Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Xu hướng viết tiểu thuyết lấy chất liệu từ lịch sử

Ngày càng nhiều tác giả dấn thân khai thác chất liệu lịch sử. Nhiều tiểu thuyết lịch sử, tiểu thuyết dã sử đã dành được sự quan tâm lớn từ độc giả, được tái bản nhiều lần.

lich su Viet Nam anh 1

Tranh vẽ phụ nữ trong trang phục hoàng tộc của họa sĩ Bùi Hữu Hùng. Ảnh: GreenPalm.

Thời gian gần đây, số lượng tiểu thuyết lịch sử, dã sử xuất bản ở Việt Nam nhiều. Trong đó, có những tác phẩm gây được tiếng vang, được độc giả và giới phê bình đánh giá cao.

Trao đổi với Zing, PGS.TS Phạm Xuân Thạch, Trưởng khoa Văn học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết: "Số lượng người viết tiểu thuyết lịch sử không phải là ít, thuộc nhiều thế hệ nhà văn khác nhau, nền tảng học vấn khác nhau. Cách các tác giả sáng tác từ chất liệu lịch sử cũng rất đa dạng như viết tiểu thuyết dã sử, kết hợp lịch sử với trinh thám...".

Theo bà Khúc Thị Hoa Phượng, Giám đốc - Tổng biên tập Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam, tiểu thuyết lấy chất liệu lịch sử là một loại sách tiềm năng, có sức hút lớn.

Tiểu thuyết thành công khi lấy chất liệu lịch sử

Chia sẻ với Zing, bà Khúc Thị Hoa Phượng cho biết năm 2022, nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam đã đẩy mạnh tủ sách tiểu thuyết về lịch sử. “Chúng tôi tìm đến những tác giả có uy tín để hợp tác làm việc. Cụ thể, năm vừa rồi, chúng tôi ra mắt bộ tiểu thuyết lịch sử Công chúa Đồng Xuân của nhà văn Trần Thùy Mai. Bộ tiểu thuyết rất được độc giả đón nhận. Chúng tôi phát hành chưa đến một tháng thì đã chuẩn bị in nối bản".

Bộ sách Công chúa Đồng Xuân in lần đầu 1.500 bản, được độc giả tìm mua nhiệt tình, khiến đơn vị này đã ngay lập tức phải in nối thêm 2.000 bản. Bà Hoa Phượng kỳ vọng bộ tiểu thuyết của nhà văn Trần Thùy Mai sẽ trở thành một tác phẩm có sức sống lâu bền, để thế hệ độc giả sau này vẫn quan tâm, tìm đến chất liệu lịch sử gốc được bà khai thác.

PGS.TS Phạm Xuân Thạch nhận xét rằng cả 2 bộ tiểu thuyết lịch sử của nhà văn Trần Thùy Mai là Từ Dụ Thái hậuCông chúa Đồng Xuân đều cho thấy hình thái suy niệm sâu sắc về lịch sử của chính tác giả

Nhiều tác phẩm tiểu thuyết lịch sử khác cũng chứng minh được sức hút của mình khi được tái bản nhiều lần. Được biết, bộ tiểu thuyết 6 tập Bão táp triều Trần của nhà văn Hoàng Quốc Hải đã được tái bản đến 14 lần. Bộ ba tác phẩm của Nguyễn Xuân Khánh - Đội gạo lên chùa, Hồ Quý Ly, Mẫu thượng ngàn - cũng được tái bản 12-13 lần.

Sức bán của các tác phẩm lấy chất liệu từ lịch sử đã cho thấy tình yêu của độc giả dành cho dòng sách này. Bà Hoa Phượng cho biết mỗi khi đơn vị bà tổ chức giao lưu xoay quanh tiểu thuyết lịch sử, nhiều độc giả từ đa dạng độ tuổi đã hưởng ứng tích cực.

Bà nói thêm: "Kể cả tầng lớp nhà văn, nhà sử học, nhà nghiên cứu, phê bình trong nước cũng ủng hộ rất nhiệt tình".

Không dừng ở thể loại tiểu thuyết lịch mà với để tài về lịch sử, đơn vị này cũng triển khai ra cả tiểu thuyết dã sử như hai tiểu thuyết về nữ vương Lý Chiêu Hoàng và nữ tướng Bùi Thị Xuân mới ra mắt đầu năm nay.

Giám đốc - Tổng biên tập Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam chia sẻ bí quyết thành công ở mảng tiểu thuyết này chính là độ cẩn trọng trong khâu lựa chọn tác giả. “Trước đó, nhà xuất bản đã có 2 tác giả đoạt giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật năm 2017 là nhà văn Nguyễn Xuân Khánh và nhà văn Hoàng Quốc Hải. Nhiều nhà văn khác đã hợp tác với nhà xuất bản ở mảng tiểu thuyết lịch sử cũng thành danh".

