Tuy chỉ còn vài ngày trước cuộc họp thượng đỉnh của nhóm 7 nền công nghiệp phát triển nhất thế giới (G7) tại Quebec, Canada, các nhà tổ chức đang gặp vấn đề lớn trong việc thống nhất quan điểm nhằm hướng tới bản tuyên bố chung.
“Kẻ gây rối” ở đây, theo Politico, chính là Tổng thống Mỹ Donald Trump. Từ các quy tắc thương mại đến biến đổi khí hậu, từ ngân sách quốc phòng đến thỏa thuận hạt nhân Iran, tổng thống Mỹ đã phá vỡ sự đồng thuận toàn cầu tồn tại dưới thời người tiền nhiệm Barack Obama.
Tổng thống Trump trong Hội Nghị Thượng Đỉnh G7 tại Italy ngày 27/5/2017. Ảnh: Reuters. |
Các nhà ngoại giao đang vật lộn vì những chia rẽ và khẩn thiết tìm tiếng nói chung cho hội nghị ngày 8/6. Không thể hiện được đoàn kết sẽ phá vỡ truyền thống nhiều năm của hội nghị cấp cao G7, vốn được coi là lời khẳng định thường niên về liên minh của các cường quốc lớn nhất phương Tây.
Đàm phán "rời rạc, thiếu trọng tâm"
“Người Canada đang không biết phải làm gì”, một cố vấn giấu tên đưa ra lời cảm thán. Một nhà ngoại giao khác, người dành hàng tháng trời để chuẩn bị chương trình nghị sự, nói chưa bao giờ mà sắp tới hội nghị rồi mà vẫn chưa có được sự đồng thuận chung từ các nhà lãnh đạo như lần này. Các cuộc đàm phán “rời rạc và thiếu trọng tâm”, ông nói.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau ban đầu muốn sử dụng hội nghị tháng 6 để thúc đẩy các chính sách trọng tâm của ông, bao gồm biến đổi khí hậu, nữ quyền, hòa bình, tăng trưởng kinh tế, và việc làm cho thế hệ tương lai. Ông cho rằng các nhà lãnh đạo G7 có “trách nhiệm đảm bảo mọi người dân phải được hưởng lợi từ nền kinh tế toàn cầu”.
Những mục tiêu này dù giành được sự ủng hộ từ các nhà lãnh đạo khác, chúng đụng với chính sách bảo hộ “nước Mỹ trước tiên” của Tổng thống Trump, phá vỡ sự đồng thuận thường có với các vấn đề này.
Ngày 26/4, ông Trudeau đã thu hẹp ưu tiên của mình xuống còn bình đẳng giới, vấn đề nhận được sự hỗ trợ từ phía Nhà Trắng. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cáo buộc những hành động của chính quyền Trump trong các chính sách liên quan đến sức khỏe sinh sản và đạo luật trả lương công bằng đã gây ảnh hưởng xấu cho phụ nữ. Bản thân Tổng thống Trump, dù mạnh mẽ chối bỏ, cũng phải đối mặt với hàng loạt cáo buộc xâm hại tình dục từ nhiều phụ nữ.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau phát biểu tại Ontario ngày 9/5. Ảnh: Reuters. |
Cho tới tuần trước, vẫn chưa có sự đồng thuận cho bản tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo, hoặc liệu ông Trudeau có đơn thuần tự tuyên bố vào cuối buổi họp không. Bản tóm tắt dự thảo của tuyên bố chung đã bị loại bỏ vì trong đó bao gồm những yếu tố không nhận được quan điểm thống nhất từ các nhà ngoại giao.
“Cho đến hiện tại, vẫn chưa có gì”, một quan chức nói. “Việc cư xử tử tế với phụ nữ đúng là tốt, nhưng chỉ vậy thôi sao?”
Nữ phát ngôn viên của Thủ tướng Trudeau cho biết bất chấp những khác biệt, G7 chia sẻ một mục tiêu chung và cuộc hội nghị sẽ tập trung vào điều đó.
“7 nền kinh tế tiên tiến nhất trên thế giới đang đối mặt với cùng thách thức: Làm thế nào chúng ta tạo ra sự tăng trưởng có lợi cho tất cả mọi người, bao gồm cả tầng lớp trung lưu và những người đang lao động chăm chỉ để được bước vào tầng lớp ấy?”, bà Chantal Gagnon phát biểu.
“Các nhà lãnh đạo G7 đã thắng cử, bằng cách này hay cách khác, dựa trên cam kết về nền kinh tế mang lợi ích đến cho tất cả mọi người chứ không chỉ cho người giàu”, bà nói.
Châu Âu lại “dính chưởng” Trump
Trong khi các nhà ngoại giao đang mất nhiều tháng để soạn thảo chương trình nghị sự, sự bi quan đã len lỏi xuất hiện sau cuộc họp quan chức tại Quebec vào tháng 4, theo một quan chức cấp cao châu Âu.
Quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran của Tổng thống Trump cùng với thông báo Nhà Trắng đang cân nhắc áp thuế ôtô nhập khẩu đã khiến giới chức châu Âu giận dữ và gia tăng căng thẳng trong các cuộc thảo luận về chương trình nghị sự G7.
Tổng thống Trump tiếp Thủ tướng Merkel tại Nhà Trắng ngày 17/3/2017. Ảnh: Reuters. |
Tại Berlin, nhiều quan chức quan ngại Tổng thống Trump sẽ nhân hội nghị G7 để công khai yêu cầu Đức tăng ngân sách quốc phòng. Ông Trump từng đề cập đến vấn đề này trong chuyến viếng thăm của bà Angela Merkel tới Nhà Trắng vào tháng trước. Trong khi Đức đã đồng ý tăng cường ngân sách, nỗ lực của họ vẫn chưa đạt được yêu cầu chi tiêu 2% GDP cho quốc phòng của ông Trump.
Các quan chức Mỹ thừa nhận G7 đang bị chia rẽ bởi nhiều vấn đề trong chương trình nghị sự, và kết quả của hội nghị sẽ rất khó đoán. Tuy nhiên, cố vấn của hai quốc gia lớn trong G7 cho biết vẫn còn quá sớm để loại trừ việc đạt được thỏa thuận về tuyên bố chung. Hy vọng về việc các nhà lãnh đạo sẽ tìm được tiếng nói chung, đặc biệt trong vấn đề an ninh quốc gia, vẫn chưa tắt.
Đáng chú ý, giới chức Mỹ đã bắt đầu sử dụng cụm từ “sức chống chịu về môi trường” (hoặc “nâng cao sức chống chịu trước các tác động của biến đổi khí hậu” – environmental resilience) thay cho “biến đổi khí hậu”, điều này có thể mang lại phiên bản mới cho tuyên bố chung được các bên đồng thuận.
Một vấn đề mà các nước G7 cũng tìm được tiếng nói chung trong năm nay là về Venezuela. Vào tuần trước, G7 đã tuyên bố “không công nhận quá trình bầu cử” ở nước này.