Tranh vẽ một cô gái hoàng gia của họa sĩ Bùi Hữu Hùng. Ảnh: GreenPalm. |
Trong thời kỳ quân chủ của Việt Nam, có không ít vị công thần có nhiều công trạng với dân tộc, đất nước đã trở thành nạn nhân của những vụ án thảm khốc. Có thể kể đến vụ án Thái sư hóa hổ, hay còn gọi là vụ án hồ Dâm Đàm (Hồ Tây) diễn ra vào năm 1096 và nạn nhân là Thái sư Lê Văn Thịnh - người được coi là vị trạng nguyên khai khoa mở đầu cho học giới nước nhà từ thế kỷ XI.
Hay như vụ án Lệ Chi Viên diễn ra vào năm 1442 với án oan ngút trời “giết vua”, cùng bản án thảm khốc “tru di tam tộc” nhằm vào anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi cùng vợ ông là Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ… Bên cạnh đó còn có những vụ án gây rúng động chốn cung đình như vụ án tai tiếng nhất dưới triều Nguyễn - vụ xử tội “hòa gian” của công chúa Đồng Xuân với chính người anh ruột cùng cha khác mẹ của mình.
Hầu hết vụ án trên đều được các sử quan chép lại trong các bộ chính sử như Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Nam thực lục... Tuy nhiên, vẫn còn những ẩn số trong các vụ án do sử xưa ghi chép vắn tắt, hoặc có ý kiến cho rằng phía sau ngòi bút sử quan có ẩn khuất.
Không chấp nhận với những điểm còn tranh sáng, tranh tối trong sử sách xưa, nhiều nhà văn đã cất công truy tìm tư liệu, nghiền ngẫm lịch sử, bóc tách những vấn đề tồn nghi và làm rõ những góc khuất vốn bị mù mờ do các sử gia xưa để lại. Đó cũng chính là lý do để các tiểu thuyết lịch sử có tính chất chiêu tuyết (rửa sạch oan ức) cho những án oan ngút trời trên ra đời.
Tiểu thuyết Thảm kịch vĩ nhân của Hoàng Minh Tường. Ảnh: M.C. |
Thảm kịch vĩ nhân - cuộc tranh giành vương quyền và màn kịch tội ác
Đầu tiên phải kể đến cuốn tiểu thuyết Thảm kịch vĩ nhân của nhà văn Hoàng Minh Tường. Tác phẩm đã kể lại toàn bộ vụ thảm án tàn khốc diễn ra trong 27 ngày, tính từ ngày sinh hoàng tử Lê Tư Thành (vua Lê Thánh Tông sau này) đến ngày Ức Trai Nguyễn Trãi và Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ cùng ba họ lên đoạn đầu đài.
Trong cuốn tiểu thuyết, để chiêu tuyết cho Ức Trai tiên sinh và Lễ nghi học sĩ, ngoài những nhân vật lịch sử, tác giả đã sáng tạo hư cấu thêm một tuyến nhân vật hiện đại đều có mục đích chung là tìm mọi cách trả lại danh dự cho Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ. Đồng thời, tác giả nói đến sự tồn tại của một tài liệu “độc nhất vô nhị”, đó là một thư tịch Hán Nôm cổ, gồm 5 quyển, có tuổi đời hơn 500 năm, được lưu giữ trong một ngôi đình cổ.
Thư tịch này là trước tác của cụ Ứng Nhân Đoàn Khâm, một trong những học trò của Nguyễn Khuê, con trai cả Nguyễn Trãi có tên là Long Thành tạp ký. Bộ sách này có tính xác thực cao khi nó được ghi chép như sử ký thực lục. Hơn nữa nó lại trực tiếp chép về thời đại tác giả Đoàn Khâm sống (tác giả tham gia gián tiếp vào bộ máy quan lại đương triều) và ghi chép nhiều việc mà bộ Đại Việt sử ký của Ngô Sỹ Liên không đề cập…
Từ nội dung của bộ Long Thành tạp ký, toàn bộ cuộc tranh giành vương quyền và màn kịch tội ác được dựng lên để sát hại một bậc vĩ nhân đã bị phơi bày. Thủ phạm chính của màn kịch này chính là hoàng hậu Nguyễn Thị Anh, vợ thứ của vua Lê Thái Tông, mẹ của vua Lê Nhân Tông.
Theo nguồn mạch của tác phẩm, Nguyễn Thị Anh có quan hệ bất chính và có mang trước khi được tiến cử vào cung. Sau khi biến vua Thái Tông trở thành tôi đòi của ái tình, Nguyễn Thị Anh đã xúi vua phế ngôi hoàng thái tử của Nghi Dân. Đến khi sinh Bang Cơ (vua Lê Nhân Tông sau này), vua phế hoàng hậu Dương Thị Bí xuống làm thứ nhân, để Nguyễn Thị Anh lên ngôi hoàng hậu và tấn phong Bang Cơ mới gần 2 tháng tuổi lên ngôi thái tử.
Chuyện thay ngôi đổi chủ tạm lắng xuống, thì tiệp dư Ngô Thị Ngọc Giao sinh hạ quý tử (hoàng tử Lê Tư Thành, sau vua Lê Thánh Tông). Lo sợ ngôi thái tử của Bang Cơ khó bề giữ nổi, Nguyễn Thị Anh đã tìm cách hãm hại mẹ con Ngô Thị Ngọc Giao, nhưng nhờ có vợ chồng Nguyễn Trãi hết lòng che chở, nên 2 mẹ con nhiều lần thoát nạn. Xuất phát từ chuyện này, Nguyễn Thị Anh đã tìm cách hãm hại Nguyễn Trãi.