Đồng thời với đó, đội ngũ nhà xuất bản đẩy mạnh các kênh truyền thông, từ báo chí chính thống cho đến mạng xã hội, thông qua những người có tầm ảnh hưởng, những tác giả, những nhà nghiên cứu có tiếng; các hình thức giao lưu (cả trực tiếp lẫn trực tuyến), bàn luận về tác phẩm.

Bà Khúc Thị Hoa Phượng khẳng định: "Chúng tôi tạo cơ hội cho độc giả tiếp cận nhiều hơn với tiểu thuyết lịch sử Việt Nam, qua đó, họ hiểu và yêu hơn lịch sử nước mình. Tôi thấy đây là một hướng đi rất đúng và tới đây, chúng tôi sẽ đầu tư hơn nữa".

lich su Viet Nam anh 2

Bộ tiểu thuyết lịch sử Công chúa Đồng Xuân của Trần Thùy Mai. Ảnh: NXB Phụ nữ Việt Nam.

Thúc đẩy sức sáng tạo của các cây viết trẻ

Bên cạnh việc chọn lọc các cây viết chắc tay, giàu kinh nghiệm, các đơn vị xuất bản cũng không quên tìm kiếm các cây viết trẻ. Thực tế cho thấy nhiều cây viết trẻ cũng tỏ ra quan tâm đến đề tài lịch sử, chăm khai thác, tìm tòi trong bề dày đời sống dân tộc.

Đơn cử, Nắng Thổ Tang của nhà văn Đinh Phương viết về những con người bên lề lịch sử, trong đó có những điểm nhìn đặc biệt như người đao phủ. PGS.TS Phạm Xuân Thạch cho rằng tiểu thuyết lịch sử của nhà văn này có tính thể nghiệm cao.

Bộ trường thiên tiểu thuyết về nhà Nguyễn của tác giả Trường An - một tác giả thuộc thế hệ 8X - đã gây được tiếng vang khi ra mắt. Nhà văn này được PGS.TS Phạm Xuân Thạch đánh giá là có tinh thần tìm tòi, có tham vọng tạo nên một tác phẩm độc đáo, mang tính đột phá, khác biệt với các tiểu thuyết cùng thể loại.

Bà Khúc Thị Hoa Phượng nói: "Tôi đánh giá cao cách Trường An sưu tầm tư liệu, giải thích và phản biện tư liệu. Những yếu tố ấy khiến cho sách của tác giả này gợi được suy ngẫm từ độc giả".

Trong tâm thế khuyến khích các cây viết trẻ sáng tác tiểu thuyết lấy chất liệu từ lịch sử, đội ngũ Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam cảm thấy người trẻ yêu sử và viết sử, nhưng viết có chiều sâu và say mê bền bỉ thì không dễ có. Dù vậy, đơn vị này đã phát hiện ra một số tác giả 9X tiềm năng.

Bà Khúc Thị Hoa Phương hào hứng chia sẻ: "Dù chưa đi thẳng vào thể loại tiểu thuyết lịch sử, nhưng họ đã thử nghiệm viết tiểu thuyết dã sử, mượn một sự kiện, dựng nên cả một câu chuyện hấp dẫn. Các cây bút này tiếp cận lịch sử ở một góc rất nhỏ thôi nhưng cũng đã khơi gợi được trong người đọc khao khát tìm hiểu sâu hơn về lịch sử Việt Nam".

Bà nhận ra xu hướng giới trẻ ngày nay khi tiếp cận lịch sử, tìm chất liệu sáng tác, họ viết và phóng tác nhiều, tưởng tượng nhiều, thậm chí suy đoán, phản biện lại. Khi cây viết mạnh dạn sáng tạo, làm lịch sử trở nên sống động, lớp độc giả trẻ cũng tỏ ra hào hứng hơn.

Đại diện Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam khẳng định sẽ đầu tư để các tác phẩm có cơ hội tiếp cận rộng rãi độc giả thông qua các buổi tọa đàm, giao lưu, triển lãm chuyên về về tiểu thuyết lịch sử...

Tiểu thuyết lịch sử đang có một đời sống sáng tác đa dạng

Lịch sử là một chủ đề thách thức và thôi thúc sự sáng tạo cho những cây bút trẻ. Dẫu vậy, thời gian gần đây vẫn rất nhiều tiểu thuyết lịch sử ghi được dấu ấn.

Những vụ án rúng động lịch sử qua góc nhìn của các nhà văn

“Thảm kịch vĩ nhân”, “Công chúa Đồng Xuân”, “Thiên thu huyết lệ” là những tiểu thuyết lịch sử có tính chất chiêu tuyết (rửa sạch oan ức) cho những án oan ngút trời trong lịch sử.

Minh Hùng

Bạn có thể quan tâm