Mấp mé bên bờ vực làn sóng Covid-19 mới, Mỹ và châu Âu đang triển khai một loạt biện pháp để thuyết phục người dân còn do dự đi tiêm vaccine. Chính quyền tại hai khu vực này cũng đang cân nhắc việc tiêm nhắc lại cho các nhóm người dễ tổn thương, theo CNN.
Trong khi đó, hàng trăm triệu người trên thế giới vẫn đang chờ đợi được tiêm ngừa Covid-19 mũi thứ nhất. Triển vọng miễn dịch quy mô lớn của người dân những nơi này vẫn còn khá xa.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), những quốc gia thu nhập cao đã tiêm gần 100 liều vaccine cho mỗi 100 người. Con số này tại nhóm nước thu nhập thấp chỉ là 1,5 liều cho mỗi 100 người dân do thiếu nguồn cung.
Ngày 4/8, Giám đốc WHO Tedros Ghebreyesus kêu gọi các quốc gia giàu có ngừng tiêm mũi thứ 3 cho tới ít nhất cuối tháng 9. Điều này nhằm để phần lớn quốc gia có thể hoàn thành mục tiêu tiêm chủng cho 10% dân số mỗi nước, theo Reuters.
“Tôi hiểu mọi chính phủ đều mong muốn bảo vệ người dân trước biến chủng Delta. Nhưng chúng ta khó chấp nhận việc những quốc gia, vốn đã chiếm gần hết nguồn cung vaccine toàn cầu, nay lại tiếp tục dùng thêm, trong khi những người dân dễ tổn thương nhất trên thế giới vẫn chưa được bảo vệ”, ông Tedros nói.
Một người dân được tiêm vaccine ở London, Anh. Ảnh: Reuters. |
Bỏ ngoài tai khuyến cáo của WHO
Bỏ ngoài tai lời kêu gọi của WHO, Đức và Pháp cho biết sẽ tiếp tục tiêm nhắc lại cho người rủi ro cao trong khi vẫn đảm bảo cam kết tặng vaccine.
Trước đó, Israel đã tiến hành tiêm mũi nhắc lại cho những người đã được tiêm đủ liều Pfizer. Thủ tướng nước này nói việc Israel đi tiên phong nhằm giúp thế giới hiểu rõ hiệu quả của mũi tiêm thứ 3, theo AFP.
Nhưng điều không rõ ràng ở đây là các nước nói trên có khả năng hoặc ý chí hoàn thành cả hai công việc ấy (tiêm mũi 3, và viện trợ vaccine) hay không, theo CNN.
Andrea Taylor, chuyên gia thuộc Đại học Duke (Mỹ) đang nghiên cứu sự phân bổ vaccine toàn cầu, nhận định rằng đặt ưu tiên tiêm nhắc lại lên trên việc ngăn virus lây lan trên toàn cầu sẽ khiến mọi quốc gia, kể cả những nước thu nhập cao, lâm vào tình thế nguy hiểm hơn.
“Nếu các nước như Đức, Mỹ, hoặc Anh chọn tiêm chủng mũi thứ 3 trước khi nhiều nơi trên thế giới được đảm bảo tiếp cận 2 mũi vaccine, vấn đề thực sự chưa được giải quyết. Điều này giống như dán miếng băng lên trên lỗ hổng lớn”, ông Taylor nói.
Số mũi vaccine ngừa Covid-19 trung bình được tiêm cho mỗi 100 người theo khu vực. Đồ họa: CNN. |
Bốn “nhà máy” vaccine quy mô lớn của thế giới gồm Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Ấn Độ, và Trung Quốc. Trong số này, EU là khu vực xuất khẩu vaccine ít nhất. Điều này xảy ra ngay cả khi Ấn Độ dừng xuất vaccine sau đợt lây nhiễm kinh hoàng vừa qua, theo ông Taylor.
EU đã đưa ra những lời cam kết lớn, nhưng rất khó để có thể giám sát việc chia sẻ vaccine của khu vực này. Ngay cả Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu Josep Borrell cũng thừa nhận khối này còn thiếu hụt rất nhiều so với lời hứa chia sẻ 200 triệu liều trước cuối năm nay, theo CNN.
Một phát ngôn viên Ủy ban châu Âu cho biết tính tới ngày 2/8, EU quyên góp 7,1 triệu liều vaccine cho các nước đối tác, bao gồm 1,59 triệu liều qua cơ chế chia sẻ COVAX.
