Ông là một trí thức, một nhà văn giàu kiến thức. Với những cây bút trẻ, ông chăm chút, bao dung độ lượng nhưng cũng rất nghiêm khắc.
Một nhà văn giàu kiến thức
Trong buổi ra mắt tuyển thơ Nguyễn Thị Hồng tại Hồ Văn - Văn miếu Quốc Tử Giám hồi đầu năm nay, nhà văn Hoàng Quốc Hải - phu quân của nhà thơ đến từ rất sớm để chăm chút công việc.
Nhà văn Hoàng Quốc Hải. Ảnh: Ngọc Hân. |
Tính ông luôn như vậy. Nhiều lần đón ông đi điền dã các vùng đất, các đình, đền, chùa, miếu để thực hiện các hội thảo khoa học, nhà văn đều rất đúng giờ.
Một hôm gần đây thôi, khi tôi vinh dự được cùng ông và hai vị phó giáo sư điều hành cuộc tổng quan cuộc đời văn bút của Tiến sĩ Đinh Công Vỹ, ông nhỏ nhẹ bảo: “Tôi đã bàn bạc với các vị ở đây và Tiến sĩ Đinh Công Vỹ, cậu sẽ điều hành chính, kết nối và dẫn dắt cuộc này. Là người yêu văn chương và lịch sử, quý trọng và hiểu biết về Đinh Công Vỹ, tôi tin chắc cậu sẽ làm tốt”.
Tôi vâng lời vì luôn cho mình là người học trò nhỏ của ông. Kể cả quá trình tôi chuyển hướng viết tiểu thuyết lịch sử hoàn toàn do sự động viên, khuyến khích của nhà văn Hoàng Quốc Hải. Ông là một trí thức, một nhà văn giàu kiến thức và sự chăm chút các cây bút trẻ, nhất là những người thân. Bao dung độ lượng nhưng cũng rất nghiêm khắc với những gì còn thiếu khuyết của chúng tôi.
Với phu nhân - nhà thơ Nguyễn Thị Hồng, ông là người chồng mẫu mực. Nữ nhà thơ cũng là chỗ dựa vững chắc của ông. Họ yêu thương quý trọng nhau đến mức dù tôi mời nhà văn đi bất cứ đâu nếu nữ nhà thơ do bận việc không đi cùng tôi đều báo cáo lộ trình đầy đủ. Tất cả kỳ cuộc quan trọng của tôi, nhất là các sáng tác tiểu thuyết lịch sử tôi đều trao đổi kỹ lưỡng và ông đều chỉ bảo tận tình.
Nhà văn Hoàng Quốc Hải rất chăm đọc và vô cùng chăm viết. Hai bộ tiểu thuyết chủ chốt của ông Bão táp triều Trần và Tám triều vua Lý với hàng vạn trang viết tay chữ đều thau tháu với biết bao tâm tư, thông điệp có ích tới bạn đọc, với Tổ quốc và nhân dân. Đối với nhà văn Hoàng Quốc Hải, hai bộ tiểu thuyết lịch sử của ông là những đóng góp quan trọng trong mảng đề tài lịch sử đối với đời sống văn học đương đại.
Chúng ta từng có những cuộc hội thảo, nhiều bài viết tham luận, nhiều luận văn, đề án của giới phê bình văn học nghệ thuật và sinh viên về hai bộ tiểu thuyết trên đã khẳng định vị trí của nhà văn và tác phẩm của ông trên văn đàn. Hai bộ tiểu thuyết trên cũng đã góp phần khơi nguồn sáng tạo cho các nhà văn thế hệ kế cận. Bản thân tôi cũng đã học tập được không ít từ sức lao động sáng tạo của nhà văn Hoàng Quốc Hải.
Những trang viết trao truyền lịch sử dân tộc ấy đã cho chúng tôi kiến thức và niềm tin để phấn đấu trưởng thành. Tôi đọc những trang tiểu thuyết Thăng Long nổi giận khi còn là một người lính gác kho năm 1994 tại cánh rừng phía bắc mà tự thấy mình phải mau chóng cầm bút viết văn. Chính sự phấn đấu thầm lặng được khuyến khích từ những trang văn ấy đã cho tôi một bước ngoặc giành giải thưởng văn học của Tổng cục Chính trị, trở về mái nhà Truyền hình Quân đội lập nghiệp, viết văn.
Lịch sử của dân tộc Việt Nam là lịch sử nhiều nghìn năm dựng nước và giữ nước rất hào hùng. Việt Nam là dân tộc có nền độc lập tự chủ từ rất sớm và luôn ý thức sâu sắc việc độc lập dân tộc trong mọi thời kỳ lịch sử.
Từ thời Hùng Vương, tiếp đó đến An Dương Vương, Hai Bà Trưng, Lý Nam Đế, Triệu Việt Vương, Mai Hắc Đế, Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng, Ngô Vương Quyền, Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành, Vương triều Lý, Vương triều Trần, Vương triều Lê, Vương triều Nguyễn nối đến thời đại Hồ Chí Minh đều là những trang sử vàng. Đây chính là mảnh đất màu mỡ, tươi tốt, một nền tảng vững chắc trải mênh mông để các nhà văn khẳng định ngòi bút của mình cũng là tấm lòng hiếu kính với tổ tông, nguồn cội, còn là góp phần xác lập hệ giá trị văn học, nghệ thuật Việt Nam dân tộc và hiện đại.
