Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Số phận, bản lĩnh của một công chúa triều Nguyễn

Sau bộ tiểu thuyết về thái hậu Từ Dụ, nhà văn Trần Thùy Mai tiếp tục đưa độc giả khám phá một giai đoạn khác về nhà Nguyễn, liên quan đến vụ án của công chúa Đồng Xuân.

Cong chua Dong Xuan anh 1

Tranh vẽ một cô gái hoàng gia của họa sĩ Bùi Hữu Hùng. Ảnh: GreenPalm.

Chiều ngày 28/1, trong khuôn khổ Phố sách Xuân Quý Mão 2023, đã diễn ra buổi tọa đàm “Đóa hải đường nơi cung cấm”, giới thiệu bộ tiểu thuyết Công chúa Đồng Xuân của nhà văn Trần Thùy Mai.

Buổi tọa đàm có sự góp mặt của tác giả Trần Thùy Mai, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, nhà văn Uông Triều, nhà văn Hà Thủy Nguyên cùng nhiều nhà nghiên cứu lịch sử nổi tiếng như: GS Lê Văn Lan, nhà sử học Dương Trung Quốc.

Nữ nhà văn miệt mài với lịch sử

Bà Khúc Thị Hoa Phượng - Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam - cho biết nhà xuất bản có truyền thống làm sách tiểu thuyết lịch sử với những tác phẩm ghi dấu ấn trong lòng bạn đọc. Nối tiếp các nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, Hoàng Quốc Hải, là sách của Trần Thùy Mai.

Bộ tiểu thuyết Công chúa Đồng Xuân dựng lại một thời kỳ đầy biến động với nhiều nhân vật lịch sử quan trọng của triều Nguyễn. Công chúa Gia Phúc (Đồng Xuân Công chúa) gắn liền với vụ "hòa gian" tai tiếng của bà với chính người anh ruột cùng cha khác mẹ của mình. Đây là một trong những nghi án đình đám triều Nguyễn mà nhiều người cho rằng có nhiều điểm ẩn khuất.

Cong chua Dong Xuan anh 2

Bộ tiểu thuyết Công chúa Đồng Xuân. Ảnh: Y Nguyên.

Trần Thùy Mai cho biết bà có ý định viết Công chúa Đồng Xuân từ khi còn giảng dạy môn Văn học dân gian ở Đại học Sư phạm Huế. Nhiều bài vè ở Thừa Thiên Huế lưu lại câu chuyện, nhân vật lịch sử của triều Nguyễn, trong đó có những bài vè, câu ca liên quan đến Tôn Thất Thuyết, Từ Dụ thái hậu.

Sau khi viết Từ Dụ thái hậu, bà viết tiếp Công chúa Đồng Xuân. Qua câu chuyện cuộc đời một công chúa, người đọc còn thấy biến thiên của lịch sử. Nếu nhân vật Từ Dụ thái hậu gắn liền với thời thịnh của nhà Nguyễn, thì nhân vật công chúa Đồng Xuân sinh ra và lớn lên trong giai đoạn đầy biến động của triều đại này.

Nhà văn Trần Thùy Mai cho biết khi viết hai bộ tiểu thuyết này việc dựng lại không khí của một thời đại không đơn giản. Những chi tiết như khung cảnh cung cấm, cách ăn nói, xưng hô của các nhân vật đều phải nghiên cứu một cách tỉ mỉ.

Triều Nguyễn có hai vụ án rúng động, để lại nhiều nghi vấn cho đời sau. Thứ nhất là vụ Mỹ Đường (cháu vua Gia Long), ông bị vu là loạn luân với mẹ ruột. Đến thời Tự Đức lại nổi lên vụ “hòa gian” của công chúa Đồng Xuân (bị mang tiếng loạn luân với Gia Hưng, người anh cùng cha khác mẹ).

Trần Thùy Mai chọn viết về công chúa Đồng Xuân bởi vụ án này kết thúc xung đột giữa hai phái chủ hòa - chủ chiến của triều Nguyễn. Đồng Xuân là nhân vật vô tình bị sa vào câu chuyện phân tranh quyền lực.

Khoảng trống của lịch sử chính là không gian sáng tạo của nhà văn

GS Sử học Lê Văn Lan: Lịch sử ở đây là triều Nguyễn, cung đình nhà Nguyễn, hoàng tộc, hoàng gia nhà Nguyễn và những nhân vật quanh đó, những sự kiện quanh đó. Thi pháp, bút pháp của Trần Thùy Mai, không cần phải xem đúng hay sai, đúng bao nhiêu, sai bao nhiêu, Nguyễn Văn Tường rồi các nhân vật khác nữa... Mà vấn đề ở đây là một cơ thể có vui, buồn, khỏe, yếu, hỉ nộ ái ố, một nhân vật của lịch sử được hiện hình nhờ bút pháp Trần Thùy Mai.

Cong chua Dong Xuan anh 3

Nhà văn Trần Thùy Mai trong buổi tọa đàm "Đóa hải đường nơi cung cấm". Ảnh: NXB Phụ nữ Việt Nam.