Sau hạ độc vua và gây ra thảm án Lệ Chi viên với bản án tàn khốc “tru di tam tộc” đối với Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ, Nguyễn Thị Anh đã dùng quyền lực ép sử gia bẻ cong ngòi bút, vẽ lên chuyện Nguyễn Thị Lộ ngủ với vua và gây ra cái chết cho ngài.
Tiểu thuyết Công chúa Đồng Xuân của nhà văn Trần Mai Thùy. Ảnh: Y.N. |
Công chúa Đồng Xuân - số phận của phụ nữ sống trong chế độ xưa
Tiểu thuyết Công chúa Đồng Xuân của nhà văn Trần Thùy Mai dựa trên một vụ án có thật, một vụ án oan uổng, cho thấy số phận của phụ nữ sống trong chế độ xưa.
Khi đọc sử sách chép về bà, nhà văn Trần Thùy Mai thấy trong lòng thương xót và muốn viết lại vụ án dưới góc nhìn của con người ngày nay.
Đồng Xuân công chúa là con út vua Thiệu Trị, và là con dâu danh tướng Nguyễn Tri Phương. Chồng bà là phò mã Lâm hy sinh vì nước khi chưa đầy 30 tuổi. Sau 10 năm ở góa, Đồng Xuân bỗng có thai. Với luật lệ đương thời, bà bị khép vào một tội rất lớn, thời ấy gọi là tội “hòa gian”.
Nhiều sử liệu đời sau ghi rằng người dan díu với Đồng Xuân chính là anh trai, Gia Hưng quận công Hồng Hưu. Theo nhà văn Trần Thùy Mai đây là sự ghi chép vội vàng chưa cẩn thận. Vì nếu đọc kỹ càng hai sử liệu gốc của triều Nguyễn là Đại Nam thực lục và Đại Nam liệt truyện, thì sẽ thấy sử gia triều Nguyễn chưa bao giờ đặt bút khẳng định rằng có việc ấy.
Thiên thu huyết lệ - giải mã án oan nghìn năm của Thái sư Lê Văn Thịnh
Thiên thu huyết lệ - cuốn tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Trọng Tân đề cập đến vụ án đã khiến Thái sư Lê Văn Thịnh - một nhân vật lịch sử đáng được tôn vinh phải ngậm oan suốt nghìn năm.
Trong cuốn tiểu thuyết, nhà văn Nguyễn Trọng Tân đã đặt ra những câu hỏi xung quanh oan khuất thiên kỷ của Thái sư Lê Văn Thịnh:
Lê Văn Thịnh bị khép tội “mưu giết vua”, một trọng tội đứng đầu thập ác, phải tru di cửu tộc. Vậy mà vì sao cửu tộc của ông không hề hấn gì, chỉ riêng một mình ông bị đưa lên đày trên Thao Giang rồi chưa đầy một năm sau đã được tha?
Tượng rồng đá “miệng cắn thân, chân xé mình" đầy hàm ý tại đền Thái sư Lê Văn Thịnh. Ảnh: TL. |
Là người tài cao học rộng, đã nhận được rất nhiều ân sủng của vua Lý Nhân Tông, lại am hiểu và sống theo khuôn thước lễ nghĩa Nho giáo, giữa lúc triều đình thịnh trị, lý do gì khiến Lê Văn Thịnh phải làm phản? Một viên quan văn như Lê Văn Thịnh làm phản mà không có bè đảng, không gươm giáo...
Việc ông bị khép tội, chỉ có một mình ông ngồi trên chiếc thuyền con với một tấm da hổ giữa lúc mưa to gió lớn (như sử chép). Trong khi đó nhà vua có giáo trong tay, và chắc chắn lúc nào cũng có ngự lâm quân hộ giá…
Từ những câu hỏi trên, nhà văn Nguyễn Trọng Tân đã giải mã phần nào vụ án oan của Thái sư Lê Văn Thịnh.
Đó là chuyện Lê Văn Thịnh có gã gia nô người nước Đại Lý có phép thuật kỳ dị, thường bày trò mua vui cho ông hoặc một số triều thần. Được biết gã gia nô này là quà tặng của nhà Tống ban cho mà ông không thể không nhận.
Đó là pho tượng rất lạ: cụ Rồng “miệng cắn thân, chân xé mình” tìm thấy ở khu vực đền thờ Lê Văn Thịnh tại thôn Bảo Tháp, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh.
Ngoài ra, tại quê hương Lê Văn Thịnh và nhiều nơi khác trên đất nước vẫn có đền thờ ông, ngưỡng vọng một người hiền tài vì những người dân trong vùng không tin ông là kẻ phản nghịch...
Thiên thu huyết lệ khép lại bằng cuộc gặp gỡ giữa nhà văn với Vua Lý Nhân Tông (trong một giấc mơ vào một đêm mưa to gió lớn). Trong cuộc gặp gỡ ấy, nhà văn đã mạnh dạn bày tỏ suy nghĩ của mình. Rằng, phải chăng tượng cụ rồng miệng cắn thân, chân xé mình là hiện thân của Đức vua Lý Nhân Tông. Là thông điệp về sự ân hận, dằn vặt của Đức vua đã xử oan Thái sư Lê Văn Thịnh.