Trong địa hạt tiểu thuyết lịch sử Việt Nam, chúng ta thường bắt gặp những tác phẩm viết về những danh nhân, dòng họ có công mở mang bờ cõi, khai thiên lập quốc, đánh giặc ngoại xâm, hay có những dấu ấn quan trọng trong quản trị đất nước. Nói cách khác, đây chính là những nhân vật có công với dân, với nước. Bên cạnh đó, chúng ta cũng bắt gặp những tác phẩm viết về các vương triều, chuyện cải triều, hoán đại, những vụ án lớn có tác động lớn đối với lịch sử, hoặc những số phận nơi cung đình, hay những thời khắc đau thương và hào hùng của dân tộc…
Nói như vậy để thấy rằng, trong địa hạt tiểu thuyết lịch sử nước ta, hiếm thấy có tác phẩm nào như Cô Tư Hồng của nhà văn, nhà báo Đào Trinh Nhất - người được giới cầm bút đánh giá là có cách làm việc nghiêm túc, thận trọng - và là người đã biết dùng ngòi bút nghệ thuật làm sống lại nhiều tư liệu đã mai một trong lịch sử cận đại Việt Nam.
Tiểu thuyết lịch sử Cô Tư Hồng của nhà văn Đào Trinh Nhất. Ảnh: Minh Châu. |
Người phụ nữ từng khuynh đảo đất Hà thành
Cô Tư Hồng được Trung Bắc Thư Xã xuất bản lần đầu năm 1941. Trước đó, cuốn tiểu thuyết này được đăng nhiều kỳ trên báo Trung Bắc Tân Văn Chủ Nhật. Theo nhà nghiên cứu Chương Thâu, vào thời điểm ấy: “Truyện viết vừa ra đời đã được hoan nghênh. Người ta nô nức chờ đợi hàng tuần để đón đọc trên báo, liên tiếp từ số trước đến số sau”. Vậy điều gì làm cho tác phẩm này được độc giả thời bấy giờ quan tâm, đón đợi đến như vậy.
Cô Tư Hồng có nội dung xoay quanh một nhân vật nữ (tên thật là Trần Thị Lan, sinh năm 1869, mất năm 1921, có quê gốc ở làng Thành Thị, Hà Nam) gây nhiều tranh cãi nhất cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Người đàn bà sớm lưu lạc, nếm mùi cay đắng từ thuở bé, “tay trắng làm nên nghiệp lớn, má hồng trang điểm phấn son vua” này đã lấy Tàu, lấy Tây, rồi kết hôn với linh mục phá giới (trải qua 3 đời chồng), phá thành Hà Nội, mua danh cầu vị…
Cô Tư Hồng (lấy theo tên chú Hồng người Hoa, chủ tiệm Bình An, người chồng đầu tiên của Trần Thị Lan) cũng chính là đối tượng đả kích của nhiều nho sĩ đầu thế kỷ, trong đó, đặc biệt phải nói tới bài ca trù Đĩ Cầu Nôm của Nguyễn Khuyến. Bài thơ trào phúng sâu cay, với giọng điệu đả kích công khai của cụ Tam nguyên Yên Đổ đã đóng đinh Tư Hồng như người phụ nữ tai tiếng nhất, một biểu tượng cho sự tha hóa, suy đồi đạo đức của thời đại.
Theo nhà nghiên cứu Trần Ngọc Hiếu (Lời tựa bản in tái bản năm 2015 do Tao Đàn thực hiện): Sự hưởng ứng của công chúng thời bấy giờ đối với Cô Tư Hồng là một hiện tượng lý thú nếu ta nhớ rằng trước đó không lâu, những giai thoại xung quanh cô chủ yếu được thêu dệt nên bởi những định kiến đạo đức có phần khắc nghiệt.
Ông Hiếu cũng cho rằng: "Nhưng cũng có thể cô Tư Hồng khi đó đã trở thành một huyền thoại, vượt qua quan điểm của thời đại, của buổi giao thời, nên bất chấp những định kiến nhào nặn nên nó, vẫn luôn chứa đựng những yếu tố li kì, bí ẩn và vì thế thu hút sự tò mò của công chúng".
