Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tiếng chim hót trên đảo Sơn Ca

Sơn Ca là một đảo nhỏ nằm trong xã đảo Nam Yết thuộc huyện đảo Trường Sa. Hòn đảo này được đặt theo tên một loài chim hót hay, nằm trong nhóm "tứ đại danh ca".

Lão Ca thò đầu ra khỏi tổ, quắc mắt nhìn tôi:

- Ê thằng kia! Đi đâu? Có phận sự gì ở đây?

Tôi giật mình nhìn qua tán lá, thấy lão nhìn tôi trừng trừng. Tên tôi tuy không lấy gì làm đẹp cho lắm, nhưng tôi chúa ghét ai đó gọi tôi bằng “thằng” hoặc giao tiếp mà nói trỏng trỏng. Lại còn ra giọng hách dịch như thế nữa.

- Tôi là Cà Nóng, đang làm nhiệm vụ chụp ảnh trên đảo. - Tôi trả lời hết sức từ tốn. Đất có thổ công, sông có hà bá. Tôi biết, đây không phải là “lãnh địa” của mình.

- Làm gì có nhiệm vụ chụp ảnh ở đây. Mày xạo hả mậy? - Lão Ca quắc mắc.

Lão có thân hình bé nhỏ. Nhưng nhìn cái mỏ của lão tôi lại đâm lo, biết đâu lão lại chẳng dùng cái mỏ nhọn ấy mà mổ tôi mấy phát. Thế cũng hỏng đời tôi rồi. Lúc này mới thấy mình yếu thế. Ngoài khả năng bắt sáng ra, tôi chẳng có chút võ nghệ gì để tự vệ cả.

- Tôi ở đất liền, đi công tác ra đây thôi, không tin ông cứ đi hỏi mấy người đằng kia kìa.

Tôi hất hàm về phía nhóm người đang thắp hương ở ngôi chùa có mái vòm hình sóng biển. Lão nhìn một chốc, rồi quay sang tôi:

- Được. Thế mầy chụp được những gì rồi? Cho ta coi!

- Tôi chụp nhiều lắm rồi, ông muốn coi tất à?

- Ta chỉ coi những tấm mày chụp trên đảo này thôi.

Nhìn lão một hồi, tôi thấy lão có vẻ chẳng muốn làm hại tôi. Tôi cũng có thể bỏ đi không đoái hoài gì đến lão, nhưng một thằng máy ảnh mà nghe ai đó nói muốn coi ảnh nó chụp thì cũng khoái chí lắm. Tôi bỏ qua thái độ hách dịch ban đầu của lão, vén lá bước đến gần, đặt màn hình vào tận mắt lão.

- Đây, đây này!

Tôi tua qua tua lại cho lão thấy, ảnh tôi chụp người lính bồng súng ngoài cột mốc, ảnh ngôi chùa nhìn từ ngọn hải đăng, ảnh các chiến sĩ đọc thư từ đất liền, ảnh cây hoa giấy, giò lan, cây mù u, tán bàng vuông, hoa phong ba, bãi rau muống biển, các em nhỏ trong lớp học… Lão vừa xem vừa gật gà gật gù.

- Được, được. Thôi cho mày đi! - Lão hất hàm.

Thật, đi mấy hôm rồi tôi chưa gặp kẻ nào như lão. Tệ chứ. Ngay cả cảm ơn cũng không có. Cứ kẻ cả như ra lệnh. Bực mình, nhưng cũng may mắn cho tôi, giờ chụp lão một tấm làm tư liệu cũng quí lắm rồi. Mùa này, dễ gì tìm thấy những kẻ như lão trên đảo, phải tầm cuối năm bầy đàn của lão mới kéo nhau về làm tổ, cho kịp thời điểm tầm cuối mùa Xuân chúng sinh con đẻ cái. Tôi giương máy lên định chụp lão trước khi đi. Lão la chói lói:

- Ê, thằng kia, thằng kia! Bỏ xuống!

- Sao thế? Tôi chụp ông tấm ảnh kỉ niệm nhé?

- Không được. Mầy mà chụp, ta mổ à! - Lão đe dọa.

Tôi phì cười. Chả có con chim nào sắp mổ kẻ khác mà lại đi đe dọa trước như lão cả.

- Tôi sẽ không chụp, nhưng ông phải nói lí do.

