Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sóng gió EU: Đòn chí mạng từ khủng hoảng chính trị ở Italy

Khủng hoảng chính trị Italy diễn ra giữa lúc những "thành trì" khác của châu Âu đang sụt giảm ảnh hưởng, từ "thuyền trưởng" Angela Merkel đến "làn gió mới" Emmanuel Macron.

Những nhà lãnh đạo châu Âu nghĩ họ đã xua đi được bóng đen nghi kỵ về tương lai của Liên minh Châu Âu (EU), điều ám ảnh họ suốt thời gian dài sau khi Anh lựa chọn rời bỏ khối (Brexit) cách đây 2 năm.

Nhưng một cuộc khủng hoảng chính trị phát triển nhanh chóng tại Italy tuần này đã trở thành cú đánh chí mạng, làm sống dậy những nỗi sợ hãi rằng EU sẽ có thể chia rẽ thêm một lần nữa.

Tương lai bất định của EU

Lo lắng bắt đầu sau khi Tổng thống Italy Sergio Mattarella hôm 27/5 bác bỏ đề cử cho vị trí bộ trưởng tài chính với một học giả từng nói việc Italy gia nhập khối đồng tiền chung châu Âu (eurozone) là "sai lầm lịch sử". Điều này dường như đã thổi bay thỏa thuận liên minh giữa hai đảng dân túy tìm cách thành lập chính phủ mới sau cuộc bầu cử hồi tháng 3.

Giờ đây, làn sóng chỉ trích ông Mattarella có thể sẽ mang đến những điều trái ngược với ý định của ông khi vị tổng thống nói ông bảo vệ châu Âu và hiến pháp Italy.

khung hoang chinh tri Italy anh 1
Tổng thống Italy Mattarella đang đối mặt với làn sóng chỉ trích từ phe dân túy sau khi bác bỏ đề cử cho vị trí bộ trưởng tài chính. Ảnh: Reuters.

Nếu bầu cử được tiến hành trở lại, số người Italy giận dữ bầu cho những chính trị gia chống thể chế, đề cử vị bộ trưởng tài chính bài eurozone trên, thậm chí có thể còn nhiều hơn. Lần này, những nhà lãnh đạo đó có thể sẽ biến cuộc chiến với Brussels thành trọng tâm chiến dịch tranh cử của họ, nhắm vào đồng euro và những luật lệ của EU khiến chính phủ Italy phải hạn chế chi tiêu một cách nghiêm ngặt.

Tình trạng bất định đã dẫn đến một cuộc bán tháo cổ phiếu trên toàn cầu, làm bầm dập thị trường chứng khoán châu Á, trong khi các sàn giao dịch ở châu Âu và Mỹ hồi phục sau sự ế ẩm một ngày trước đó. Chi phí nợ vay của chính phủ Italy tăng lên mức cao nhất trong hai thập kỷ qua.

Bất kỳ cuộc khủng hoảng nào đều có thể nhanh chóng "vượt" mặt các cuộc khủng hoảng trước đó: Khi Hy Lạp suýt rời bỏ eurozone năm 2015, nước này cũng làm kinh tế thế giới một phen náo động. Nền kinh tế Italy, với quy mô xếp thứ tư trong EU, lớn gần gấp 10 lần so với Hy Lạp, và Rome đang mắc nợ rất nhiều.

"Bạn có thể gây ra thiệt hại nghiêm trọng. Không ai có thể phớt lờ điều đó", Wolfango Piccoli, đồng chủ tịch hãng phân tích rủi ro chính trị Teneo Intelligence, nhận xét. "Những tác nhân đưa chúng ta đến đây - di dân, an ninh, bất ổn kinh tế - chúng là những tác nhân đã ở bên cạnh chúng ra một thời gian và sẽ không ai có thể giải quyết chúng sớm. Vì vậy, con nước này sẽ tiếp tục dâng cao".

Bất ổn tại Italy diễn ra trong bối cảnh những "thành trì" khác của châu Âu đang sụt giảm ảnh hưởng. Thủ tướng Đức Angela Merkel, người được xem là thuyền trưởng lèo lái EU từ năm 2005, phải mất đến 6 tháng mới thành lập được chính phủ liên minh sau khi chịu tổn thất vì các đảng cực hữu mới nổi trong cuộc bầu cử năm ngoái. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron từng đánh bại các ứng viên dân túy chống EU để bước vào Điện Elysee nhưng giờ đang phải đối mặt với sự giận dữ của cử tri khi ông cố nới lỏng luật bảo vệ người lao động.

