Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lật lại vụ án tai tiếng của một công chúa triều Nguyễn

Một trong những vụ án tai tiếng bậc nhất triều Nguyễn - vụ xử tội "hòa gian" của Công chúa Đồng Xuân - được nhà văn Trần Thùy Mai tái hiện trong bộ tiểu thuyết mới.

an oan trieu Nguyen anh 1

Nhà văn Trần Thùy Mai. Ảnh: Phan Thành.

Nổi tiếng với nhiều truyện ngắn, từng gây xôn xao với bộ tiểu thuyết lịch sử Từ Dụ Thái hậu, nhà văn Trần Thùy Mai ra mắt bộ tiểu thuyết lịch sử mới, kể câu chuyện án oan của một nàng công chúa thời Nguyễn. Tác phẩm tái hiện khoảng 40 năm đầy biến động trải từ năm 1859 đến năm 1900, kể chuyện nàng Công chúa Gia Phúc, con gái của vua Thiệu Trị.

Cái tên của Công chúa Gia Phúc (Đồng Xuân Công chúa) gắn liền với vụ "hòa gian" tai tiếng của bà với chính người anh ruột cùng cha khác mẹ của mình. Đây là một trong những nghi án đình đám nhất triều Nguyễn mà nhiều người cho rằng có nhiều điểm khuất tất.

Trao đổi với Zing, nhà văn Trần Thùy Mai cho biết bà viết bộ tiểu thuyết Công chúa Đồng Xuân dựa trên một vụ án có thật, một vụ án mà theo bà là oan uổng, cho thấy số phận của phụ nữ sống trong chế độ xưa.

Viết lại vụ án dưới góc nhìn của con người ngày nay

- Điều gì khiến bà lưu tâm tới vụ án của Công chúa Đồng Xuân?

- Trước hết, là phụ nữ, tôi có sự thương cảm với một số phận không may, và theo tôi là oan uổng.

Đồng Xuân công chúa là con út vua Thiệu Trị, và là con dâu danh tướng Nguyễn Tri Phương. Chồng bà là phò mã Lâm hy sinh vì nước khi chưa đầy 30 tuổi. Cuộc đời của nàng công chúa này gắn chặt với những sự kiện đau thương của đất nước, với những xung đột chết người trong triều đình Nguyễn lúc bấy giờ. Đó cũng là bi kịch của người đàn bà trong chiến tranh, sống trong sự thiếu đói tình yêu, và cuối cùng là nạn nhân của nền tư pháp tàn nhẫn thời phong kiến.

Khi đọc về bà, tôi thấy trong lòng thương xót và bất giác muốn viết lại vụ án dưới góc nhìn của con người ngày nay…

- Từ "Từ Dụ Thái hậu" đến "Công chúa Đồng Xuân", dường như các bộ tiểu thuyết lịch sử của bà đều có mẫu số chung là số phận những người phụ nữ?

Cả hai đều phải chịu những bi kịch riêng, một người phải trả giá cho sự vinh quang, một người phải trả giá cho khát vọng sống của mình.

Trần Thuỳ Mai

- Ấy là những gánh nặng đè lên thân phận họ. Thái hậu Từ Dụ là người đàn bà được tôn vinh nhất trong lịch sử triều Nguyễn, còn Công chúa Đồng Xuân có thể nói là người đàn bà có số phận tủi nhục nhất.

Nhưng cả hai đều phải chịu những bi kịch riêng, một người phải trả giá cho sự vinh quang, một người phải trả giá cho khát vọng sống của mình.

- Lật lại vụ án, bà phải tìm hiểu tư liệu ra sao để dựng lại không khí văn hóa, lịch sử triều Nguyễn?

- Việc Đồng Xuân bỗng có thai sau 10 năm ở góa, đó là chuyện có thật. Với luật lệ đương thời, làm gì có những quan niệm rộng mở về việc “làm mẹ đơn thân” như bây giờ, nên việc đó đã đủ cấu thành một tội rất lớn, thời ấy gọi là tội “hòa gian”.

Tội “hòa gian” đó tuy nặng, nhưng phải được nhân lên thành “loạn luân” thì mới đủ là một tội có thể làm cho người liên quan phải tan nát cả gia tộc. Nhiều sử liệu đời sau ghi rằng người dan díu với Đồng Xuân chính là anh trai, Gia Hưng quận công Hồng Hưu.

Theo tôi đó là sự ghi chép vội vàng chưa cẩn thận. Vì nếu đọc kỹ càng hai sử liệu gốc của triều Nguyễn là Đại Nam Thực Lục và Đại Nam Liệt Truyện, thì sẽ thấy sử gia triều Nguyễn chưa bao giờ đặt bút khẳng định rằng có việc ấy. Họ chỉ viết rằng Gia Hưng quận vương, Công chúa Gia Phúc bị tội như vậy, như vậy… là do có người tố giác như vậy mà thôi.

Những chi tiết của đầu đuôi vụ án cũng không được sử gia khẳng định, mà chỉ được ghi trong tờ biểu tố cáo do Tôn Thất Thuyết dâng lên Từ Dụ Thái Hậu lúc bấy giờ. (Đại Nam Thực lục chính biên, đệ ngũ kỷ, quyển IV).

Càng đọc kỹ sử liệu gốc, tôi càng thấy người viết sử xưa rất thận trọng, chỉ ghi đúng những gì họ nghe, họ thấy, chứ không có thái độ suy diễn, gán ép, hoặc lấy chuyện đồn đại ghi vào rồi xem như sự thật.

Như ta biết, lúc ấy trong triều đình đang có xung đột căng thẳng giữa Tôn Thất Thuyết với Hồng Hưu. Một vụ án xét xử vội vàng như vậy, trong tương quan như vậy, đáng để ta đặt lại vấn đề: Sự thật ở đâu?

an oan trieu Nguyen anh 2

Bộ tiểu thuyết Đồng Xuân Công chúa. Ảnh: Minh Hùng.