Cô Tư Hồng của Đào Trinh Nhất được xây dựng trên một loạt giai thoại về người phụ nữ từng khuynh đảo đất Hà thành. Tác giả sách đã liên kết các giai thoại ấy không theo mạch biên niên của lối chép sử thông thường mà bắt đầu từ một lát cắt ở giữa cuộc đời nhân vật, trần thuật theo cách khơi dậy sự tò mò, phán đoán và chờ đợi ở người đọc - một thủ pháp phổ biến của các tiểu thuyết dài kỳ trên báo.
Một phụ nữ nổi loạn, khó được cảm thông
Theo mạch nguồn đó, tác giả đã dẫn dắt độc giả đi theo cuộc đời truân chuyên, thăng trầm của cô Tư Hồng như một kiếp “hồng nhan bạc phận” (mà không bàn đến công tội của người phụ nữ này), nhưng chưa từng khuất phục trước số mệnh, luôn cố gắng, chèo chống, thích nghi, vượt lên nghịch cảnh của số phận. Qua đó, gợi mở cho người đọc những suy nghĩ khác nhau.
Ảnh cô Tư Hồng trong bộ sưu tập tại Viện Bảo tàng Albert Kahn. |
Trong tác phẩm, Đào Trinh Nhất có sử dụng một số yếu tố duy tâm để lý giải số phận của cô Tư Hồng, một người phụ nữ liều lĩnh, đáo để, không vừa vặn với nhãn quan đạo đức đương thời.
Ngay từ hồi còn trẻ, người phụ nữ ấy đã không cam phận làm thê thiếp cho ông Chánh tổng Kim Sơn, trốn nhà, tha hương, lê gót phong trần, lấy chồng Tàu, rồi lấy quan Tây, và sau lại còn kết hôn với một linh mục phá giới. Hành động gỡ mình ra khỏi những sợi dây ràng buộc nặng nề nhất của lễ giáo truyền thống đã biến cô Tư Hồng thực sự là một phụ nữ nổi loạn, khó cảm thông, ngay cả với nhiều người không thủ cựu.
Trong bối cảnh Việt Nam đặt dưới chế độ bảo hộ của thực dân Pháp, người phụ nữ này còn bị xem như thuộc về phía đối lập với cộng đồng, một con người vụ lợi, tính toán khi mở công ty, trúng thầu san phá thành Hà Nội - một biểu tượng cho sự tổn thương của đất nước khi ấy.
Ở một góc nhìn khác, Cô Tư Hồng thực ra mang tính hiện đại nhiều hơn một câu chuyện về kiếp hồng nhan. Nhà văn Đào Trinh Nhất khắc họa cô Tư Hồng như một người phụ nữ luôn cố gắng chủ động trong cuộc đời thăng trầm, đầy những truân chuyên không đoán trước được.
Người phụ nữ ấy luôn phải tự thân xoay xở, chèo chống, tìm cách thích nghi với hoàn cảnh, với tình thế của mình. Bởi lẽ đó, sự thực dụng của bà trong việc mua danh cho cha hay trong việc cạnh tranh buôn bán.
Thậm chí, ở đây, ta có thể nhìn thấy hình mẫu của người phụ nữ độc lập, người tự tạo ra những cách ứng xử khác, chưa có tiền lệ. Câu chuyện cô cưới vợ khác cho người chồng gốc Hoa của mình có thể xem là một cách ứng xử có nghĩa có tình, cho dù ở thời của cô, đó có thể là đề tài đàm tiếu dị nghị chốn Hà thành.
Hay việc tìm mọi cách làm thất bại mưu đồ của ông chồng từng làm cha xứ muốn chiếm đoạt gia sản trong lúc bà đang mắc bệnh hiểm nghèo cho thấy hình ảnh của một người phụ nữ lý trí, sắc sảo, biết bảo vệ mình và kiên quyết không để người khác lợi dụng.
Đó là một mẫu hình phụ nữ thường ít được đề cao trong văn học Việt Nam, nơi ta sẽ bắt gặp nhiều hơn những người đàn bà nhẫn nhục, chịu đựng và xem đó như là những phẩm chất của nữ tính. Đây có thể là lý do mà sau 20 năm ngày Cô Tư Hồng mất và sau hơn 80 năm (tác phẩm xuất bản lần đầu tiên), độc giả lại đón nhận Cô Tư Hồng đến như vậy.