Chính phủ của Thủ tướng Stefan Lofven hôm 12/5 tuyên bố kế hoạch chi khoảng 220 triệu USD cho việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Khoảng 200 triệu USD nữa sẽ được chi cho các chính quyền địa phương để bồi thường chi phí phát sinh mà địa phương phải gánh chịu khi đối phó với đại dịch.
Giống như ở các nước khác, Covid-19 ảnh hưởng nặng nề tới nhóm người cao tuổi với nhiều trường hợp tử vong. Tuy nhiên giới quan sát cho rằng số ca người cao tuổi tử vong có thể đã thấp hơn nếu chính quyền thực hiện các biện pháp dành riêng cho nhóm dân số này, theo Bloomberg.
Khoảng 1/2 số ca trên 70 tuổi tử vong vì Covid-19 ở Thụy Điển là người sống trong viện dưỡng lão. Ảnh: Richard Drew. |
Đầu tháng 5, Thụy Điển cho biết các công tố viên đã bắt đầu điều tra một trung tâm chăm sóc người cao tuổi do tỷ lệ tử vong cao vì Covid-19 tại đây. Theo thống kê vào cuối tháng 4, khoảng 1/2 số người trên 70 tuổi tử vong vì Covid-19 ở Thụy Điển là người sống trong các viện dưỡng lão.
Tính đến 11/5, nước này xác nhận 3.256 trường hợp tử vong vì Covid-19.
Chiến lược đối phó Covid-19 ở Thụy Điển làm dấy lên nhiều tranh cãi. Trong suốt thời gian xảy ra đại dịch, các phòng tập gym, trường học, nhà hàng và cửa hiệu tại Thụy Điển vẫn mở cửa.
Chiến lược này đã giúp bảo vệ nền kinh tế Thụy Điển khỏi bị suy thoái, tuy nhiên tỷ lệ tử vong vì Covid-19 của Thụy Điển là khoảng 32/100.000 người, cao hơn so với con số 24/100.000 người của Mỹ và khoảng 9/100.000 của nước láng giềng Đan Mạch.
Nhà nghiên cứu dịch tễ học hàng đầu của Thụy Điển, Anders Tegnell, cho rằng ngăn chặn Covid-19 là cuộc chiến trường kỳ, có nghĩa là việc phong tỏa tạm thời có thể gây tác dụng ngược. Một khi dỡ lệnh phong tỏa, tỷ lệ nhiễm Covid-19 sẽ lại tăng lên.
Thay vì làm như vậy, chuyên gia Tegnell cho rằng quy định hạn chế vừa phải cho phép người dân hầu như vẫn giữ được nhịp sống bình thường có thể giúp xã hội vượt qua đại dịch kéo dài này.