Tây Ban Nha, được dẫn dắt bởi cùng chính phủ trung hữu từ năm 2011, có thể có một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm vào tuần này và sau đó là các cuộc bầu cử mới. Tại Hungary, Thủ tướng Viktor Orban theo đường lối cực hữu có thêm nhiều quyền lực trong một cuộc bầu cử bị giới quan sát chỉ trích là bất công và giờ nói rằng kế hoạch của ông là tái tạo EU theo hình mẫu "phi tự do" của ông.

Trên tất cả là những sự bất định trong lĩnh vực kinh tế liên quan đến Tổng thống Mỹ Donald Trump. Không còn sự trì hoãn từ Nhà Trắng, thuế đối với các mặt hàng nhôm và thép nhập khẩu Mỹ từ EU sẽ bắt đầu có hiệu lực vào ngày 1/6, gia tăng nguy cơ chiến tranh thương mại giữa hai bờ Đại Tây Dương. Việc ông Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran đã khiến giới chức châu Âu lo sợ về viễn cảnh một cuộc chạy đua hạt nhân tại Trung Đông, đồng thời cũng làm rối loạn thị trường.

khung hoang chinh tri Italy anh 2
Trụ sở Hội đồng Châu Âu (EC) tại Brussels. Ảnh: AFP.

Cùng lúc, những sự thay đổi này đã khiến những người ủng hộ sự tồn tại của EU lo lắng về tương lai trước mắt.

"Mọi hy vọng mà chúng ta bày tỏ năm 2017 là quá lạc quan, xa rời thực tế và những gì có thể làm được hay đạt được", Janis Emmanouilidis, giám đốc Trung tâm Chính sách Châu Âu, tổ chức nghiên cứu tại Brussels có mối quan hệ gần gũi với các nhà hoạch định chính sách của EU, nhận xét.

"Vết sẹo từ những gì xảy ra trong 7-8 năm qua có thể dễ dàng gây đau đớn trở lại và chúng ta sợ rằng những vết sẹo này có thể trở thành những tổn thương mới nghiêm trọng".

Ván cờ may rủi

Những nhà lãnh đạo và nhà đầu tư ủng hộ EU đã tỏ ra bình tĩnh trong những tháng qua, sau khi bị bất ngờ vì sự ủng hộ vượt ngoài dự kiến của cử tri Italy dành cho các đảng mới nổi trong cuộc bầu cử hôm 4/3. Cú đánh cược đầu tiên của họ là các đảng truyền thống sẽ áp đảo các đảng dân túy trong bất kỳ liên minh nào cho chính phủ mới tại Rome. Khi các đảng dân túy tìm cách liên kết với nhau, cú đánh cược tiếp theo của châu Âu là họ sẽ trở nên ôn hòa hơn để cân bằng các bất đồng giữa họ và có được sự nhượng bộ từ Brussels.

Suy nghĩ đó vẫn còn cho đến hôm 27/5 khi Tổng thống Mattarella sử dụng quyền lực hiến định của mình để bác bỏ đề cử với ông Paolo Savona, 81 tuổi, cho vị trí bộ trưởng tài chính, với lý do bảo đảm sự ổn định kinh tế của Italy. Không đảng nào, dù là đảng Năm Sao (5S) theo đường lối dân túy hay đảng League với chủ trương chống nhập cư, cam kết từ bỏ đồng euro trong chiến dịch tranh cử, nhưng cả hai đều từng có ý tưởng này trong quá khứ.

Những người Italy ủng hộ việc tiếp tục sử dụng đồng euro và cả ông Mattarella dường như đang đánh cược rằng nếu các cuộc bầu cử mới được tiến hành, phe dân túy có thể bị buộc phải làm rõ chính sách tiền tệ của mình. Cùng lúc, ông Mattarella đề cử Carlo Cottarelli, cựu quan chức cấp cao của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), người được gán cho biệt danh "cái kéo" vì cắt giảm ngân sách, vào chiếc ghế thủ tướng của một chính phủ kỹ trị. Dù chính phủ của ông Cottarelli có vượt qua được cuộc bỏ phiếu tín nhiệm hay không, sân khấu sẽ vẫn được dựng lên cho các cuộc bầu cử mới, trừ khi đảng 5S và đảng League bằng cách nào đó hồi sinh thỏa thuận giữa họ.

khung hoang chinh tri Italy anh 3
Lính gác bên ngoài Điện Quirinale, phủ tổng thống Italy. Ảnh: Reuters.

