Hai cuốn tiểu thuyết lấy bối cảnh lịch sử. |
Dựa trên tư liệu lịch sử có thật để phóng tác thành những câu chuyện cuốn hút, hai tiểu thuyết dã sử về nữ vương Lý Chiêu Hoàng và nữ tướng Bùi Thị Xuân đã ra mắt bạn đọc trong mùa xuân này.
Hấp dẫn và lãng mạn là cuốn tiểu thuyết dã sử mang tên Nguyệt thư ảnh kiếm của tác giả Bình Chi với nhân vật chính là Lý Chiêu Hoàng. Do không có con trai nối dõi, vua Lý Huệ Tông đã quyết định lập con gái thứ là Lý Phật Kim làm thái tử, sau khi lên ngôi lấy hiệu là Lý Chiêu Hoàng, trở thành vị nữ vương độc nhất của triều Lý.
Thấy vua nữ còn nhỏ, nhà Lý suy yếu, thái sư Trần Thủ Độ với thế lực mạnh và tham vọng cao đã bố trí cháu mình là Trần Cảnh gần gũi hầu hạ tiểu nữ vương, từ đó ép nữ vương truyền ngôi cho nhà Trần. Đôi trẻ yêu nhau trong bối cảnh éo le, lúc tan lúc hợp, với nhiều hiểu lầm, mất mát tổn thương, nhưng khi đứng trước mối họa xâm lăng từ quân Mông Nguyên, Trần Cảnh và Lý Chiêu Hoàng đã quyết gạt tình thù, đặt quốc gia lên trên hết.
Nguyệt thư ảnh kiếm pháp vốn là uyên ương kiếm gia truyền của tộc Trần, đã trở thành vũ khí tiên phong cùng hào khí Đông A đánh tan quân giặc, hóa giải thù riêng giữa hai dòng tộc hùng mạnh trong lịch sử phong kiến Việt Nam.
Tây Sơn phụng thần ký của tác giả Thành Châu khắc họa sinh động cuộc đời của nữ tướng Bùi Thị Xuân từ khi còn nhỏ tới khi là nữ tướng mà chỉ nghe đến thôi đã khiến giặc trong ngoài đều kinh hồn bạt vía. Dựng lên câu chuyện về Phụng thần, khởi đầu là bài sấm truyền nửa thực nửa hư, như để ngụy biện cho chúa Nguyễn đã chẳng còn quyền lực thực sự, cuộc đời người con gái mang thân phận Phụng thần là Bùi Thị Xuân dần hé lộ.
Mang nỗi thù gia quyến bị tàn sát, căm phẫn trước cảnh mạng người rẻ rúng trong thời thế hỗn loạn, Bùi Thị Xuân buộc phải kiên cường mà rèn võ, xông pha giết giặc, điều khiển quân ngũ, mưu trí anh dũng trên sa trường, từng bước tiến gần tới bí mật u tối mà ẩn khuất của triều đình đã tàn bại của Đàng Trong, từng bước trở thành nữ tướng uy dũng của triều Tây Sơn.
Xen kẽ câu chuyện về Bùi Thị Xuân là cuộc đời của Nguyễn Phúc Dương, ngặt vì mang thân phận con cháu đế vương mà bị cuốn vào vòng xoáy quyền lực đến mất đi tâm tính, của ba anh em Tây Sơn với tầm nhìn khác nhau về nền thái bình dân tộc. Giữa cảnh hỗn mang tro tàn, tương lai “thái thịnh dân an” phải đổi bằng huyết tẩy sơn hà, Bùi Thị Xuân khi thì xuống đao vô tình với ngàn giặc hùm, cũng có khi trĩu nặng nỗi đau, ám ảnh mãi những giao tình chẳng thể cứu vãn, đành mặc thế thời nhào nặn, vận mệnh binh đao cứa thêm những vết thương lòng.
Hai cuốn tiểu thuyết dã sử nói trên do Nhà xuất bản Phụ nữ ấn hành.