Tàu cao tốc vũ trang của Hải quân Thụy Điển xuất hiện hôm 19/10. Ảnh: Telegraph |
Theo tờ báo Svenska Dagbladet, quân đội Thụy Điển phát hiện tín hiệu radio mã hóa tại một khu vực gần quần đảo Stockholm, có nguồn gốc từ vùng lãnh thổ Kaliningrad, nơi Nga đặt trụ sở hạm đội Baltic. Giới chức Thụy Điển đã điều động tàu HMS Visby, loại tàu nhỏ, linh hoạt để truy lùng tàu ngầm Nga.
Người ta còn thấy máy bay trực thăng của quân đội Thụy Điển bay lượn trên các vùng biển, thợ lặn xuất hiện trên bến cảng ở Sandhamn, một trong 30.000 hòn đảo ngoài khơi Stockholm trong khi tàu cao tốc xuất hiện ở Haro và Runmaro.
Trong cuộc họp báo ngày 19/10, giới chức Thụy Điển công bố bức ảnh của “tàu nước ngoài” bí ẩn. Họ khẳng định đây là lần thứ ba con tàu bị phát hiện từ hôm 17/10. Chuẩn đô đốc Anders Grenstad khẳng định đây không phải tàu của Thụy Điển nhưng phủ nhận việc lực lượng vũ trang đang săn tàu ngầm nước ngoài và nhấn mạnh đó chỉ là hoạt động tình báo.
Hình ảnh chiếc tàu ngầm bí ẩn. Ảnh: Reuters |
Moscow cũng tuyên bố tàu ngầm của họ xâm phạm vùng biển Thụy Điển. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga khẳng định: “Các tàu ngầm và tàu chiến của Hải quân Nga đang thực hiện nhiệm vụ tại các vùng biển quốc tế đúng theo kế hoạch. Chúng tôi không phát hiện vấn đề bất thường hay tình huống khẩn cấp liên quan tới đội tàu chiến của Nga”.
Tuy nhiên, giới quan sát lại đề cập tới một câu chuyện khác hẳn. Họ nghi ngờ một tàu ngầm Nga đang mắc kẹt trong vùng biển của Thụy Điển.
Bruce Jones, chuyên gia phân tích của Tạp chí Quốc phòng IHS Jane’s, nhận định: “Có thể một tàu ngầm nhỏ đang mắc kẹt. Nó tới đây để do thám công nghệ hiện đại của Hải quân Thụy Điển hoặc thực hiện nhiệm vụ nào đó. Nhiều khả năng nó sẽ là tàu có tầm hoạt động ngắn, kích thước nhỏ. Loại tàu nhỏ như thế cần sự hỗ trợ của một tàu khác”.
Joakim von Braun, một nhà phân tích tình báo, cho rằng thủy thủ đoàn của tàu ngầm mắc kẹt là những biệt kích ưu tú. Họ tìm cách thoát khỏi tàu ngầm, di chuyển lên các hòn đảo và ẩn nấp trong rừng để chờ tàu tới cứu. Nếu họ rời tàu, nó sẽ tự hủy trong 24 tiếng.