Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tiêm kích trên hạm J-15 quá cũ so với tàu sân bay mới của Trung Quốc

Tàu sân bay mới của Trung Quốc là cỗ máy chiến tranh hiện đại nhưng tiêm kích trên hạm J-15 lại có một thiết kế lạc hậu và nặng nề.

SCMP cho biết tàu sân bay thứ hai do Trung Quốc chế tạo có thể trở thành chiến hạm tầm cỡ thế giới nếu sử dụng hệ thống khởi động máy bay công nghệ cao phát triển trong nước. Tuy nhiên, máy bay sử dụng trên tàu sân bay này vẫn là một thiết kế lạc hậu và nặng nề.

Tiêm kích J-15 quá nặng

Bắc Kinh dường như đã thu hẹp khoảng cách về tàu sân bay so với Mỹ. Chương trình tàu sân bay Trung Quốc vẫn bị cản trở bởi khả năng của tiêm kích trên hạm. Trung Quốc đã trải qua hơn một thập kỷ phát triển tiêm kích trên hạm J-15. Đây là một thiết kế dựa trên nguyên mẫu T-10K của tiêm kích trên hạm Su-33 do Liên Xô chế tạo, một thiết kế đã hơn 30 năm.

Tiêm kích J-15 có trọng lượng cất cánh tới 33 tấn đưa nó trở thành tiêm kích trên hạm nặng nhất thế giới, cũng là chiến đấu cơ duy nhất của Hải quân Trung Quốc. Trọng lượng cất cánh nặng nề của J-15 là một trong những lý do chính để các lãnh đạo Trung Quốc thúc đẩy việc sử dụng hệ thống máy phóng điện từ (EMALS) cho tàu sân bay thứ 3, dự kiến bắt đầu đóng mới vào năm tới.

Một nguồn tin giấu tên nói với SCMP rằng: “Trọng lượng cất cánh của J-15 là 33 tấn. Các thử nghiệm cho thấy ngay cả hệ thống phóng hơi nước C13-2 lắp trên tàu sân bay lớp Nimitz của Mỹ cũng rất vất vả để khởi động J-15 một cách hiệu quả”.

Trong quá khứ, Hải quân Mỹ từng sử dụng tiêm kích hạng nặng F-14 Tomcat có trọng lượng cất cánh tối đa 33,7 tấn. Tuy nhiên, F-14 đã được thay thế bằng tiêm kích trên hạm F/A-18 Hornet có trọng lượng cất cánh tối đa 29,9 tấn.

Hai quan Trung Quoc anh 1
Khối lượng nặng nề của J-15 gây tác động bất lợi đến mặt boong tàu sân bay khi hạ cánh. Ảnh: SCMP.

Các tiêm kích trên hạm phải thả hết bom đạn và giảm tối đa lượng nhiên liệu còn lại trước khi hạ cánh để tránh tác động xấu lên boong tàu và nguy cơ cháy nổ. Trọng lượng rỗng của tiêm kích F/A-18 là 14,5 tấn, trong khi tiêm kích J-15 là 17,5 tấn. Điều đó có nghĩa J-15 gây tác động xấu đến mặt boong nhiều hơn khi hạ cánh.

Các thử nghiệm cho thấy hệ thống phóng điện từ có thể khởi động tiêm kích J-15 một cách dễ dàng. Trong ngắn hạn, Trung Quốc không thể chế tạo tiêm kích trên hạm hạng nhẹ, nên việc sử dụng EMALS là đáng được cân nhắc.

Ngoài ra, Trung Quốc được cho là đã chế tạo thành công hệ thống động cơ điện tích hợp cho phép tàu sân bay thứ hai của nước này sử dụng EMALS mà không cần dùng năng lượng hạt nhân. Ma Weiming, kỹ sư hàng đầu của Hải quân Trung Quốc cùng nhóm cộng sự đã tạo ra bước đột phá công nghệ khi chế tạo thành công động cơ điện tích hợp.

Một tàu sân bay cần rất nhiều điện năng để cất - hạ cánh và hệ thống động cơ điện tích hợp có thể cung cấp đủ điện năng. Ông Ma cho biết các thử nghiệm cho thấy hệ thống này có thể tiết kiệm nhiên liệu tới 40%. Ngoài ra, EMALS có công suất phóng lớn, hiệu quả hơn so với máy phóng hơi nước, cho phép giảm hoạt động bảo trì, tăng độ tin cậy, điều chỉnh tốc độ đầu cuối mượt mà và chính xác hơn.

