"Lúc vừa đến, tôi nghe tiếng kêu cứu của con trai. Một lúc sau đó thì không nghe gì nữa. Rất có thể con đã ngất xỉu từ trưa 31/12", anh Thái Văn Tấn Tài (bố nạn nhân) nghẹn ngào nhớ lại khoảnh khắc khi phát hiện con bị rơi xuống trụ bê tông.
Anh Tài nhiều lần trách bản thân mải chạy theo công việc mưu sinh mà ít có thời gian để bên cạnh, chăm sóc con trai. Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Mỹ Linh (mẹ nạn nhân) liên tục ngất xỉu ở hiện trường, không khỏi xúc động mạnh mỗi khi nhắc đến con.
Hai phương án giải cứu
Khoảng 11h30 ngày 31/12, Thái Lý Hạo Nam (10 tuổi) cùng ba bạn hàng xóm vào công trình cầu Rọc Sen (xã Phúc Lợi, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp) để nhặt sắt. Không may, Nam rơi xuống trụ bê tông rỗng, đường kính 25 cm, đã đóng xuống đất sâu khoảng 35 m. Nhóm bạn của Nam đã hô hoán người dân địa phương đến giải cứu nhưng mọi người bất lực.
Lực lượng cứu nạn cứu hộ chuyên nghiệp thuộc Công an tỉnh Đồng Tháp đã có mặt ở hiện trường, triển khai nhiều phương án cứu hộ, đồng thời bơm liên tiếp oxy và truyền nước xuống để Nam cầm cự.
Đội cứu hộ đã tính đến phương án đưa người xuống và thả dây chuyên dụng vào, nhưng không khả thi.
Trung tá Trần Văn Giỏi
Miệng trụ bê tông được lực lượng cứu hộ bảo vệ, không cho đất đá rơi xuống. Nước được tiếp xuống cho Nam, song chưa thấy dấu hiệu phản ứng của nạn nhân.
Ông Lê Hoàng Bảo, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Đồng Tháp, cho biết đội gặp nhiều khó khăn trong việc cứu hộ bé Nam bởi đường kính cọc bê tông quá nhỏ, cọc đã cắm sâu xuống đất tới 35 m.
Đội cứu hộ đã thử nhiều phương án như đưa ống nhòm chuyên dụng của quân đội, camera hồng ngoại xuống để quan sát bé Nam, song không đem lại kết quả. Khi đội đưa điện thoại có quay video xuống lòng ống thì chỉ chạm vào lớp đất bên dưới, không tiếp cận được bé trai.
Theo trung tá Trần Văn Giỏi, Phó đội trưởng cứu hộ, đội đã tính đến phương án đưa người xuống và thả dây chuyên dụng vào. Song phương án này không khả thi do miệng ống quá nhỏ, nhân viên cứu hộ không thể thả dây leo xuống.
Cuối cùng, phương án giải cứu được đưa ra là dùng xe đóng cọc bê tông khoan nhồi, lay động để làm loãng bùn đất xung quanh trụ bê tông. Khi lực ma sát giữa thân trụ bê tông với đất giảm đến mức thấp nhất, đội sẽ tiến hành dùng lực xe cẩu 50 tấn để kéo trụ lên.
Trụ bê tông bé Nam rơi xuống có chiều dài 35 m, được ghép từ 3 đoạn trụ (hai đoạn 12 m và một đoạn 11 m), hình thành 2 mối nối tiếp xúc bên ngoài. Phương án có điểm bất lợi khi có thể tạo nên vòng xoáy nước bên trong khiến nạn nhân ngạt nước; hoặc trong quá trình khoan nhồi, các khớp mối bị lệch, dẫn đến tình trạng đứt gãy.
Chúng tôi tiếp khí oxy vào trụ bê tông, nhưng việc này chưa chắc chắn rằng sẽ cung cấp được luồng khí thở đến cho nạn nhân.
