Nhà đầu tư giữ tâm lý thận trọng khi thị trường liên tục rung lắc. Ảnh: Duy Hiệu. |
Sau phiên điều chỉnh gần 14 điểm vào cuối tuần trước, thị trường chứng khoán Việt Nam rơi vào trạng thái thận trọng trong ngày 1/7. Điểm nổi bật là lực cung đã hạ nhiệt rõ rệt và chỉ gây áp lực mang tính thăm dò.
Chỉ số chính dao động trong biên độ hẹp nhưng phần lớn nằm dưới tham chiếu. Phải đến gần cuối phiên, sự gia tăng của dòng tiền mua chủ động mới vực dậy thị trường và đưa chỉ số quay trở lại trên mốc 1.250 điểm.
Kết phiên, VN-Index phục hồi 9,24 điểm (+0,74%) lên mốc 1.254,56 điểm; HNX-Index tăng 0,98 điểm (+0,41%) lên mốc 238,56 điểm; UPCoM-Index ngược chiều giảm 0,24 điểm (0,24%) xuống mốc 97,3 điểm.
Sự tích cực này một phần nhờ những thông tin tích cực xuất hiện vào cuối tuần trước, điển hình như việc GDP quý II tăng 6,93% so với cùng kỳ, vượt dự báo của thị trường. Với kết quả tích cực này, Việt Nam có thể đạt cận trên mục tiêu tăng trưởng năm nay là 6,5%.
Thanh khoản trên toàn thị trường neo ở mức 15.000 tỷ đồng. Riêng giá trị giao dịch trên HoSE chỉ nhỉnh hơn 13.000 tỷ đồng, thấp nhất kể từ cuối tháng 1.
Rổ cổ phiếu vốn hóa lớn VN30 chứng kiến 22 mã tăng (gồm VRE tăng trần), 7 mã giảm và duy nhất ACB giữ nguyên tham chiếu. Chỉ số đại diện rổ này cũng tăng 0,56% lên ngưỡng 1.285 điểm.
VN-Index phục hồi mạnh và quay lại mốc 1.254 điểm. Ảnh: TradingView. |
Dòng tiền trong phiên giao dịch hôm nay chủ yếu chảy vào nhóm bán lẻ.
Riêng rổ VN30 ghi nhận 3 ông lớn thuộc nhóm này là VRE (tăng trần), MWG (+5,5%) và MSN (+1,7%) tăng với biên độ lớn. Đây cũng là 2 mã chứng khoán góp mặt trong nhóm vực dậy thị trường gồm CTG (+3,2%), VCB (+1,1%), BID (+1,5%), HVN (+3,9%), VPB (+1,9%), GAS (+1,4%), MBB (+1,1%).
Tuy nhiên, chỉ số cũng đối mặt áp lực không nhỏ từ các cổ phiếu như FPT (-1,5%), TCB (-3%), POW (-2,4%), LPB (-1,1%), BCM (-1,1%), PGV (-2,7%), EIB (-2,1%), PNJ (-1,6%), DSE (-4,7%), VJC (-0,8%).
Với DSE, đây là phiên giao dịch đầu tiên của CTCP Chứng khoán DNSE. Đây cũng là công ty chứng khoán duy nhất thực hiện việc chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng và được chấp thuận đăng ký niêm yết trong thời gian 5 năm trở lại đây.
Cùng với DNSE, hiện có 16 công ty chứng khoán đang niêm yết trên sàn HoSE.
Cổ phiếu DSE có giá tham chiếu là 30.000 đồng/đơn vị, bằng với giá chào bán ra công chúng. Với hơn 330 triệu cổ phiếu được niêm yết, giá trị vốn hóa tương ứng khi chào sàn đạt 9.900 tỷ đồng.
Trong ngày đầu tiên giao dịch, cổ phiếu này bị bán dữ dội và có thời điểm chạm giá sàn. Tính đến cuối phiên, thị giá DSE dừng ở mốc 28.600 đồng/đơn vị (-4,67%), tương ứng vốn hóa thị trường 9.438 tỷ đồng. Thanh khoản trong phiên 100% được thực hiện theo hình thức khớp lệnh, đạt hơn 35 tỷ đồng.
Nhóm ngân hàng và bán lẻ kéo VN-Index đi lên. Ảnh: VNDirect. |
Các nhóm ngành nhìn chung đều ghi nhận sự hồi phục. Trong đó, cổ phiếu chứng khoán là điểm sáng của phiên hôm nay khi được giao dịch tương đối tích cực, điển hình như VCI (+2,2%), VND (+0,3%), HCM (+1,5%), MBS (+2,2%), FTS (+3,8%), SHS (+1,7%), BSI (+2,3%).
Cổ phiếu công nghệ là điểm trừ hiếm hoi khi đầu tàu FPT điều chỉnh mạnh (-1,4%), kéo theo đó là GLT (-6,6%), ONE (-4,4%) hay SGT (-3,3%).
Khối ngoại giữ tâm lý thận trọng khi mua bán không quá sôi nổi. Dẫu vậy, quy mô bán ròng vẫn ở mức cao, đạt 800 tỷ đồng, tập trung chủ yếu ở FPT (-250 tỷ đồng), FUEVFVND (-213 tỷ đồng), TCB (-91 tỷ đồng), DGC (-80 tỷ đồng), VHM (-68 tỷ đồng).
Ngược lại, tiền ngoại chảy mạnh vào VPB (+73 tỷ đồng), VCI (+34 tỷ đồng), MCH (+25 tỷ đồng).
Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri Thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.