Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vẻ đẹp của đảo Song Tử Tây

Đảo Song Tử Tây thuộc xã đảo Song Tử là một trong ba xã, thị trấn của huyện đảo Trường Sa thuộc tỉnh Khánh Hòa. Thiên nhiên trên đảo có nhiều điểm lý thú, với các loài cây đặc hữu.

Bình minh rạng hồng vòm trời phía Đông. Mặt Trời mọc trên biển tựa một tinh cầu lửa khổng lồ nhô lên từ mặt nước, tỏa ánh sáng như những vầng hào quang làm sáng rực cả chân trời.

Tôi mê mẩn nhìn không chớp mắt. Ở đất liền, muốn ngắm Mặt Trời mọc ở nơi bình minh đến sớm nhất, con người phải đi bộ qua cung đường với những cồn cát dài hàng cây số, đến mũi Đôi cực Đông của Tổ Quốc. Mũi Đôi thuộc làng chài Đầm Môn, nằm trong vịnh Vân Phong của tỉnh Khánh Hòa. Nơi này đón Mặt Trời sớm hơn mũi Đại Lãnh ở Phú Yên khoảng bốn giây. Bọn máy ảnh đi phượt về kể tôi nghe rồi. Vất vả kinh khủng mà cũng tự hào khủng khiếp. Bọn nó toàn dùng ngôn ngữ “bạo liệt” như vậy để diễn tả cảm xúc, hoặc những gì không tin được vào mắt mình.

Lần này, chúng không có mặt trên tàu ra Trường Sa. Đến lượt tôi, trở về đất liền thế nào tôi cũng sẽ kể cho chúng nghe, rằng Mặt Trời mọc giữa biển đẹp lộng lẫy “kinh khủng khiếp” đến như thế nào. Và nơi đón bình minh sớm nhất trên biển chính là ở đảo Tiên Nữ, sớm hơn bình minh trên đất liền khoảng một giờ đồng hồ.

Theo truyền thuyết, đó là ân huệ của Thiên Đế ban cho tiên nữ, để nàng được nhìn thấy tia nắng đầu tiên của nhà trời. Chúng sẽ ồ à hết lượt, mắt tròn mắt dẹt ngắm những hình ảnh tuyệt mĩ tôi mang về. Nghĩ đến đó, tôi đã thấy tự hào rần rần cả thân máy rồi.

- Cá heo kìa! Mọi người ơi cá heo dẫn đường kìa!

Tiếng ai đó hét lên phía mũi tàu. Tiếng chân rầm rập chạy lên. Cô chủ đang ngắm Mặt Trời bên mạn tàu cũng vội vàng chạy theo. Tôi hồ hởi ra mặt. Lại còn thế nữa. Biển cả còn những điều tuyệt diệu nào đang chờ chúng tôi.

Tiếng người lao xao rộn ràng, tiếng cười nói, tiếng trầm trồ, tiếng máy ảnh thi nhau chụp. Tách tách tách tách. Tạch tạch tạch tạch. Tôi chen chân vào một góc, có tầm nhìn khá bao quát. Tôi vội vàng thi triển khả năng bố cục, ánh sáng, khẩu độ, tốc độ… của mình. Khoảnh khắc ấy, mọi âm thanh khác như không còn tác động đến tôi nữa.

Dao Song Tu Tay anh 1

Cà Nóng chu du Trường Sa là một cuốn sách thú vị về biển đảo. Ảnh: Thành Đông.

Thứ âm thanh tuyệt vời nhất chính là tiếng rẽ nước lướt sóng của đàn cá heo. Những nhịp bơi khỏe mạnh, tràn đầy năng lượng, tươi vui như đón chào, như mừng rỡ, như dẫn đường cho đoàn khách đến từ đất liền. Ra biển mà gặp cá heo là sẽ bình an. Ai đó đã từng nói như vậy. Giờ thì, tất cả chúng tôi, sau hai ngày đêm lênh đênh trên biển cả, đã được nhìn thấy những chú cá mang đến bình an rồi.