"Sự thực là bộ khung, tưởng tượng là hoa lá"

- Viết tiểu thuyết lịch sử, bà gặp những khó khăn gì?

- Trong mọi công việc, tôi không có thói quen nghĩ nhiều về sự khó khăn. Hơn nữa, khi làm một việc mình đam mê, thì những khó khăn càng làm cho mình động não và hứng thú hơn.

Riêng về triều Nguyễn, những sự kiện xảy ra chưa quá xa xưa, các bộ sử ghi chép tương đối đầy đủ so với các triều trước. Bên cạnh đó, ký ức dân gian còn lưu giữ nhiều truyền thuyết, giai thoại. Những năm gần đây, nhiều tư liệu mới hơn về giai đoạn 1858-1888 đã được công bố, trong đó có cái do các nhà nghiên cứu người Pháp, người Nhật viết, có cái do các nhà nghiên cứu Việt Nam viết.

Những tư liệu mới này đã mở rộng nhiều cánh cửa, cho phép ta có một cái nhìn đa chiều hơn về những nhân vật lịch sử. Vì vậy theo tôi, lúc này viết truyện lịch sử, nhất là về triều Nguyễn, là việc nhiều thuận lợi hơn là trở ngại.

- Theo bà, điều gì làm nên thành công của một tiểu thuyết lịch sử?

- Nhà văn Judith Geary có câu: “Lịch sử mở cánh cửa sổ cho ta nhìn về quá khứ. Tiểu thuyết lịch sử nắm tay ta đi vào trong thế giới của quá khứ ấy.”

Trong sáng tác, mỗi người là một bông hoa riêng biệt có hương sắc riêng trong vườn văn. Bạn trẻ đừng lo sợ, hãy là chính mình, và cứ thử làm điều mình ấp ủ.

Trần Thùy Mai

Tìm thấy gì trong thế giới đó, lại là chuyện rất riêng của từng người đọc.

Như với tiểu thuyết này, những bạn đọc trẻ tuổi có thể cảm nhận một tình yêu dài suốt đời người, một chuyện tình mang tính định mệnh mà người trong cuộc càng tránh lại càng không thể thoát.

Những bạn quan tâm nữ quyền, có thể thấy số phận người đàn bà ở những thế kỷ trước, từ người nữ bình dân như Đoàn Châu, Cúc Tần, tới người nữ quý tộc như Đồng Xuân Công chúa.

Những bạn quan tâm văn hóa Việt thế kỷ XVIII-XIX, có thể tìm gặp những nét phong tục tập quán của người xưa, trong nhiều mặt sinh hoạt cung đình và dân gian: cuới gả, sinh nở, làm đẹp, quan niệm về tình dục, đức hạnh và tội lỗi…

Những bạn nào quan tâm về lịch sử, sẽ tìm thấy ở đây những vấn đề của lịch sử Việt trong 30 năm đầu xung đột với Thực dân Pháp. Đâu là trách nhiệm của các vua Nguyễn? Đâu là trách nhiệm của sĩ phu và cả dân tộc? Phong trào Cần Vương, Văn Thân và các nhóm Bình Tây Sát Tả đã làm gì, và thực tế xã hội thời đó ra sao?

Tiểu thuyết lịch sử là sự đan cài giữa hư cấu tưởng tượng và sự thực lịch sử. Sự thực là bộ khung, tưởng tượng là hoa lá. Bộ khung càng chắc thì hoa lá càng tươi thắm. Tôi nghĩ đó là điều kiện để một tiểu thuyết lịch sử thành công, và tôi cố gắng để theo như vậy.

- Bà nghĩ sao về trách nhiệm của nhà văn Việt trong việc đưa lịch sử đến gần hơn với thế hệ trẻ?

- Nhà văn Louis L’amour đã nói: “Tiểu thuyết lịch sử là cách dạy sử tốt nhất, vì nó đưa ra những câu chuyện về con người đằng sau những sự kiện lịch sử, và làm cho người đọc cảm thấy mong muốn được tìm hiểu thêm”. Tôi nghĩ không riêng nhà văn Việt, mà tất cả nhà văn viết truyện lịch sử trên thế giới đều cảm thấy mình có chung mong muốn như vậy.

- Bà có lời khuyên nào cho các nhà văn trẻ muốn dấn thân vào dòng tiểu thuyết lịch sử?

- Trong sáng tác, rất tối kị việc khuyên nhủ nhau, bởi mỗi người là một bông hoa riêng biệt có hương sắc riêng trong vườn văn. Giá trị của người cầm bút chính ở chỗ rất riêng ấy. Cùng là tiểu thuyết lịch sử, mỗi người viết có sự lựa chọn khác nhau về cách dàn dựng, về ngôn ngữ, thủ pháp. Vì vậy, nếu có lời khuyên cho các đồng nghiệp trẻ thì tôi chỉ có một lời: "Đừng lo sợ, hãy là chính mình, và cứ thử làm điều mình ấp ủ".

Cuộc đời đầy thăng trầm của thân mẫu vua Bảo Đại

Bà là Đoàn Huy hoàng thái hậu Hoàng Thị Cúc, thân mẫu của vua Bảo Đại, vị vua cuối cùng của vương triều Nguyễn.

Hiểu về hệ thống ấn, triện triều Nguyễn

Triều Nguyễn quy định gặp có khánh tiết ban ơn, đại xá thiên hạ, cùng là các cáo dụ, các thân huân, ban sắc, thư cho ngoại quốc… thì dùng ấn "Hoàng đế chi bảo".

Minh Hùng

Bạn có thể quan tâm