Đối mặt với số ca nhiễm tăng vọt do biến thể Delta và khả năng miễn dịch do vaccine Covid-19 tạo ra có thể giảm dần theo thời gian, một số quốc gia đang xem xét việc tiêm tăng cường mũi thứ ba cho những người đã được tiêm chủng đầy đủ (thường là 2 mũi).
Thổ Nhĩ Kỳ, Đức, Anh và Israel đã công bố kế hoạch tiêm chủng tăng cường. Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Trung Quốc và Nga cũng bắt đầu điền tên mình vào danh sách, theo Nature.
Vào ngày 4/8, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã kêu gọi lệnh cấm đối với các chương trình tiêm chủng tăng cường cho đến ít nhất là cuối tháng 9. Tuy nhiên, Mỹ và nhiều quốc gia đã phớt lờ hoặc phản đối lời kiến nghị.
Theo Our World in Data, đã có 4,32 tỷ liều vaccine được triển khai trên toàn thế giới. Trong đó, 29,4% dân số toàn cầu được tiêm ít nhất một mũi và 15% được tiêm phòng đầy đủ. Tuy nhiên, chỉ có 1,1% người dân ở các quốc gia thu nhập thấp được tiêm một liều vaccine.
Câu hỏi đặt ra ở đây là liệu mũi vaccine thứ 3 có cần thiết, đối với cá nhân người được tiêm và đối với khả năng miễn dịch của cộng đồng nói chung.
Người dân xếp hàng đợi tiêm vaccine tại Monterrey, Mexico. Ảnh: Reuters. |
Hiệu quả ban đầu
Theo bài viết trên Nature, các nhà khoa học nhận định rằng hiệu quả của mũi vaccine Covid-19 thứ ba trong thời điểm này là chưa rõ ràng.
“Việc triển khai tiêm tăng cường cho những người đã được bảo vệ trước Covid-19 không thực sự có ý nghĩa. Trên thực tế, chúng ta cũng nên cân nhắc về kế hoạch này. Nhưng cho đến thời điểm hiện tại, chưa có bất kỳ lập luận chắc chắn nào khẳng định hiệu quả của mũi vaccine thứ ba”, Laith Jamal Abu-Raddad, nhà dịch tễ học bệnh truyền nhiễm tại Weill Cornell Medicine, nhận định.
Tiêm phòng tạo ra sự gia tăng số lượng kháng thể trong giai đoạn ban đầu và giảm dần theo thời gian. Một nhóm nhỏ các tế bào lympho T và B có khả năng “nhớ” lâu dài sẽ tuần tra khắp cơ thể để ngăn chặn mầm bệnh xuất hiện.
Ali Ellebedy, nhà nghiên cứu về tế bào lympho B tại Đại học Washington, cho biết liều vaccine tăng cường có thể có ích đối với những tế bào này. Số lượng tế bào lympho B tạo kháng thể nhân lên gấp nhiều lần, nâng cao khả năng chống lại mầm bệnh. Theo thời gian, số lượng tế bào miễn dịch vẫn sẽ giảm dần nhưng nhóm tế bào lympho B có khả năng ghi nhớ sẽ nhiều hơn. Điều này giúp quá trình phản ứng trước các lần phơi nhiễm tiếp theo sẽ diễn ra nhanh hơn, mạnh hơn.
Đồng thời, mũi tiêm tăng cường cũng thúc đẩy quá trình thuần thục ái lực (affinity maturation), giúp tạo ra các kháng thể có khả năng bám và trung hoà các vi sinh vật và độc tố hiệu quả hơn.
Số lượng tế bào lympho B và nồng độ kháng thể cuối cùng sẽ tăng lên gấp nhiều lần. Tuy nhiên, không ai chắc chắn rằng điều đó đó sẽ xảy ra đối với vaccine Covid-19.
Rafi Ahmed, một nhà miễn dịch học tại Đại học Emory ở Atlanta, khẳng định rằng mũi tiêm tăng cường sẽ giúp phản ứng miễn dịch trước Covid-19 mạnh mẽ hơn.
Một người vô gia cư được tiêm vaccine tại St. Petersburg, Nga. Ảnh: Reuters. |
Một vài thử nghiệm đã hỗ trợ cho quan điểm của ông Ahmed. Liều vaccine thứ ba được phát triển bởi Moderna, Pfizer/BioNTech, AstraZeneca và Sinovac có thể thúc đẩy sự gia tăng đột biến số lượng kháng thể trung hòa nếu được tiêm vài tháng sau liều thứ hai.
Một nghiên cứu khác đang diễn ra tại Vương quốc Anh sẽ thử nghiệm kết hợp nhiều loại vaccine khác nhau. Các báo cáo sơ bộ về kế hoạch kết hợp vaccine cho thấy chúng có thể tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh mẽ hơn. Thử nghiệm cũng cho thấy người dùng sẽ gặp các tác dụng phụ liên quan đến vaccine, chẳng hạn như đau đầu và sốt.
“Tôi sẽ tiêm liều thứ ba vào một lúc nào đó. Tôi không thấy bất kỳ nhược điểm nào. Không một loại vaccine nào có thể đảm bảo chuẩn độ kháng thể và chuẩn độ tế bào lympho T không sụt giảm theo thời gian”, ông Ahmed nói.
