Quân đội Hàn Quốc luôn trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu chống Bắc Triều Tiên. Ảnh: Getty |
Vấn đề văn hóa quân đội nảy sinh
“Vậy ngài cho rằng ngài có thể thảo luận về các vấn đề quân sự khi mà ngài chưa từng nhập ngũ?”, nhà lập pháp phe bảo thủ Han Gi Ho chất vấn Lim Tae Hoon, một nhà hoạt động xã hội, trong một phiên điều trần của Quốc hội. Đây không phải lần đầu tiên ông Lim đối mặt với những công kích như vậy.
Lim Tae Hoon là một nhà hoạt động xã hội đồng tính công khai. Năm 2005, ông lựa chọn ngồi tù thay vì thực hiện nghĩa vụ quân sự bắt buộc để phản đối lệnh cấm quan hệ đồng tính của chính phủ. Hiện tại, Lim đang tham gia phong trào chống lại cái mà ông gọi là "văn hóa quân đội một chiều và tàn bạo". Ông và một số ít các nhà hoạt động xã hội khác đấu tranh để phơi bày những hành động dã man trong quân đội Hàn Quốc. Phong trào nổi lên sau cái chết của Yoon Seung Joo, một binh sĩ mới nhập ngũ, hồi tháng 4/2013. Theo lời kể của Yoon khi đang điều trị tại bệnh viện, đồng đội đánh đập trong nhiều tháng, buộc anh liếm đờm trên sàn nhà.
Các quan chức che giấu thông tin về cái chết của Binh nhất Yoon Seung Joo. 4 tháng sau, Trung tâm Nhân quyền Quân đội đã vạch trần sự việc.
Tháng 9/2014, quân đội nâng mức án đối với 4 quân nhân liên quan đến vụ việc từ tội ngộ sát lên tội giết người, đồng thời tố cáo họ phá hủy chứng cứ bằng cách tiêu hủy nhật ký của nạn nhan và âm mưu tống tiền các nhân chứng.
Bi kịch xảy ra thường xuyên
Đầu tháng 9/2014, hai binh sĩ qua đời trong quá trình huấn luyện. Từ tháng 7 đến nay, 4 binh sĩ tự sát. Một người thậm chí xả súng, giết 5 đồng đội trước khi tự tử bất thành. Theo số liệu thống kê của chính phủ, gần 800 lính nghĩa vụ thiệt mạng trong vòng 10 năm qua.
Hiện nay, quan điểm của người dân Hàn Quốc đối với nghĩa vụ quân sự khá mâu thuẫn. Một mặt họ coi đây là điều kiện tiên quyết để thành công trong lĩnh vực chính trị và kinh doanh. Xã hội Hàn Quốc thường tẩy chay những người đàn ông khỏe mạnh mà không nhập ngũ. Mặt khác, người ta cũng sợ quá trình chịu đựng gian khổ trong hai năm. Binh sĩ phải chịu đựng tình trạng bắt nạt, điều kiện sống khắc nghiệt, chế độ phụ cấp thấp.
Nhiều thanh niên cố tìm lối thoát. Cách phổ biến nhất là xoay xở để trở thành binh sĩ Hàn Quốc phục vụ trong quân đội Mỹ. Một số người thậm chí còn lợi dụng các ca phẫu thuật đặc biệt khiến một số bộ phận trên cơ thể tổn thương. Số khác cố ý vào tù. Theo một báo cáo năm 2013 của Liên Hợp quốc, 9 trên 10 tù nhân có lương tâm là người Hàn Quốc.
Binh sĩ Hàn Quốc tham gia diễn tập chống khủng bố. Ảnh: Getty Images |
Vài năm qua, người dân phẫn nộ trước tình trạng ngược đãi trong quân đội khiến Tổng thống Park Geun Hye phải kêu gọi các biện pháp kiềm chế bạo lực. Một nhóm công dân yêu cầu chính phủ tăng cường kiểm tra dân sự đối với quân đội.
Đến cuối thập niên 80, quân đội Hàn Quốc theo chế độ độc tài, luôn trong tình trạng sẵn sàng chống Triều Tiên. Họ góp phần lớn vào thành công của sự nghiệp công nghiệp hóa, đưa đất nước thoát khỏi đói nghèo.
Ngày nay, Hàn Quốc vẫn duy trì nền an ninh quốc gia từ thời Chiến tranh Lạnh, cho phép quân đội tự quyết định và không chịu sự kiểm soát từ các nhà hoạch định chính sách dân sự.
Lim Tae Hoon đang đấu tranh cho việc thành lập một cơ quan dân sự đủ quyền hành để giám sát hệ thống tư pháp của quân đội.
“Vấn đề nằm ở các chính sách quân sự. Bạo lực trong quân đội không chỉ là vấn đề giữa kẻ tấn công và nạn nhân mà nó nhằm thẳng vào cốt lõi của văn hóa quân đội”, ông nói với Global Post.
Trong thời gian gần đây, Bộ Quốc phòng đã tiến hành một số cải cách, cho phép cha, mẹ đến thăm con thường xuyên hơn, đưa ra chế độ nghỉ phép linh hoạt hơn và tạo môi trường thân thiện trong doanh trại.
"Quân đội đang xem xét kỹ lưỡng các vấn đề khác để bảo vệ quyền cơ bản của lực lượng vũ trang và cải thiện nhân quyền tại các doanh trại”, một người phát ngôn của quân đội nói.
Lần đầu tiên trong lịch sử, quân đội Hàn Quốc cho phép giới truyền thông đưa tin về vấn đề bạo lực, thu thập đơn khiếu nại và phát hiện 4.000 trường hợp vi phạm chưa được báo cáo. Trước đây, Bộ Quốc phòng luôn bưng bít những thông tin như vậy.
Tuy nhiên, ông Lim cho rằng các biện pháp mới của Bộ Quốc phòng chỉ là những sự điều chỉnh về mặt hình thức, hoàn toàn không thể giải quyết tận gốc vấn đề.
“Đây là một hệ thống mà trong đó quân đội không thể xử lý các vấn đề nội bộ. Bộ Quốc phòng khiến chúng ta cảm thấy họ không đáng tin trong việc giải quyết mọi chuyện một cách dân chủ”.
Một số lính nghĩa vụ đồng ý với quan điểm của ông Lim. Một cựu lính hải quân, yêu cầu giấu tên, nói: “Tôi không biết Tổng thống và quân đội mong đợi điều gì thay đổi khi mà họ không thay đổi hoàn toàn cách nghĩ. Hiện tại, Hàn Quốc theo chế độ dân chủ. Tuy nhiên, các sĩ quan quân đội cao cấp vẫn cho rằng chúng tôi đang trong những năm 80. Họ không quan tâm liệu chúng tôi bị đánh đập hay không mà chỉ để ý khi những đòi hỏi dân chủ khiến họ trở nên tệ hại trong mắt người dân”.