"Việt Nam luôn tuân thủ nghiêm túc các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới WTO. Các cơ quan và doanh nghiệp của Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan của Mỹ để cung cấp đầy đủ thông tin và làm rõ nguồn gốc xuất xứ của nguyên liệu, quy trình sản xuất thép tại Việt Nam", Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nói với Zing.vn hôm 31/5.
Bà Hằng cho rằng các vấn đề thương mại giữa Việt Nam và Mỹ cần được xem xét khách quan, công bằng, phù hợp với các quy định của WTO và thông lệ quốc tế, tránh làm ảnh hưởng tới quan hệ kinh tế-thương mại đang phát triển tốt đẹp giữa Việt Nam và Mỹ.
Người phát ngôn cho biết Mỹ hiện đã thông báo cho phép miễn trừ áp dụng các biện pháp thuế quan nếu các doanh nghiệp Việt Nam thỏa mãn các yêu cầu của bộ Thương mại Mỹ. Việt Nam đã đề nghị Mỹ tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng đủ điều kiện được hưởng miễn trừ theo quy định.
![]() |
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng. Ảnh: Tiến Tuấn. |
Trước đó, bộ Thương mại Mỹ hôm 21/5 tuyên bố áp thuế chống phá giá (AD) 199,76% và chống trợ giá (CVD) 256,44% đối với loại thép cán nguội được nhập từ Việt Nam nhưng sử dụng vật liệu từ Trung Quốc. Tỷ lệ tương ứng đối với loại thép chống gỉ lần lượt là 199,43% và 39,05%.
Quyết định của Bộ Thương mại Mỹ được cho là mang đến thắng lợi cho những công ty sản xuất thép nước này. Họ từng vận động thành công áp thuế chống trợ giá và chống bán phá giá với thép nhập khẩu từ Trung Quốc vào năm 2015 và 2016.
Sau đó Bắc Kinh “lách luật” với việc chuyển sản xuất đến các nước khác, rồi mới đưa sản phẩm tới Mỹ, để tránh né. Tuy nhiên, trong vụ việc lần này, Bộ Thương mại Mỹ đứng về phía các doanh nghiệp trong nước rằng 90% nguồn gốc lô hàng là xuất xứ từ Trung Quốc.
Trước đây, Liên minh châu Âu hồi tháng 11/2017 cũng đã có động thái tương tự để trừng phạt những lô thép nguồn gốc Trung Quốc “rửa nguồn” như vậy.