Các dấu hiệu ban đầu cho thấy nồng độ kháng thể do hầu hết vaccine Covid-19 tạo ra đang giảm dần. Nhưng các nhà khoa học không biết được liệu việc này có khiến hệ thống miễn dịch bị suy yếu hay không.
Các nhóm chuyên gia trên khắp thế giới đang chạy đua để xác định sự liên quan giữa số lượng kháng thể trung hòa và hiệu quả của vaccine.
“Biết được điều này sẽ cho phép các nhà nghiên cứu xác định chính xác hơn việc khi nào và liệu mũi vaccine thứ ba thực sự cần thiết”, Kanta Subbarao, một nhà virus học tại Viện Nhiễm trùng và Miễn dịch Peter Doherty ở Melbourne, cho biết.
Tác dụng lâu dài
Trong trường hợp không có bằng chứng về sự tương quan giữa số lượng kháng thể và hiệu quả vaccine, các nhà nghiên cứu phải tìm kiếm dấu hiệu suy yếu khả năng miễn dịch trong dữ liệu của những quốc gia có chương trình tiêm chủng tiên tiến.
Tháng trước, Bộ Y tế Israel đã công bố dữ liệu ban đầu về tiêm chủng trong giai đoạn từ tháng 12/2020 đến tháng 7/2021. Dữ liệu cho thấy khả năng miễn dịch đã giảm từ 90% trong những tháng ban đầu xuống còn 40% vào cuối tháng 6. Sự sụt giảm này có thể là do ảnh hưởng của biến thể Delta.
Các nhà khoa học tại Kahn Sagol Maccabi, Tel Aviv, đã phân tích hồ sơ sức khỏe của hơn 1,3 triệu người được tiêm vaccine trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 4. Kết quả cho thấy những người được tiêm vaccine trong tháng 1, 2 có khả năng dương tính với Covid-19 cao hơn 53% so với những người được tiêm trong tháng 3, 4.
Mẹ của Thủ tướng Israel Naftali Bennett được tiêm mũi vaccine thứ ba. Ảnh: Reuters. |
Dvir Aran, nhà khoa học dữ liệu y sinh tại Viện Công nghệ Israel nhận định rằng dữ liệu trên có thể bị sai lệch do những người được tiêm vaccine sớm có thể đã thực hiện nhiều xét nghiệm Covid-19 vì lo lắng hoặc mong muốn đi du lịch quốc tế. Dữ liệu cũng phân tầng theo nhóm tuổi. Những người trẻ tuổi được tiêm vaccine sớm phần lớn là nhân viên y tế. Nhóm này có khả năng phơi nhiễm cao hơn so với nhóm được tiêm phòng sau.
Vào ngày 28/7, các nhà nghiên cứu tại Pfizer/BioNTech đã công bố dữ liệu sơ bộ trên medRxiv cho thấy hiệu quả của vaccine đã giảm từ 96% xuống còn 84% sau 6 tháng.
Khả năng bảo vệ khỏi tình trạng nghiêm trọng
Dữ liệu từ các thử nghiệm cho thấy khả năng bảo vệ của hai liều vaccine trước tình trạng nghiêm trọng vẫn còn rất cao. Pfizer và Moderna ước tính rằng vaccine có tỷ lệ ngăn ngừa nhập viện đạt mức 90% sau 6 tháng.
Dữ liệu thực tế từ Israel, Anh cũng cho kết quả tương tự, bất chấp sự lây lan mạnh mẽ của biến thể Delta.
“Liệu việc lây nhiễm ở nhóm đã được tiêm vaccine có phải là điềm báo về việc suy giảm khả năng bảo vệ? Chúng tôi thực sự không biết”, Robert Aldridge, một nhà dịch tễ học bệnh truyền nhiễm tại Đại học College London, nói.
Natalie Dean, một nhà thống kê sinh học tại Đại học Emory, cho rằng các cuộc thảo luận xung quanh liều vaccine thứ ba phải xem xét giá trị của chúng trong việc cải thiện khả năng bảo vệ. Trong bối cảnh hiện tại, nhiều nhà khoa học coi việc triển khai vaccine tăng cường là lãng phí tài nguyên ở cả cấp độ quốc gia và toàn cầu.
“Một vài thông tin chưa xác thực không thể biện minh cho việc những người như tôi được tiêm liều vaccine thứ ba trong khi người khác thậm chí chưa được tiêm liều nào”, Abu-Raddad nói.
Việc thiếu bằng chứng xung quanh mũi vaccine thứ ba khiến các nhà khoa học không có một bức tranh rõ ràng về việc ai sẽ được hưởng lợi nhiều nhất.
Chính phủ Mỹ đang xem xét chương trình tiêm vaccine tăng cường. Vào ngày 29/7, Israel đã công bố kế hoạch cung cấp cho những người trên 60 tuổi liều vaccine Pfizer/BioNTech thứ ba. Vương quốc Anh đã vạch ra các kế hoạch cung cấp vaccine tăng cường cho những người trên 50 tuổi và các nhóm có nguy cơ cao khác kể từ tháng 9.
“Đó là một canh bạc. Triển khai tiêm chủng tăng cường có dựa trên đủ bằng chứng không? Tôi nghĩ là không”, ông Aran khẳng định.