Sao mình không quay lại hình ảnh tuyệt vời này chứ? Tôi nghĩ, lật đật chuyển sang chế độ quay phim. Ảnh chụp không thấy được chuyển động, không nghe được âm thanh. Tôi đặc biệt thích nghe tiếng nước dưới thân tàu. Những giai điệu du dương bất tận của biển cả. Những hình ảnh có thể chỉ được nhìn ngắm một lần trong cuộc đời máy ảnh của tôi, ý nghĩa biết bao.

Tôi mải mê quay phim đàn cá, cho đến khi phát hiện ra có vòm đất hiện ra trong khung hình. Ngẩng lên, tim tôi như rúng động, khi nhìn thấy phía ấy là một hòn đảo. Khoảnh khắc thấy được đảo của ta giữa biển trời bao la ấy, tôi thề là, lần đầu tiên trong đời tôi cảm nhận được cảm giác thật thiêng liêng, thật xúc động, mà không thốt được thành lời.

Tự nhiên, khóe mắt tôi cay cay, nửa muốn khóc, nửa muốn cười, nửa reo vui nửa muốn cất lên tiếng hát. Nơi anh đến là biển xa, nơi anh tới là đảo xa… Ca khúc Nơi đảo xa của nhạc sĩ Thế Song mà cô chủ nhỏ mở suốt những ngày trước khi lên tàu ra biển tôi nghe đến thuộc nằm lòng. Giờ mới thấm thía những câu hát "Từ mảnh đất quê ta giữa đại dương mang tình thương quê nhà. Đây Trường Sa, kia Hoàng Sa ngàn bão tố phong ba, ta vượt qua vượt qua"…

- Song Tử Tây kia rồi! - Tiếng bác Tê Lê ồm ồm bên tai. Tôi quay sang cười với bác. Chúng tôi đã đến hòn đảo đầu tiên của hải trình.

Đảo Song Tử Tây có hình bầu dục, diện tích chỉ khoảng 1,3 ki lô mét vuông, lòng đảo trũng, xung quanh cao so với mực nước biển từ bốn đến sáu mét. Nhìn từ xa, đảo như một khu rừng nhỏ mọc lên giữa đại dương. Tôi đi trên đất liền đến cả ngàn cây số, một tháng không đi đâu chơi là tôi chồn tay chồn chân rồi. Vậy mà, một hòn đảo nhỏ bé như vậy, các chiến sĩ và nhân dân đã sinh sống, làm việc, học tập ở đó hàng năm trời.

- Trên đó có mạng Internet hay sóng điện thoại không bác Tê Lê? - Tôi hỏi.

- Có chứ. Giờ các đảo nổi như Song Tử Tây là có kết nối mạng Viettel hết.

- Hay thế à bác.

Tôi thật ngưỡng mộ con người. Cái gì họ cũng có thể làm được cả. Có khi thế kỉ sau họ phủ sóng lên Mặt Trăng, sao Hỏa luôn chứ chẳng đùa.

Trong lúc tôi đang mải mê tưởng tượng, loa thông báo đoàn chuẩn bị xuống xuồng nhỏ vào đảo. Hai chiếc xuồng nhỏ bên mạn tàu được hạ xuống. Cô chủ nhanh nhẹn mặc áo phao, bỏ tôi vào túi chống thấm, bước xuống sàn tàu. Tôi cố tìm chỗ trống ló mắt ra nhìn nhưng không được. Cô chủ này, cẩn thận quá làm khổ thân tôi. Tôi bỏ lỡ khoảnh khắc ngồi trên xuồng nhìn ngắm xung quanh rồi.

Khi được cô chủ lôi ra thì tôi thấy mình đã trên cảng đảo Song Tử Tây. Những người lính hải quân đang xếp hàng nghiêm chỉnh, theo điều lệnh, đón tiếp đoàn lên đảo. Tôi chụp ngay một loạt ảnh, xong rồi đứng nhìn. Sao tôi ngưỡng mộ những người lính trong trang phục hải quân quá. Chỉ muốn chụp ảnh họ mãi thôi.

