Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tiềm năng chuyển thể tiểu thuyết lịch sử

Tiểu thuyết lịch sử đang chứng minh được sức hút của mình. Giám đốc NXB Phụ nữ Việt Nam cho rằng có thể tạo các sản phẩm phái sinh từ dòng văn học này như chuyển thể game, phim...

cau chuyen lich su anh 1

Nhân vật Trần Thủ Độ - tác giả Bình Chi vẽ. Ảnh: NXB PNVN.

Với nhiều thành công về mặt doanh số bán sách, các tác phẩm tiểu thuyết lấy cảm hứng từ câu chuyện lịch sử đang cho thấy sức hút và tiềm năng lớn của mình.

Từ tiểu thuyết lịch sử đến tiểu thuyết dã sử, phóng tác dựa trên một chi tiết lịch sử, các tác phẩm này tìm được đời sống tinh thần ở một phổ độc giả rộng, thu hút được cả giới trẻ.

Chia sẻ với Zing, bà Khúc Thị Hoa Phượng, Giám đốc - Tổng biên tập Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam, cho biết đơn vị bà đã có nhiều tác phẩm tiểu thuyết lịch sử, tiểu thuyết dã sử thành công. Mỗi khi tổ chức tọa đàm giao lưu, độc giả đều tham gia rất nhiệt tình.

Bên cạnh những bộ tiểu thuyết công phu như Công chúa Đồng Xuân (tác giả Trần Thùy Mai), Anh hùng Lĩnh Nam (tác giả Trần Đại Sỹ)... đơn vị này cũng khuyến khích các tác giả trẻ khai phá ở thể loại dã sử, sáng tác những tác phẩm ngắn, gần gũi với bạn đọc, mang hơi thở hiện đại để tiếp cận rộng rãi độc giả hơn nữa.

Bà Hoa Phượng nói: "Tôi thấy chúng ta hay bảo giới trẻ thờ ơ với lịch sử, nhưng thực ra không phải như vậy, quan trọng là có tác phẩm đủ hấp dẫn đối với giới trẻ hay không".

Bên cạnh đó, người làm xuất bản quan sát thấy các tác giả trẻ ngày nay có xu hướng sáng tác cũng phóng khoáng hơn, họ tiếp cận lịch sử, tìm chất liệu sáng tác, rồi tưởng tượng, suy đoán, phản biện nhiều. Khi họ làm vậy, độc giả trẻ cũng tỏ ra hứng thú với lịch sử hơn.

Bà nói: "Tôi tin rằng nếu chúng ta biết biến hóa lịch sử bằng các thủ pháp văn học nghệ thuật, lịch sử sẽ thu hút độc giả".

Với sức hút sẵn có của các tác phẩm tiểu thuyết lịch sử, dã sử, giám đốc Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam chia sẻ kế hoạch khai thác các hình thức phái sinh khác như chuyển thể thành truyện tranh, phối hợp với các công ty công nghệ để triển khai chất liệu tiểu thuyết thành cốt truyện game, thành kịch bản phim...

Bà kỳ vọng rằng những sản phẩm phái sinh sẽ mở ra những thị trường tiềm năng, có sức hút lớn hơn nữa. Từ đó, độc giả/khán giả tiếp xúc với các tác phẩm có chất liệu lịch sử sẽ thêm yêu và tự hào về sử Việt.

Bà Khúc Thị Hoa Phượng cho rằng xã hội càng phát triển, càng hội nhập thì người dân càng chú ý đến bản sắc văn hóa, càng muốn níu lấy lịch sử dân tộc.

Giới trẻ thế hệ mới trên thế giới đang đặc biệt quan tâm đến vấn đề bản sắc, vấn đề văn hóa và giới trẻ Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Bằng chứng là những thành công nổi bật của nghệ thuật trong những năm gần đây thường là có sự cân bằng giữa yếu tố truyền thống lẫn hiện đại.

Nhiều người trong ngành đã nhận định rằng xu hướng phát triển của xã hội chắc chắn sẽ hướng về nguồn. Người làm văn hóa có cơ sở để giữ cái nhìn lạc quan về tương lai của các sản phẩm lấy chất liệu từ lịch sử.

Xu hướng viết tiểu thuyết lấy chất liệu từ lịch sử

Ngày càng nhiều tác giả dấn thân khai thác chất liệu lịch sử. Nhiều tiểu thuyết lịch sử, tiểu thuyết dã sử đã dành được sự quan tâm lớn từ độc giả, được tái bản nhiều lần.

Số phận, bản lĩnh của một công chúa triều Nguyễn

Sau bộ tiểu thuyết về thái hậu Từ Dụ, nhà văn Trần Thùy Mai tiếp tục đưa độc giả khám phá một giai đoạn khác về nhà Nguyễn, liên quan đến vụ án của công chúa Đồng Xuân.

Lê Lam

Bạn có thể quan tâm