin chất đầy các hộp ốc siết cáp, nắp bình xăng, nút bấm cửa sổ, và nhiều loại phụ tùng khác.

Giờ đây, Hackett nói với nhóm của mình rằng họ cần phải thay đổi trọng tâm. Vấn đề không còn chỉ nằm ở chuỗi cung ứng của Ford tại Trung Quốc nữa. Công ty cần cân nhắc khả năng con virus tấn công nước Mỹ và có thể càn quét qua các nhà máy của họ. Nếu điều đó xảy ra, ông cảnh báo, có thể sẽ không có đủ công nhân để vận hành dây chuyền lắp ráp. Ngay cả khi Ford có thể tiếp tục sản xuất, thì người mua hàng nhiều khả năng sẽ không dám lui tới các cửa hàng trưng bày.

Trong trường hợp tồi tệ nhất, ông nói, đoạn vẽ ra một kịch bản tận thế nghe có vẻ xa vời ngay cả khi ông đang nhắc đến nó: nước Mỹ sẽ phải phong tỏa hoàn toàn suốt nhiều tuần, đi liền sau đó là tình trạng kinh tế suy thoái kéo dài. Đó sẽ là tin xấu đối với các công ty ôtô. Ai điên mà bỏ ra hàng chục nghìn đô la để mua một chiếc ôtô mới, nhất là khi chẳng còn nơi nào để đi?

Liz Hoffman/NXB Trẻ

Bình luận

SÁCH HAY