Mỗi xuồng nhỏ có sức chứa được khoảng mười người. Đưa đoàn vào đảo, các chiến sĩ tổ xuồng phải vòng đi vòng lại mấy lượt. Nhìn từ đảo, con tàu KN290 như một điểm xuyết trên biển, cờ đỏ sao vàng bay phấp phới. Biển trời xanh biếc, mênh mông. Hết chụp các anh chiến sĩ, tôi lại xoay ống kính chụp con tàu, cố không bỏ sót hình ảnh đẹp nào trong tầm mắt.

Đảo Song Tử Tây thuộc xã đảo Song Tử là một trong ba xã, thị trấn của huyện đảo Trường Sa thuộc tỉnh Khánh Hòa. Bên cạnh các đơn vị quân đội, trên đảo có các hộ dân sinh sống, có chùa, có trạm khí tượng thủy văn, có âu tàu với sức chứa hàng trăm tàu cá. Đảo còn có trạm dịch vụ sửa chữa, cung cấp dầu và nước ngọt cho tàu cá ngư dân.

Nhưng các bạn biết tôi hào hứng tìm kiếm điều gì trước nhất không?

Đó là cây phong ba và cây bàng vuông, biểu tượng của Trường Sa. Cây phong ba là một loài thực vật có nguồn gốc từ vùng nhiệt đới châu Á, Madagascar và miền Bắc nước Úc. Hoa màu trắng nhỏ mọc thành chùm. Đây cũng là cây có khả năng sinh trưởng tốt ở các vùng biển đảo, đặc biệt chịu đựng được bão biển. Cây chắn gió và còn làm thuốc chữa nếu bị rắn biển cắn nữa.

Cây phong ba trên đảo còn là biểu tượng cho khí phách kiên cường của chiến sĩ Hải quân Việt Nam. Nghe tên thôi đã oách rồi phải không. Tôi thèm được đặt cho cái tên này biết mấy. Vậy mà cô chủ lại gọi tôi bằng cái tên Cà Nóng. Chán thế cơ chứ! Đời trai sương gió mà mang cái tên củ chuối. Cà Nóng Cà Nguội gì ở đây. Nhiều khi tôi còn không dám giới thiệu tên mình trước các cô nàng nữa đấy. Xấu hổ chết đi được.

Giờ thì, Cà Nóng tôi đang đối diện với một cây phong ba thứ thiệt. Nhìn thấy cái cây đầu tiên, tôi phóng như bay đến. Căng mắt ra nhìn, đi xung quanh cây, chạm tay vào lá, vào hoa, như thể trên những chiếc lá xanh ấy có mùi của biển, của gió, của mưa bão bao mùa. Tôi đứng lặng, xúc động vì cái tên, vì sức chịu đựng của loài cây này, vì cả cảm xúc lần đầu tiên của chính mình. Đó là cái cây chơ vơ nhất trên đảo Song Tử Tây, nhưng lại khiến tôi nhớ nhất. Đi sâu vào trong đảo, có hàng hàng cây phong ba tỏa bóng, nhất là rừng cây phía sau tượng đài Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn.

- Trên đảo còn có cây phong ba di sản nữa nha mậy! - Bác Tê Lê mách nước.

Cây di sản đó nằm phía sau Sở chỉ huy đảo Song Tử Tây, có tuổi đời khoảng ba trăm năm rồi. Chu vi thân cây gần bốn mét, tán rộng tới ba mươi lăm mét. Mỗi hòn đảo Trường Sa đều có cột mốc chủ quyền, nhưng ở Song Tử Tây còn có cây phong ba như một chứng tích lịch sử. Bác Tê Lê nói trên đảo Nam Yết còn có cây bàng vuông di sản nữa, rồi hai cây mù u ở đảo Sơn Ca và Sinh Tồn. Ngoài phong ba, các đảo còn có cây bão táp, tra biển, mù u… Những cái tên đẹp đậm dấu ấn của biển.

