Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hiểu về hệ thống ấn, triện triều Nguyễn

Triều Nguyễn quy định gặp có khánh tiết ban ơn, đại xá thiên hạ, cùng là các cáo dụ, các thân huân, ban sắc, thư cho ngoại quốc… thì dùng ấn "Hoàng đế chi bảo".

Sách "Ấn chương trên châu bản triều Nguyễn". Ảnh: Minh Châu.

Trong những ngày gần đây, dư luận trong nước quan tâm đến việc website chính thức của hãng đấu giá MILLON (thành lập năm 1928, trụ sở chính tại Paris, Pháp), đăng tải thông tin sẽ đưa ra đấu giá 329 cổ vật, trong đó có 2 cổ vật của triều Nguyễn gồm một ấn vàng đúc năm 1823 triều Minh Mạng (1820-1841) và một bát vàng triều Khải Định (1917-1925).

Căn cứ thông tin từ hãng đấu giá MILLON, chiếc ấn vàng (lô số 101/329) chính là chiếc kim ấn Hoàng đế chi bảo, một trong số tài sản được vị hoàng đế cuối cùng của triều Nguyễn là Bảo Đại di chúc để lại cho vợ là bà Monique Baudot. Bà Monique Baudot qua đời năm 2021, các tài sản trên thuộc về những người thừa kế và được mang ra bán đấu giá.

Đôi nét về hệ thống ấn triện của triều Nguyễn

Theo sách Ấn chương trên châu bản triều Nguyễn (1802-1945), kim ấn Hoàng đế chi bảo có vị trí rất quan trọng trong hệ thống Kim Bảo Tỷ của các hoàng đế triều Nguyễn.

Sách này cho biết triều Nguyễn tạo tác và sử dụng rất nhiều loại ấn triện, đủ cả quan ấn, tư chương, khắc theo lối âm văn và dương văn.

Bộ Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ đồ sộ do Nội các của triều Nguyễn biên soạn, có quyển 83, 84 và 225 ghi khá rõ về Bảo Tỷ, ấn triện triều Nguyễn và cung cấp cho chúng ta thông tin về bộ máy quản lý hành chính, cũng như chế độ văn thư dưới triều Nguyễn, cụ thể:

Kim Bảo Tỷ là những ấn của nhà vua dùng với ý nghĩa quốc gia trọng đại. Ấn được đúc bằng vàng nên gọi là Kim Bảo Tỷ.

Ấn là ấn lớn của cơ quan từ trung ương xuống đến địa phương cấp huyện, châu và một số tướng lĩnh trong quân đội cũng được sử dụng loại ấn này.

Kiềm ấn là ấn nhỏ của cơ quan, đi liền cặp với ấn lớn của cơ quan, thường gọi là bộ ấn kiềm. Kiềm ấn còn gọi là kiềm hay dấu kiềm chỉ loại ấn rất nhỏ dùng đóng giáp trang và trên vị trí quan trọng, khác với Kiềm ký.

Chương Tín chương là ấn dùng cho chính quyền địa phương cấp doanh, trấn, đạo, huyện và một số chức vụ kiêm nhiệm tạm thời tồn tại từ trước đời Gia Long đến hết triều Minh Mệnh.

Quan phòng là ấn chức vụ của các quan chức, tướng lĩnh, thường gọi là quan phòng chức vụ. Quan phòng chức vụ bắt đầu dùng từ thời Nguyễn. Ngoài ra, dấu Quan phòng còn dùng trong một số cơ quan nhỏ.

Đồ ký là ấn dùng cho các quan dưới chức quan lớn chính ngạch thường là các quan nhỏ phụ trách phân phủ, phụ trách giáo dục ở phủ, huyện... trưởng các Ty, Sở và sĩ quan đứng đầu Vệ, Cơ, Thuyền của quân đội. Đồ ký ra đời và sử dụng ở thời Nguyễn.

Kiềm ký là ấn dùng cho chức chỉ huy ở cửa thành, cửa khẩu, cửa biển, đồn trạm... những đơn vị nhỏ có tính chất riêng biệt Tín ký hay Ký (Ký triện) là loại ấn nhỏ của Cai tổng (Chánh tổng) và Lý trưởng những người đại diện cho chính quyền địa phương ở cấp thấp nhất.

(thuộc loại dấu tên riêng) là loại ấn nhỏ dùng cho các lại thuộc ở cơ quan như Thư lại, Vị nhập lưu thư lại, những người chưa có phẩm hàm hoặc phẩm hàm thuộc hàng thấp nhất.

Hoàng đế chi bảo - biểu tượng tượng trưng cho đế quyền

Trong hệ thống Bảo Tỷ trước tiên phải kể đến Kim ngọc Bảo Tỷ của các Hoàng đế triều Nguyễn (những quả ấn được làm bằng ngọc gọi là Ngọc Tỷ, được đúc bằng vàng, bạc gọi là Kim Bảo Tỷ). Các Kim Bảo Tỷ này chủ yếu đúc đời Gia Long như Quốc gia tín bảo, Ngự tiền chi bảo, Văn lý mật sát Thủ tín thiên hạ văn vũ quyền hành.