- Mầy…mầy mà chụp, rồi đem báo cáo chỗ ta ở, là không được!

Thì ra là thế. Động tác đòi xem ảnh của tôi chẳng phải vì lão thích, mà lão sợ tôi đã chụp ảnh lão thì cái tổ của lão sẽ bị phát hiện. Cái tổ nằm khuất trong bụi cây, nếu không quan sát kĩ chẳng dễ gì nhận ra.

- Tôi hiểu rồi. Mà sao ông lại nằm đây?

- Mầy thấy đó, ta giờ già rồi, ở quanh quẩn đây thôi! - Giọng lão ỉu xìu.

- Rồi ông ổn chứ?

- Ổn. Ta chỉ muốn ở đây. Mày mà báo cho ai biết, họ dời tổ của ta thì sao?

- À, tôi hiểu rồi. Tôi chẳng báo ai đâu. Mà sao ông không nghĩ, nếu biết ông còn ở đây, họ sẽ chăm sóc ông?

- Ta cần gì con người chăm sóc. Ở đây gần biển, mỗi ngày nhìn ra biển, có đàn chim nào bay về tao đều trông thấy chúng trước. Cả cái tàu xa xa kia, ta cũng thấy đấy.

Lão chỉ cánh ra con tàu màu trắng neo ngoài xa xa. Con tàu tôi đi mấy ngày nay chứ đâu.

- Ông ở đây lâu chưa?

- Cả một đời chim.

- Vậy có lần nào ông bay về đất liền chưa?

Sao tôi thấy tò mò về cuộc đời của ông chim này quá. Tuổi thọ của chim sơn ca khoảng hai mươi năm. Nếu lão Ca sống được ngần ấy năm, thì hẳn đã có mặt trên đảo cũng gần hai thập niên rồi.

- Chưa. Bọn ta chỉ di cư từ đảo này sang đảo khác kiếm ăn, làm tổ thôi. Về đất liền xa quá. Xa bao nhiêu hả mầy? - Mắt lão nhìn xa vắng.

- Hai ngày đêm đường tàu, trong mùa biển lặng. Còn khi biển động, tôi không chắc lắm. Tôi không biết đường chim bay thì bao nhiêu, nhưng máy bay thì cũng nhanh.

- Ta không bay nổi về đất liền đâu. - Lão cười. - Mấy năm trước, ta có thấy máy bay trực thăng đáp xuống đây, họ ra cấp cứu một anh lính đảo bị bệnh nặng. Cả đảo hết sức khẩn trương. Bọn ta cũng nháo nhác náo động. Có đứa nghe tiếng máy bay sợ quá bay tuốt qua bên đảo Ba Bình. Rồi mấy năm trước nữa, có ngư dân lặn biển sâu lại bị sao đó, cho tàu vào đảo cấp cứu, nằm đây mấy đêm…

Đúng như người ta nói, ra đường gặp người già coi như gặp cả kho tàng. So với tuổi đời của ông, chắc tôi chỉ đáng tuổi ấu nhi. Tôi mới được lắp ráp rồi bán ra thị trường mấy năm nay thôi.

- Ông ở đây lâu vậy, chắc biết bao nhiêu là chuyện để kể?. - Tôi gợi chuyện.

- Ờ. Coi hòn đảo nhỏ như vậy, nhưng ta có kể chuyện cho mày nghe cả ngày cũng không hết. Mày ở đây được lâu không?

- Không, tôi chỉ thăm đảo được một chút thôi.

- Tiếc nhỉ. - Lão lẩm bẩm. - Ta mới gặp mày, thấy có duyên rồi.

Tôi bật cười. Thế mà lúc mới gặp, lão đã đối xử với tôi như kẻ trộm rình rập phi pháp trên hòn đảo của lão vậy. Nghe lão nói cũng thương thương.

- Hay là… - Tôi bỗng nảy sinh ý định táo bạo. - Hay là ông về đất liền không? Tôi sẽ xin tàu cho ông đi với tôi?

Về đất liền cho lão được nhìn thấy Tổ Quốc và an dưỡng những năm cuối đời. Lão sẽ được nhìn thấy đường bờ biển tuyệt đẹp, thấy những rừng cây, những con đường, những làng quê xanh tươi, những thành phố phát triển năng động, hiện đại của đất nước. Biết đâu, đất liền ít bão giông có thể cho lão sống được thêm nhiều năm nữa. Ý nghĩ ấy khiến tôi phấn chấn.