Với bàng vuông thì khỏi nói, không chỉ tôi mà con người cũng rất mê. Lúc nhìn thấy một chùm quả bàng vuông đầu tiên bên ngoài phòng họp, cả đoàn người làm một việc hết sức… buồn cười là túm tụm lại và ngẩng cổ nhìn. Có người còn ước ao mang được quả bàng vuông về đất liền. Lá cây bàng vuông không khác lá của những cây bàng trong khuôn viên các trường học. Chỉ có quả là vuông vuông lạ lạ. Cả đám máy ảnh chúng tôi cũng ngẩng cổ lên chụp lấy chụp để. Bỗng một quả bàng vuông rụng ngay xuống chân chị Ngọc. Chị nhặt lên, mừng rỡ như bắt được vàng.

- Ôi cây tặng quả cho em này!

Chị Ngọc reo lên. Các anh chiến sĩ đứng gần đó nhìn chị Ngọc cười.

- Em xin quả này mang về đất liền được không? - Chị Ngọc khẽ hỏi.

- Được, cây tặng em mà! - Một anh chiến sĩ vừa trả lời vừa tủm tỉm.

Quả bàng vuông khô khi rụng xuống, hạt sẽ đâm chồi thành cây mới. Quả bàng vuông trên tay chị Ngọc còn xanh, chẳng hiểu sao rụng ngay chân chị. Như thể quả thị chọn rơi vào bị bà lão trong truyện cổ tích Tấm Cám vậy. Chỉ là chị Ngọc còn trẻ lắm chứ chẳng phải bà lão đi tìm quả thị.

Chị Ngọc hớn hở. Bao nhiêu bà chị xoay quanh chị Ngọc mượn quả bàng vuông, nâng niu trong tay và chụp ảnh cùng. Tự nhiên tôi thấy con người có những lúc hồn nhiên đến đáng yêu. Như lúc này đây, vì một quả bàng vuông mà cười rạng rỡ. Thật ra thì tôi, thằng Ni, thằng So cũng thế, chụp chán chụp chê cho các cô các chị, chúng tôi cũng tranh thủ sờ nhẹ vào quả bàng vuông, cảm giác như thể mình vừa được chạm vào một bảo vật.

[...]

Trên sân khấu dã chiến của đảo, đoàn văn công bắt đầu biểu diễn các tiết mục văn nghệ. Vì anh thương em, như thương cây bàng vuông… Câu hát Vì anh thương em, như thương cây bàng non đã được sửa lại cho phù hợp với thực tế. Mọi người vỗ tay rần rần. Các em thiếu nhi của đảo hào hứng múa hát. Các chiến sĩ cũng nhập cuộc đầy hào hứng. Từng hàng người nối nhau thành vòng tròn, cùng hát những bài ca về biển, về người lính. Bọn máy ảnh chúng tôi chạy vòng quanh chụp ảnh bở hơi tai. Mồ hôi ròng ròng nhưng ai cũng tràn đầy niềm vui.

Lúc được nghỉ ngơi, tôi ngồi lặng yên dưới tán bàng vuông, ngắm bầu trời qua kẽ lá, những chiếc lá xanh nõn in vào nền trời màu của sự sống, màu của hi vọng. Tôi tận hưởng những cảm xúc rất riêng của mình. Tự dưng, trong lòng nhen lên một cảm giác bình yên. Thật sự bình yên.

Cách dạy con của cố giáo sư Đặng Thai Mai

"Ba không dạy bay, ở nhà ta chỉ nhặt chữ rơi ngoài ngạch là đủ thông", giáo sư Đặng Thai Mai từng nói với con gái.

Những điều thú vị trên đường di cư của cá voi xanh

Hành trình vạn dặm đến vùng xích đạo ấm áp là một trải nghiệm tuyệt vời. Những chú cá voi thích thú với bao điều mới mẻ mà chúng được thấy dọc đường di cư.

Đụng độ với cá voi sát thủ

Trên đường di cư, cá voi xanh sợ nhất gặp phải những con cá voi sát thủ. Để chống lại những kẻ hung hiểm này, chúng phải can đảm và đoàn kết.

Bùi Tiểu Quyên/ NXB Kim Đồng

SÁCH HAY