Thành viên tổ cứu hộ
Chiều tối 1/1, máy khoan cọc nhồi được lực lượng cứu hộ đưa từ huyện Tháp Mười đến hiện trường. Theo dự tính trước đó, trong đêm, cọc bê tông sẽ được nhổ lên, cứu được bé trai ra ngoài. Tuy nhiên, trong quá trình khoan cọc nhồi khiến trụ bê tông bị lệch nhẹ. Nguyên nhân tình trạng được cho là áp lực từ hệ thống khoan cọc nhồi, khiến trụ bê tông xây cầu bị dịch chuyển. Nếu tiếp tục, trụ bê tông có thể đứt gãy, gây khó khăn cho công tác cứu nạn.
Đến sáng 2/1, lực lượng cứu hộ cứu nạn đã tạm dừng tìm kiếm bé Nam để chờ thêm các phương tiện, kỹ thuật khác tới giải cứu.
Chạy đua với thời gian
Theo ông Lê Hoàng Bảo, việc cứu nạn bằng hệ thống khoan cọc nhồi chưa thực hiện được. Tuy nhiên, ngành chức năng vẫn đang gấp rút tiếp tục nghiên cứu và tìm giải pháp tối ưu. Trước mắt, các lực lượng vẫn trưng dụng hệ thống khoan cọc nhồi hiện hữu để thực hiện công tác cứu nạn.
Phương án giải cứu bé Nam đã được bàn bạc, song lực lượng cứu hộ tỉnh Đồng Tháp không chắc chắn về sức khoẻ hiện tại của em.
"Chúng tôi có tiếp khí oxy vào miệng trụ bê tông. Tuy nhiên việc này chưa chắc chắn rằng sẽ cung cấp được luồng khí thở đến cho nạn nhân", một thành viên tổ cứu hộ chia sẻ.
Tổ cứu nạn liên tục bơm oxy vào miệng trụ bê tông (được đậy hở bằng tấm bạt màu vàng) để tránh nước và đất đá rơi vào. Ảnh: Hoàng Giám. |
Công trình cầu Rọc Sen đã được thi công khoảng 6 tháng nay, hiện đã hoàn thành việc đóng cọc âm cột bê tông. Theo nhiều người dân, nhiều cọc âm vẫn còn lộ thiên, cao so với mặt đất khoảng 5 cm mà chưa được lấp đất đá. Khu vực công trình thi công nơi xảy ra vụ tai nạn có rào chắn tạm, biển báo.
Trước thời điểm xảy ra tai nạn, công trình vẫn đang hoạt động bình thường. Vào thời điểm bé Nam cùng nhóm bạn đến, công trường đang ngừng làm việc, nhân công nghỉ trưa.
"Có người trông coi công trình, nhưng chỉ sơ suất một tí là sự việc đã xảy ra. Đó là điều rất đau lòng", Giám đốc Sở GTVT tỉnh Đồng Tháp nói.
Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp khẳng định sẽ chấn chỉnh, đảm bảo an toàn thi công. Hiện tại, đội cứu hộ tập trung toàn lực giải cứu bé Nam. Sau khi hoàn tất, ngành chức năng sẽ tiến hành làm rõ trách nhiệm và xử lý nếu có vi phạm.
Khu vực xảy ra tai nạn ở xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Google Maps. |
Sách hay về Nam Bộ
Tản mạn kiến trúc Nam Bộ mang đến cái nhìn đầy đủ, toàn diện về lịch sử kiến trúc dân dụng miền Nam từ cuối thế kỷ 19 đến cuối thế kỷ 20. Đặc biệt, trên chặng đường khám phá kiến trúc, độc giả còn được tiếp cận với những câu chuyện về lịch sử xây dựng, về tập quán, văn hóa của địa phương, và về cả những ước mơ, khát vọng, phong cách của gia chủ trên từng đường nét của ngôi nhà.
Chuyện trong nhà ngoài xóm miệt Hậu Giang - nhiều câu chuyện kể cụ thể, tự nhiên về lối sống và tính cách của bà con miền Tây được ghi lại chân thực, mộc mạc. Sách không chỉ gợi lên cảm giác thân thương nơi những người con vùng sông Hậu, mà còn khiến người đọc nói chung cảm thấy ấm lòng và mát dạ biết bao khi được nghe câu nói quen thuộc “bà con chòm xóm tối lửa tắt đèn có nhau”.