Trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Mỹ và đồng minh đang leo thang, nhiều khả năng chủ đề chính của Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) năm nay sẽ bị các thành viên gạt bỏ để tập trung vào vấn đề nóng thuế quan.
Hội nghị Thượng đỉnh G7 sẽ diễn ra từ ngày 8 đến 9/6 tại Canada. Theo Reuters, một quan chức cao cấp trong chính quyền Thủ tướng Justin Trudeau dự đoán cuộc thảo luận về kinh tế toàn cầu trong ngày đầu tiên sẽ bị lu mờ và nhanh chóng biến thành tranh cãi về vấn đề thương mại.
Tổng thống Trump và các lãnh đạo Pháp, Đức tại hội nghị NATO ở Brussels hôm 25/5/2017. Ảnh: Reuters. |
Tuần trước, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G7 đã biến thành cuộc đấu khẩu gay gắt giữa Mỹ và các đồng minh trong nhóm về quyết định áp thuế kim loại của Washington. Sau 3 ngày căng thẳng, cuộc thượng đỉnh bế mạc mà không đưa ra được bản tuyên chung.
“Chúng tôi không che giấu việc các nhà lãnh đạo chưa có được tiếng nói chung trong một số vấn đề. Tuy nhiên, giá trị của G7 nằm ở việc họ có thể tranh luận thẳng thắn”, quan chức Canada nói.
Hôm 31/5, chính quyền Trump tuyên bố sẽ áp thuế 10% lên nhôm và 25% lên thép nhập khẩu từ các nước đồng minh, chấm dứt hai tháng miễn trừ. Quyết định này khiến EU, Canada và Mexico phản ứng mạnh mẽ, nghiêm trọng hóa căng thẳng thương mại trong khu vực Bắc Mỹ và bên kia bờ Đại Tây Dương.
Quan điểm của Thủ tướng Trudeau về các biện pháp trừng phạt sẽ vẫn “nhất quán và rõ ràng” trong hội nghị. Ông từng bày tỏ thái độ buồn bã khi Canada bị Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilber Ross cho là “mối đe dọa tới an ninh quốc gia”.
Ngay sau quyết định áp thuế của Nhà Trắng, Canada, quốc gia xuất khẩu thép số một sang Mỹ, đã tuyên bố sẽ áp thuế trả đũa lên hàng hóa xuất khẩu trị giá 13 tỷ USD bao gồm bia, rượu whisky và giấy vệ sinh. Canada đồng thời quyết định kiện Mỹ lên Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Thủ tướng Canada quyết tâm trả đũa Mỹ. Ảnh: Canadian Press. |
Chủ đề chính của Hội nghị Thượng đỉnh G7 mà ông Trudeau đề ra bao gồm phát triển kinh tế toàn cầu và tăng cường bình đẳng giới. Nhưng nhiều khả năng, các nước thành viên sẽ tập trung vào chính sách bảo hộ cũng như quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran của Mỹ.
Một quan chức tại Berlin cho biết thành viên G7 tại châu Âu sẽ thể hiện bộ mặt đoàn kết trong hàng loạt vấn đề như Iran, thương mại, và biến đổi khí hậu. Các quan chức thuộc EU thì thừa nhận khối có “sự kỳ vọng rất thấp dành cho Thượng đỉnh G7” năm nay và không tin vào kết quả đột phá trong vấn đề thuế quan.
Thủ tướng Trudeau dự kiến sẽ có buổi họp trực tiếp với từng lãnh đạo các nước tham gia. Tuy nhiên, đại diện của ông Trudeau đã không trả lời câu hỏi về tương lai của bản tuyên bố chung. Giới phân tích lo ngại Thượng đỉnh G7 sẽ không giải quyết được căng thẳng dẫn tới viễn cảnh nổ ra chiến tranh thương mại giữa Mỹ và các đồng minh.