Tuần trước, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab thông báo nước này bắt đầu chuyển giao 9 triệu liều vaccine cho thế giới. Đây là lô đầu tiên trong số 100 triệu liều mà Thủ tướng Anh Boris Johnson đã hứa tại hội nghị thượng đỉnh G7 vào tháng 7 tại Anh.
Mỹ chưa chính thức thông báo chương trình tiêm nhắc lại, nhưng Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki dường như từ chối lời kêu gọi của WHO khi được hỏi.
“Chúng tôi có thể làm cả hai (tiêm nhắc lại và quyên tặng vaccine)”, bà Psaki nói ngày 3/8, theo Reuters.
Tỷ lệ tiêm chủng ở châu Phi thấp nhất trong các khu vực trên thế giới. Ảnh: WHO. |
Tổng thống Mỹ Joe Biden tuần trước vui mừng thông báo nước Mỹ đã đóng góp hơn 110 triệu liều vaccine cho thế giới, con số lớn hơn mọi quốc gia khác.
Dù vậy, đó vẫn chỉ là giọt nước trong đại dương khi so sánh với con số 11 tỷ liều vaccine mà WHO cho là cần thiết để chấm dứt đại dịch. Tới nay, cơ chế COVAX mới chỉ vận chuyển 188,1 triệu liều cho 138 quốc gia, theo dữ liệu từ Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF).
WHO và các cơ quan y tế công cộng khác lập luận rằng không ai được an toàn cho tới khi mọi người đều an toàn. Nguyên nhân là thời gian virus corona lây lan càng kéo dài, nguy cơ biến chủng mới xuất hiện với khả năng kháng vaccine càng lớn.
Nhưng phương Tây vẫn tập trung vào “chạy đua vaccine” và coi vạch kết thúc của đại dịch là vấn đề trong nước, thay vì xem đó là vấn đề quốc tế.
Virus sẽ đeo bám các quốc gia giàu có
Trong tài liệu nội bộ bị rò rỉ, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (Mỹ) tuần trước nhận định biến chủng Delta đã làm “cuộc chiến chống dịch thay đổi”.
Các quốc gia giàu có lúc này càng hướng sự tập trung vào trong nước vì muốn bảo vệ người dân, chuyên gia nhận định. Họ dùng cả biện pháp bắt buộc và khuyến khích để lôi kéo người dân tiêm chủng.
Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng khi tập trung vào vấn đề trong nước, Mỹ và EU không thể ngăn chặn virus tiếp tục lây lan ở những nước khác trên thế giới.
Trong tháng 7, quan chức Mỹ treo nhiều phần thưởng như tiền mặt và các chuyến taxi miễn phí để kêu gọi người dân tiêm chủng. Không thấy hiệu quả, họ tiếp tục đưa ra một loạt biện pháp bắt buộc.
Cuộc sống dần trở lại bình thường ở Anh sau khi nước này đạt tỷ lệ tiêm chủng cao. Ảnh: AP. |
Tổng thống Mỹ Joe Biden gần đây yêu cầu mọi nhân viên làm việc trong chính quyền liên bang phải chủng ngừa Covid-19 hoặc phải được xét nghiệm thường xuyên hơn.
Thành phố New York cũng yêu cầu người dân phải xuất trình giấy xác nhận đã tiêm chủng để được ăn uống tại nhà hàng hoặc vào phòng gym.
Tương tự, một số quốc gia châu Âu như Pháp, Đức, và Hy Lạp cũng ra một số quy định bắt buộc tiêm chủng, với mức độ thành công khác nhau.
Tại Pháp, việc yêu cầu người dân trình giấy xác nhận tiêm chủng để được bước vào bảo tàng, rạp chiếu, và quán café đã đẩy số lượt đăng ký chích ngừa lên mức cao kỷ lục.
Dù vậy, tỷ lệ tiêm chủng và tâm lý do dự vaccine vẫn còn có sự chênh lệch lớn giữa các nước châu Âu, tương tự giữa các bang của Mỹ.
Maureen Kelly, thành viên trong ủy ban đạo đức trong nghiên cứu Covid-19 của WHO, nhận định rằng thật nực cười khi nước Mỹ phải tung ra các biện pháp khuyến khích để thuyết phục người dân tiêm chủng, trong khi người dân các nước khác đang tuyệt vọng vì không có vaccine.
Bà Kelly hy vọng rằng các quốc gia giàu có, với tỷ lệ tiêm chủng cao, sẽ nhận ra sự cần thiết của việc chia sẻ trước rủi ro xuất hiện biến chủng mới.
“Họ chỉ cố tình không hiểu khi cho rằng virus sẽ không quay trở lại để đeo bám chính mình”, bà Kelly nói, theo CNN.