Máy phóng cao cấp, máy bay cũ

Trong cuộc phỏng vấn với Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc vào ngày 3/11, Đô đốc Yin Zhuo, nhà nghiên cứu cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Thiết bị Hải quân Trung Quốc, cho biết hàng trăm cuộc thử nghiệm trên mặt đất bằng cách sử dụng EMALS để phóng J-15 đã được thực hiện từ vài năm trước.

Phát biểu của Đô đốc Yin cho thấy Trung Quốc dường như đã làm chủ được công nghệ EMALS. Tuy nhiên, điều đó cũng cho thấy một sự thật đáng buồn. Tàu sân bay tiếp theo của Trung Quốc sẽ được trang bị hệ thống phóng kiểu Mỹ nhưng lại khởi động một tiêm kích đã lỗi thời.

Hai quan Trung Quoc anh 2
Type-001A tàu sân bay đầu tiên do Trung Quốc đóng mới vừa hạ thủy trong tháng 4. Ảnh: AP.

Liêu Ninh, tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc và tàu đầu tiên được chế tạo trong nước Type-001A mới hạ thủy đều sử dụng đường băng kiểu “nhảy cầu” để khởi động máy bay. Đường băng kiểu này chỉ cho phép một máy bay cất cánh, trong khi tàu sân bay của Mỹ có thể phóng cùng lúc 4 máy bay.

“Tiêm kích J-15 có những giới hạn nhất định, vì nó được phát triển dựa trên Su-33 được thiết kế cho tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov của Hải quân Liên Xô”, một nguồn tin Hải quân Trung Quốc nói. Liêu Ninh vốn là một tàu sân bay thuộc lớp Kuznetsov do Liên Xô chế tạo. Hải quân Trung Quốc đã mua lại con tàu từ Ukraine thông qua một doanh nhân người Hong Kong.

Trung Quốc đang cố gắng phát triển tiêm kích trên hạm mới thay thế cho J-15. Tiêm kích tàng hình FC-31 có trọng lượng rỗng 13-15 tấn dự kiến sẽ là ứng viên hàng đầu thay thế J-15. Tiêm kích FC-31 cũng do nhà thiết chính của J-15 là Sun Cong đảm nhận.

Hai quan Trung Quoc anh 3
Ảnh vệ tinh chụp khu vực được cho là nơi thử nghiệm hệ thống EMALS của Trung Quốc. Ảnh: Google Maps.

Công ty Máy bay Thẩm Dương đã chế tạo 2 nguyên mẫu FC-31 và máy bay này trình diễn trước công chúng tại triển lãm hàng không Chu Hải năm 2014. Tuy nhiên, hai nguồn tin quân sự giấu tên cho biết sự phát triển của FC-31 diễn ra không suôn sẻ. Tiêm kích này không đáp ứng được yêu cầu của Hải quân Trung Quốc.

Vấn đề của FC-31 được cho là do động cơ không đủ lực đẩy cho việc cất cánh ngắn trên tàu sân bay. Trong khi, Trung Quốc chưa chế tạo được động cơ cho tiêm kích trên hạm. FC-31 đang sử dụng động cơ RD-93 của Nga vốn dùng cho tiêm kích MiG-29 hoạt động trên mặt đất.

Sự thất bại của FC-31 trong việc đáp ứng yêu cầu của Hải quân Trung Quốc có nghĩa là J-15 vẫn là tiêm kích trên hạm chủ lực của nước này trong khoảng 2 thập kỷ tới. Các chuyên gia kết luận rằng năng lực tác chiến của Hải quân Trung Quốc vẫn bị giới hạn, cho dù họ đưa vào hoạt động tàu sân bay mới có hệ thống phóng tiên tiến.

Tiêm kích Trung Quốc diễn tập trên tàu sân bay Liêu Ninh Tiêm kích hạm J-15 diễn tập mang mô hình tên lửa đối không và diệt hạm tuần tra quanh khu vực hoạt động của tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc.

Vì sao Hải quân Trung Quốc chưa thể trở thành số 1 thế giới

Vũ khí trang bị hạn chế, thiếu kinh nghiệm tổ chức, vận hành là những lý do khiến Hải quân Trung Quốc không thể vượt qua Mỹ để thành lực lượng số 1 thế giới.

Trung Hiếu

Bạn có thể quan tâm