Là người hay được nhờ đọc, viết lời giới thiệu các cuốn sách lịch sử, ông thấy phần lớn các tác phẩm văn học lấy đề tài lịch sử, tiểu thuyết lịch sử đều khai thác lịch sử đã được “giấy hóa”, tức là tìm rất kỹ tờ A, tờ B, đọc từng trang từng dòng, lấy tư liệu, lồng vào đó chủ kiến, lập trường của mình, cảm xúc của mình để ra tiểu thuyết lịch sử, ký sự lịch sử, kể chuyện lịch sử...

Trong bối cảnh đó, Trần Thùy Mai đi con đường khác. GS Lê Văn Lan ví công việc của Trần Thùy mai như đặt một stent vào "cơ thể" lịch sử. "Chị luồn sợi chỉ của mình dệt thêu thành tác phẩm, để lịch sử sống động với hình hài của nó; hình hài ấy hồng hào hay xám, góc khuất hay tường minh là do người đọc cảm nhận", GS Lê Văn Lan nói.

Theo giáo sư sử học, Trần Thùy Mai là một tiểu thuyết gia khéo léo, nhuần nhị, tự nhiên, công phu, bà đưa đến một sự kiện lịch sử sống động, để mọi người cảm nhận nó.

Nhà văn Hà Thủy Nguyên cho rằng Công chúa Đồng Xuân là sự kéo dài của Từ Dụ thái hậu. Công chúa Đồng Xuân không theo chuẩn mực người phụ nữ phong kiến. Dù bị vướng nghi án loạn luân, nhân vật công chúa Đồng Xuân vẫn thể hiện được bản lĩnh của một người phụ nữ mạnh mẽ, dám đương đầu để bảo vệ điều mình tin tưởng...

Trong bối cảnh loạn lạc, xã hội tràn ngập tranh đấu, ở đâu cũng thấy những người cuồng loạn, nhiễu tâm. Là một người phụ nữ giữ được sự can đảm như Đồng Xuân công chúa không phải dễ dàng.

Điều đó khiến không khí câu chuyện không còn bi tráng mà bi thương, đôi chút rùng rợn. Mượn câu chuyện lịch sử, diễn tả nội tâm, ước vọng với giai đoạn ta đang sống. Một nhà văn thời bình luôn giữ sự nghiêm cẩn, đoan trang như Trần Thùy Mai, bà mơ hồ lo lắng với hai câu ‘Thiên địa phong trần / Hồng nhan đa truân’”.

Nhà văn Uông Triều cho rằng gần đây, sự nhìn nhận của công chúng về các nhân vật triều Nguyễn đã khác biệt và thấu đáo hơn. Trần Thùy Mai đi vào đề tài nhìn nhận nhân vật triều Nguyễn bình tĩnh hơn. Qua những tiểu thuyết của bà, ta nhìn nhận vấn đề nhiều chiều, đa dạng hơn. Văn học có tác động đến công chúng một cách gần gũi, mạnh mẽ.

Các nhân vật nhà Nguyễn ta có thể tìm trong các tư liệu, sách sử, Google. Nhưng đó là công việc của người nghiên cứu. Còn với công chúng, cần những hình thức dễ tiếp cận hơn. Trần Thùy Mai vượt qua những định kiến về các nhân vật lịch sử, bà nhìn nhận họ với sự khách quan, giúp công chúng hiểu hơn các nhân vật lịch sử.

Khi được hỏi: “Viết về các nhân vật lịch sử, bà có sợ đụng chạm tới lịch sử không?”, nhà văn Trần Thùy Mai chia sẻ khi viết, bà biết mình đem vào trong tác phẩm một số điều không giống với suy nghĩ, tư tưởng của nhiều người về nhân vật triều Nguyễn và sự kiện thất thủ kinh đô. Nhưng bà khẳng định: "Viết Công chúa Đồng Xuân, tôi đã làm việc kỹ lưỡng với tư liệu".

"Những gì thuộc về lịch sử, tôi đã tham khảo tư liệu rất nhiều. Còn tiểu thuyết ắt phải có yếu tố hư cấu, hư cấu cũng dựa trên lịch sử. Tôi quan niệm cái gì lịch sử đã ghi thì viết như lịch sử. Còn những gì lịch sử không ghi, trong khoảng trống đó nhà văn có thể hư cấu được", Trần Thùy Mai chia sẻ.

Nhà văn Hoàng Quốc Hải đánh giá: “Trần Thùy Mai viết một bộ tiểu thuyết lịch sử đúng nghĩa mà không phụ thuộc vào lịch sử, đúng thiên chức của nhà văn. Ở tác phẩm này, Trần Thùy Mai mang đến cho người đọc đương thời rất nhiều thông điệp”.

Ra mắt tiểu thuyết lịch sử về Trần Quốc Tuấn và Trần Nguyên Hãn

Hai cuốn sách của tác giả Trần Thanh Cảnh sẽ vén mở một phần lịch sử về hai vị tướng hào kiệt thời Trần.

Tiểu thuyết về hoàng hậu bất hạnh trong lịch sử

"Thượng Dương" là cuốn tiểu thuyết dã sử, đề cập bức màn che bí ẩn cuộc đời của Dương hoàng hậu dưới triều đại Lý.

Thụy Oanh

Bạn có thể quan tâm