Nhưng không, vừa nghe tôi nói lão đã lắc đầu.

- Sơn Ca, tên hòn đảo này, là tên của giống loài ta đấy. Thưở xưa chúng ta sống trên đảo nhiều lắm, nhiều đến mức mà phân của bọn ta xếp thành lớp, rồi trộn lẫn với cát san hô tạo thành chất mùn. Mày để ý đi, đất ở đây màu mỡ hơn nhiều đảo khác nhờ phân của tổ tiên ta, qua bao thế hệ. Ta có chết cũng phải chết ở nơi chôn nhau cắt rốn chứ. Bỏ đi biệt xứ sao đành.

Dao Son Ca anh 1

Thiên nhiên Trường Sa hiện lên sống động trong tác phẩm Cà Nóng chu du Trường Sa. Ảnh: Thành Đông.

Nghe lão nói tôi giật mình. Thật tôi đã chẳng nghĩ đến điều đó. Máy ảnh tôi không có cha mẹ, không có quê hương. Tôi được sản sinh ra trong nhà máy, bày bán trong các cửa hiệu. Tôi có bạn, như thằng Ni, thằng So, hay bác Tê Lê nhưng họ cũng đều thế cả thôi. Chúng tôi chỉ chính thức được sống khi về tay chủ, còn sống một cuộc đời như thế nào còn phải tùy thuộc vào từng người chủ một. Tôi không biết mình sẽ chết ở đâu, trong trường hợp nào. Tôi không có sự lựa chọn.

- Ta kể chuyện mày nghe chơi thôi con. Chứ ở đây vẫn vui, vẫn hót trên hòn đảo này, dù bây giờ, ta hót chẳng còn hay như ngày trẻ nữa.

Thấy tôi buồn buồn, lão nói như an ủi.

Nghe lão nhắc đến việc ca hót, tôi đề nghị lão hót cho nghe. Đằng nào tôi cũng đến đảo Sơn Ca rồi, lẽ nào chẳng có cơ hội nghe tiếng chim sơn ca hót. Sơn ca lại là một trong “tứ đại danh ca” của loài chim. (Ba loài nữa là họa mi, chích chòe và cu gáy). Ban đầu lão còn chần chừ, nhưng nhìn vẻ mặt khẩn cầu đầy thành ý của tôi, lão gật. Lão nhìn ra biển, chậm rãi rướn cổ, đập cánh bay lên, rồi cất giọng. Sơn ca chỉ hót khi bay, lão đang cố gắng dù không bay cao quá khỏi ngọn cây mù u.

Đúng là giọng lão hơi khàn rồi, nhưng tôi lại thấy lão hót hay vô cùng. Tiếng hót mang thanh âm của sóng, mang dáng hình của mây. Như có nỗi nhớ thương chất chứa và hoài vọng sâu thẳm. Lá như ngừng reo, gió như ngừng thổi. Khoảnh khắc này, như thể chỉ còn tiếng hót của lão với đất trời. Tôi ngẩn ngơ nhìn theo bóng lão, tận hưởng thanh âm của tiếng hót. Tôi quên cả việc giây phút ấy mình có thể chụp trộm lão, đó chắc chắn là bức ảnh tuyệt vời trên hòn đảo xinh đẹp này.

Đến lúc lão đã im tiếng, đáp xuống cái tổ bùi xùi của lão rồi mà tôi vẫn đứng ngây ra như tượng. Rồi nghe xung quanh có tiếng người lao xao, hỏi nhau, “Có nghe tiếng chim hót không?”, “Sơn Ca phải không?”, “Ở đâu ấy nhỉ?”…

Tôi cười với lão. Ông thấy chưa, con người ngưỡng mộ tiếng hót của ông. Họ chẳng quan tâm tuổi tác của ông, cho dù giọng ông có khàn một chút thì đó vẫn là một giọng hát quá tuyệt vời. Tôi muốn nói với lão những điều này. Tôi còn muốn nói nhìn ông rất đẹp nữa.

Bộ lông tuy có vẻ không còn óng mượt như thời còn trẻ, nhưng từ lão vẫn toát ra vẻ đẹp lạ của một giống loài mang thanh âm tuyệt vời thuộc hàng “kì phùng địch thủ” của loài chim. Nhưng tôi khựng lại khi thấy từ khóe mắt lão hình như ngấn nước. Kiểu này mà không chụp lão một bức ảnh thì phí của trời. Nhưng tôi có năn nỉ mấy, lão cũng lắc đầu. Nói tôi thương lão thì đừng chụp.

