Sách Tây Sơn phụng thần khí. Ảnh: M.U. |
Nhà Tây Sơn, bên cạnh Tây Sơn thất hổ tướng (gồm Võ Văn Dũng, Trần Quang Diệu, Võ Đình Tú, Nguyễn Văn Tuyết, Lý Văn Bưu, Lê Văn Hưng, Nguyễn Văn Lộc) còn có Tây Sơn ngũ phụng thư, năm vị nữ tướng tài danh (gồm Bùi Thị Xuân, Bùi Thị Nhạn, Trần Thị Lan, Huỳnh Thị Cúc, Nguyễn Thị Dung).
Trong đó cuộc đời nữ tướng Bùi Thị Xuân để lại nhiều nghi vấn, ẩn tích, huyền thoại nhất cho hậu thế. Ngay từ việc bà cùng con có phải chết vì lăng trì voi xé hay không đến nay vẫn còn nhiều tranh cãi. Người tin vào huyền sử, tin vào bước chân hiên ngang của vị dũng tướng trên pháp trường thì bảo rằng có. Bà đã đến trước mặt con voi làm nó kinh sợ khụy xuống trước ánh mắt người chủ cũ. Người lý tính, tin vào phân tích logic bảo không vì lăng trì buộc hai tay, hai chân, đầu vào năm con voi; năm con đi năm hướng thì làm sao có thể tự do đi lại.
Nhưng tin hay không tin thì cuộc đời của vị nữ tướng cũng là đề tài dệt nên tấm áo sáng tạo của người viết trẻ. Và Tây Sơn Phụng thần ký (Nhà xuất bản Phụ Nữ Việt Nam) của tác giả trẻ Thành Châu vừa ra đời là một cuốn sách như thế: thổi sức sống vào nhân vật lịch sử dựa vào dã sử trên nền của chính sử.
Từ một cuộc đời có thật trong lịch sử…
Đô đốc Bùi Thị Xuân từ nhỏ thích tập tành võ nghệ bất chấp định kiến trọng nam khinh nữ. Năm 20 tuổi bà cứu được tráng sĩ Trần Quang Diệu. Rồi hai người cùng về dưới ngọn cờ Tây Sơn ở chiến khu Phú Lạc.
Dưới trướng nhà Tây Sơn bà đã lập nhiều chiến công như chiến thắng trước quân nhà Nguyễn ở Phú Yên năm 1775. Năm 1785 lập đại công, góp phần vào chiến thắng quân Xiêm La ở trận Rạch Gầm Xoài Mút. Chính bà đã chém bay đầu tướng Xiêm là Lục Côn. Từ năm 1786 đến 1792 bà cùng chồng là Thiếu phó Trần Quang Diệu đã nhiều lần vào Nam ra Bắc tiêu diệt các thế lực cát cứ Lê, Trịnh, Nguyễn, xóa bỏ ranh giới sông Gianh chia cắt đất nước trên 200 năm.
Đặc biệt, trong chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789) đội tượng binh của bà là nỗi khiếp sợ của giặc phương Bắc. Năm 1792 vua Quang Trung mất đột ngột, con trai là Cảnh Thịnh còn nhỏ nối ngôi. Triều Tây Sơn từ đây rơi vào lục đục, phân tranh. Năm 1802 trong trận Lũy Trấn Ninh (Quảng Bình) bà bị bắt giải về Phú Xuân xử tử.
Điểm đặc biệt nhất của “nhân vật” Đô đốc Bùi Thị Xuân trong Tây Sơn Phụng thần ký là những trăn trở về việc kết thúc chiến tranh trên dải đất Việt. Ảnh: Mộc Uyển. |
Đến cuộc đời của nhân vật tiểu thuyết dã sử…
Cuộc đời đô đốc Bùi Thị Xuân nhìn theo dòng chính sử có thể chưa đầy trang giấy. Nhưng đó cũng còn là may mắn, nhìn lại lịch sử Việt Nam mấy nghìn năm qua có nhiều người vô danh (mà đa số vô danh), số ít người được nhắc đến đôi dòng ngắn ngủi như Trần Quốc Toản…
Nhưng đôi dòng ít ỏi đó cộng thêm trí tưởng tượng, sự nghiền ngẫm mà nhà văn Nguyễn Huy Tưởng để lại cho độc giả thiếu nhi nhiều thế hệ tác phẩm Lá cờ thêu sáu chữ vàng. Gần đây, nhà văn Lưu Sơn Minh cũng dựa trên hình ảnh người anh hùng yêu nước trẻ tuổi mà có cho mình tác phẩm Trần Quốc Toản được dư luận chú ý, đánh giá cao.