Nhà văn Hoàng Quốc Hải (đứng thứ 3, từ trái sang) trong một chuyến điền dã. |
Đóng góp quan trọng vào dòng chảy văn học
Trong một lần trò chuyện, nhà văn Hoàng Quốc Hải nhã nhặn nói đã theo nghiệp văn chương thì bất cứ đề tài nào cũng khó khăn cả. Người viết, nhất là viết về lịch sử, thì điều quan trọng nhất là phải toàn tâm toàn ý, khách quan, công tâm với lịch sử. Viết về lịch sử đòi hỏi nhiều thứ, chẳng hạn anh phải am hiểu về văn hóa của thời đại mà mình viết, thời đại mình đang sống. Ví dụ, viết về thời Lý, Trần phải hiểu rõ thời đại đó tồn tại ba thứ đạo và cũng là ba dòng triết học lớn: Phật, Nho, Lão và ba đạo ấy lại cùng phát triển trên cơ sở “tam giáo đồng nguyên”. Đó là chỗ linh diệu, cao siêu của các nhà trị quốc dung hòa như thế nào để ba thứ đạo ấy đều nhằm một mục tiêu là phục vụ cho con người, cho dân tộc Việt.
Định hướng xã hội thời đó là: Xã hội Nho, Tâm linh Phật, Thiên nhiên Đạo (Lão) đã tạo nên một chỉnh thể ý thức hệ dân tộc Việt. Người viết tiểu thuyết lịch sử cũng cần phải nắm bắt được tương quan lịch sử của dân tộc mình và các dân tộc khác; nếu không sẽ sa vào kỳ thị dân tộc, chỉ biết ta, đề cao ta...
Giải mã được lịch sử, đó là thiên chức của các nhà văn viết về lịch sử. Muốn giải mã được lịch sử thì phải đi sâu nghiên cứu, tìm tòi, gạn lọc trong trùng điệp biết bao vỉa quặng của lịch sử, để rồi ngõ hầu rũ lớp bụi thời gian mà có thể phát lộ nó ra, có thể làm thay đổi quan niệm, đôi khi là thiên kiến và cả hạn chế về nhận thức của các sử gia, nên đã có những đánh giá sai lệch về sự kiện lịch sử hoặc nhân vật lịch sử.
Nhà văn Hoàng Quốc Hải luôn song hành, giúp đỡ tôi không chỉ văn chương mà còn cả lẽ sống ở đời. Trong 7 cuộc hội thảo khoa học cấp quốc gia của Hội đồng họ Phùng Việt Nam phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, nhà văn Hoàng Quốc Hải, tiến sĩ Đinh Công Vỹ, phó giáo sư Nguyễn Hữu Sơn, nhà nghiên cứu Vũ Bình Lục, phó giáo sư Phạm Quang Long... đều là những trụ cột đã đồng hành cùng chúng tôi thực hiện thành công các cuộc hội thảo. Bao giờ, các tham luận của nhà văn Hoàng Quốc Hải cũng sâu đậm chất trí tuệ nhất, các cứ liệu khoa học lịch sử vững chắc và đặc biệt là sức thuyết phục để các cấp có thẩm quyền phải vào cuộc nhất.
Trong một hội thảo về đức vua Phùng Hưng tại Văn miếu Quốc Tử Giám, nhà văn Hoàng Quốc Hải đã gây ngạc nhiên với giới nghiên cứu khi chỉ ra hàng trăm đình, đền, chùa, miếu thờ Bố Cái Đại Vương. Điều đó đã cho thấy sức đi điền dã, sức nghiên cứu, khảo chiếu, tham bác và trưng cất thành những trang văn khoa học và bác học của nhà văn Hoàng Quốc Hải.
Nhà văn Hoàng Quốc Hải năm nay đã bước sang tuổi 85. Ông sinh năm 1938 tại huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương. Ông có thời gian công tác ở báo Vùng mỏ ngành than tỉnh Quảng Ninh. Tiếp đó, ông chuyển về công tác tại Bộ Văn hóa cho tới lúc nghỉ hưu.
Dù ở đâu, công việc chính yếu chiếm trọn thời gian của ông đều là viết văn, viết báo. Chuyên tâm với tiểu thuyết lịch sử, hàng vạn trang viết của nhà văn Hoàng Quốc Hải đã góp phần quan trọng trong dòng chảy văn học, dòng chảy lịch sử Việt Nam. Với riêng cá nhân tôi, nhà văn Hoàng Quốc Hải chính là người thầy quan trọng nhất, người thầy đầu tiên và mãi mãi.
Nhà văn Hoàng Quốc Hải năm nay đã bước sang tuổi 85. Ông sinh năm 1938 tại huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương. Hai bộ tiểu thuyết chủ chốt của ông Bão táp triều Trần và Tám triều vua Lý với hàng vạn trang viết tay chữ đều thau tháu với biết bao tâm tư, thông điệp có ích tới bạn đọc, với Tổ quốc và nhân dân.
Đối với nhà văn Hoàng Quốc Hải, hai bộ tiểu thuyết lịch sử của ông là những đóng góp quan trọng cho mảng đề tài lịch sử đối với đời sống văn học đương đại. Chúng ta từng có những cuộc hội thảo, nhiều bài viết tham luận, nhiều luận văn, đề án của giới phê bình văn học nghệ thuật và sinh viên về hai bộ tiểu thuyết trên đã khẳng định vị trí của nhà văn và tác phẩm của ông trên văn đàn. Hai bộ tiểu thuyết trên cũng đã góp phần khơi nguồn sáng tạo cho các nhà văn thế hệ kế cận.