- Có những thứ không phải cứ chụp là nhớ. Mà là trong này nè con.

Lão chỉ cánh vào đầu. Tự dưng lão đổi cách xưng hô, dịu dàng quá đỗi làm tôi bị xúc động. Lão muốn tôi nhớ lão, không phải qua những bức ảnh. Lão muốn người đời không cần phải biết đến lão, mà chỉ cần nhớ đến đảo Sơn Ca.

Nhiều người bắt đầu đến gần chỗ chúng tôi, họ chia nhau nhìn lên mấy nhánh cây. Thật ra họ nhầm, sơn ca không làm tổ trên ngọn cây. Bọn máy ảnh cũng chạy túa ra, hướng về phía tiếng hót ban nãy. Tôi nép sát vào cái tổ của lão, nhờ mấy bụi cây gai che chắn. Tự nhiên tôi cũng sợ họ phát hiện ra chúng tôi. Tôi nhìn sang lão Ca, lão im lặng, rụt cánh.

- Có lẽ tôi nên tránh đi, kẻo người ta phát hiện ra ông mất thôi. Bọn máy ảnh kia tinh mắt lắm.

Lão nhìn tôi, tần ngần, như muốn nói điều gì.

- Bọn máy ảnh kia mà tới, tôi cản cũng không được đâu.

Tôi nói rồi nhanh chóng lảng đi chỗ khác, vờ hướng ống kính lên chụp lá bàng vuông.

Thằng Ni chạy nhào đến:

- Ê Cà Nóng, cậu nghe tiếng chim hót chứ?

- Có, tớ cũng đang tìm đây này. - Tôi giả vờ.

- Cậu chụp được chưa?

Thằng Ni nhìn tôi tỏ vẻ nghi ngờ. So với độ hớn hở nháo nhác của đám máy ảnh, thái độ của tôi là bình tĩnh nhất.

- Chưa. Cây sum suê quá, khó mà tìm thấy chú chim nào.

Tôi vẫn không rời mắt khỏi ống kính, tỏ vẻ chăm chú lấy nét một chùm quả bàng vuông. Thằng Ni càng nghi. Rồi nó không nói gì nữa, lại rẽ lá tìm ở những thân cây mù u. Tôi khe khẽ nhìn, may quá, nó bỏ qua chỗ lão Ca trú ẩn. Tôi nhìn về phía ấy, cầu mong chẳng ai tìm thấy lão như lão vẫn mong ước. Tôi luôn tôn trọng những lựa chọn của người khác, dù tôi biết, chụp được bức ảnh chim sơn ca trên đảo Sơn Ca là cơ hội vàng.

[...]

Tôi đã leo lên hải đăng đảo Sơn Ca để được nhìn toàn đảo với hình bầu dục, một màu xanh mát bao phủ khắp nơi. Chùa Sơn Linh hướng ra biển xanh như một mĩ cảnh trước mắt. Thảo nào, lão Ca yêu hòn đảo này như một vùng đất không thể tách rời giống loài của lão. Hàng đàn chim sơn ca con cũng ra đời, lớn lên trên hòn đảo ngoài khơi này.

"Đảo là nhà, biển cả là quê hương". Câu khẩu hiệu này cũng là dành cho lão.

Vẻ đẹp của đảo Song Tử Tây

Đảo Song Tử Tây thuộc xã đảo Song Tử là một trong ba xã, thị trấn của huyện đảo Trường Sa thuộc tỉnh Khánh Hòa. Thiên nhiên trên đảo có nhiều điểm lý thú, với các loài cây đặc hữu.

Những điều thú vị trên đường di cư của cá voi xanh

Hành trình vạn dặm đến vùng xích đạo ấm áp là một trải nghiệm tuyệt vời. Những chú cá voi thích thú với bao điều mới mẻ mà chúng được thấy dọc đường di cư.

Đụng độ với cá voi sát thủ

Trên đường di cư, cá voi xanh sợ nhất gặp phải những con cá voi sát thủ. Để chống lại những kẻ hung hiểm này, chúng phải can đảm và đoàn kết.

Bùi Tiểu Quyên/NXB Kim Đồng

SÁCH HAY