Minh Mệnh lên ngôi, song song với công việc cải cách hành chính là việc chế tác và hoàn thiện các loại Bảo Tỷ, ấn triện, điển hình là những Kim ngọc Bảo Tỷ: Hoàng đế tôn thân chi bảo, Hoàng đế chi bảo, Sắc mệnh chi bảo, Minh Mệnh thần hàn, Hoàng đế chi tỷ, Hành tại chi tỷ.

Hoang de chi bao anh 1

Ảnh hiện vật được cho là ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" trên website của hãng đấu giá MILLON.

Năm 1839 khi đổi quốc hiệu là Đại Nam, Minh Mệnh cho khắc ấn ngọc Đại Nam thiên tử chi tỷ để sánh với nhà Đại Thanh Trung Quốc.

Đến đời Thiệu Trị và Tự Đức có làm thêm một số Bảo Tỷ nữa như Đại Nam hoàng đế chi tỷ, Đại Nam hiệp kỷ lịch chi bảo và đặc biệt là Ngọc Tỷ Đại Nam thụ thiên vĩnh mệnh truyền quốc tỷ được coi là ấn truyền quốc của nhà Nguyễn.

Sau này có hai Kim Bảo đúc vào đời Đồng Khánh là Ngự tiền chi bảoVăn lý mật sát. Hai Kim bảo này thực chất đúc từ đời Gia Long, đến đời Đồng Khánh chế tác lại do bị thất lạc.

Theo thống kê trong cuốn Kim ngọc Bảo Tỷ của Hoàng đế và Vương hậu triều Nguyễn Việt Nam, hiện nay Bảo tàng Lịch sử Việt Nam đang giữ 85 chiếc ấn của Hoàng đế và Vương hậu triều Nguyễn. Trong đó có hai Kim bảo đúc dưới triều chúa Nguyễn Phúc Chu là Đại Việt quốc Nguyễn chúa vĩnh trấn chi bảoThủ tín thiên hạ văn vũ quyền hành, còn lại là những Kim bảo đúc dưới triều các vua Nguyễn.

Khi mới lên ngôi hoàng đế, Vua Gia Long đã có sắc lệnh dùng vàng để đúc Bảo Tỷ. Sử cũ ghi: “Đức Hoàng khảo Thế tổ Cao hoàng đế ta, dụng thành quy chế, lập ra pháp luật, trăm chế độ đều mới cả, ra các sắc lệnh, đúc các loại ấn như Chế cáo chi bảo, Ngự tiền chi bảo, Mệnh đức chi bảo...”.

Đến năm Minh Mệnh thứ 9 (1828) vua ra dụ quy định việc sử dụng các ấn Kim Bảo Tỷ: “Có gặp việc tôn thân huy hiệu thì đóng ấn Hoàng đế tôn thân chi bảo, gặp có khánh tiết ban ơn, đại xá thiên hạ, cùng là các cáo dụ, các thân huân, đi tuần thú để xem xét các địa phương, mọi điển lệ long trọng ấy, và ban sắc, thư cho ngoại quốc thì dùng ấn Hoàng đế chi bảo.

Các chỉ dụ, chương sớ, sổ sách, tất cả việc thường làm, thì dùng ấn Ngự tiền chi bảo. Ban chính sóc thì dùng ấn Trị lịch minh thời chi bảo. Khen thưởng người có công lao to lớn, về thành tích chính sự xuất sắc, người nổi tiếng trung lương thì dùng ấn Mệnh đức chi bảo ....”.

Tóm lại, từ những nội dung đã trình bày trên và nhất là quy định việc sử dụng ấn năm Minh Mệnh 9, có thể khẳng định Hoàng đế chi bảo có vị trí quan trọng trong hệ thống Bảo Tỷ nói riêng, hệ thống ấn triện của triều Nguyễn nói chung. Chiếc ấn này không chỉ sử dụng vào những việc quốc gia đại sự, những dịp khánh tiết lớn... mà còn là biểu tượng tượng trưng cho đế quyền và là báu vật quý.

Sách vàng 200 tuổi ghi lại việc vua Gia Long lên ngôi

Kim sách ghi chép việc vua Gia Long lên ngôi hoàng đế hiện được trưng bày trong Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

Trưng bày 32 phiên bản Kim ấn triều Nguyễn

Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cho biết kim bảo, ngọc tỷ là những báu vật của quốc gia. Trong 143 năm tồn tại (1802-1945), triều Nguyễn đã cho làm hơn 100 chiếc ấn.

Minh Châu

Bạn có thể quan tâm