Trong Tây Sơn Phụng thần ký, dựa trên khung có sẵn, cộng thêm huyền tích dã sử tác giả trẻ Thành Châu đã cho người đọc thấy nhân vật lịch sử, cụ thể Đô đốc Bùi Thị Xuân không chỉ có những dòng chữ khô khan được lưu truyền lại cách nay mấy trăm năm.
Bà cũng là con người bình thường, có tuổi thơ trèo ổi trèo me, cũng thích đi du ngoạn khám phá những điều mới lạ ngoài khoảng làng nhỏ bé. Cũng đau xót trước nỗi đau của những con người nông dân dưới đáy xã hội bị bao tầng áp bức đè nén, bóc lột. Cũng có sự nông nổi của tuổi trẻ muốn thể hiện mình mà không được.
Và bà cũng khổ tâm trước những người bạn cùng vào sinh ra tử mà vì hoàn cảnh đất nước chiến tranh liên miên chẳng có nổi cho mình một mái ấm trọn vẹn như vệ sĩ Cú Cười.
Ở đây Cú có một gia đình nhưng hai lần vợ mang thai đều sẩy, cuối cùng vợ gieo người từ vách đá xuống tự vẫn. Cú vẫn khao khát có một đứa con. Cú tìm về nghĩa quân, tìm về ngôi nhà với những người bạn của mình, để rồi chết trong trận phục kích của quân Xiêm La khi cố cứu một đứa trẻ bị bắt trên thuyền.
Điểm đặc biệt nhất của “nhân vật” Đô đốc Bùi Thị Xuân trong Tây Sơn Phụng thần ký là những trăn trở về việc kết thúc chiến tranh trên dải đất Việt. Trong mâu thuẫn giữa mấy anh em nhà Tây Sơn, bà chọn theo Nguyễn Huệ chứ không theo Nguyễn Nhạc bởi Huệ có khát vọng thống nhất đất nước, nhân dân quy về một mối.
Bởi bà hiểu chỉ khi đất nước đặt dưới một triều đình, một vị vua, không còn cát cứ thôn tính thì nhân dân mới đầy đủ no ấm. Từ đó mới có thể chiến thắng được các thế lực ngoại bang dòm ngó thôn tính nước Việt.
Có thể thấy, trong dòng chảy văn học trẻ những năm trở lại đây, các cây bút quay trở lại với lịch sử đã không còn là điều hiếm gặp. Ta có thể điểm ra một số cái tên như Nguyễn Hữu Nam, Phạm Thúy Quỳnh, Hà Thủy Nguyên, Thành Châu, Hoàng Yến, Đặng Hằng, Văn Võ, Đồng Lạc, Bình Chi…
Các tác giả dựa trên nhân vật, sự kiện lịch sử có thật hư cấu nên câu chuyện của mình. Điểm mạnh của tác giả trẻ là trí tưởng tượng phong phú, ngôn ngữ linh hoạt. Nhưng điểm yếu là lời thoại của nhân vật nhiều khi hiện đại, không phù hợp với không khí sử.
Các chi tiết về trang phục, vũ khí, món ăn, nhà cửa, tàu thuyền… miêu tả chung chung, thiếu đặc tả để toát lên nét riêng của từng thời kì. Nếu khắc phục được những điểm yếu kể trên tôi tin chúng ta sẽ có một dòng văn học dã sử đậm nét hơn.
Và từ truyện đến phim là điều không xa.