Xét trên một vài phương diện, bước đi của ông Mattarella đã trở thành vật làm nền lý tưởng cho các đảng dân túy, vốn coi việc chống đối những chính trị gia lão làng như ông là sách lược cơ bản để thu hút cử tri.

Đảng League đã thể hiện đặc biệt tốt trong những tháng sau bầu cử, với sự ủng hộ tăng gần tới mức 28% trong một thăm dò gần đây, so với mức 17% hồi tháng 3. Giới phân tích nói lãnh đạo của League, Matteo Silvini, có thể đang lợi dụng tranh cãi về ông Savona để thúc giục tổ chức cuộc bầu cử mới và "lật bàn" với đảng 5S, đảng chiếm ưu thế hơn trong liên minh.

Các màn vận động chính trị tiếp tục diễn ra hôm 30/5 khi ông Salvini và lãnh đạo đảng 5S, ông Luigi di Maio dường như cố gắng thành lập liên minh thêm một lần nữa. Di Maio, người chứng kiến sự ủng hộ dành cho đảng mình sụt giảm từ tháng 3, nói ông sẵn sàng đi đến thỏa thuận và sẽ tìm cách tái đàm phán với Brussels về các luật lệ EU.

Ông Salvini, người đôi khi là bạn đôi lúc là thù, nói rõ rằng ông nóng lòng giành lấy số phiếu từ các cử tri.

"Đây là lời kêu gọi của tôi: Sergio Mattarella cho chúng ta một ngày và người Italy sẽ công bằng với chuyện gì diễn ra", ông nói tại Pisa hôm 30/5.

Một số nhà phân tích nói thậm chí nếu các đảng chống đối giành lấy quyền lực, mức độ họ tác động đến thị trường có lẽ vẫn có giới hạn. Phần lớn nợ của chính phủ Italy là do người Italy lắm giữ, khiến việc ngừng trả nợ rất khó để chấp nhận về mặt chính trị. Nếu Italy từ bỏ đồng euro, các khoản tiết kiệm của người Italy có thể sẽ bốc hơi khỏi tài khoản ngân hàng của họ, một lựa chọn không mấy hấp dẫn với các nhà lãnh đạo cần đối mặt với cử tri. Và qua nhiều năm khủng hoảng kinh tế, Brussels đã trở nên điêu luyện trong việc đi đến bờ vực rồi quay trở lại với sự thỏa hiệp khi các nước lớn cần nó.

Tính toán đó gần như là lý do tại sao thị trường chứng khoán phục hồi ngay hôm 30/5 sau cuộc bán tháo một ngày trước đó.

khung hoang chinh tri Italy anh 4
Lãnh đạo đảng League Matteo Salvini (trái) và lãnh đạo đảng 5S Luigi di Maio. Ảnh: Getty.

Cao ủy phụ trách ngân sách EU Gunther Oettinger hôm 29/5 nói rằng bất ổn tài chính trong những tuần tới có thể là "tín hiệu khả dĩ để cử tri không chọn phe dân túy so với phe cánh tả và cánh hữu".

Lời mắng mỏ từ một quan chức ở Brussels là món quà chính trị với những đảng mới nổi.

"Những người này đối xử với Italy như thể một thuộc địa mùa hè nơi họ đến và nghỉ ngơi", ông di Maio viết trên Twitter. "Nhưng trong một vài tháng nữa, một chính phủ của sự thay đổi sẽ ra đời và châu Âu cuối cùng sẽ tôn trọng chúng ta".

Oettinger buộc phải nhanh chóng đưa ra lời xin lỗi. Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk phải lên tiếng thanh minh: "Lời kêu gọi của tôi gửi đến tất cả cơ quan thuộc EU: Xin vui lòng tôn trọng cử tri. Chúng ta ở đây để phục vụ họ, không phải để dạy đời họ".

'Trọng tài chính trị' rút thẻ đỏ, Italy tiếp tục treo chính phủ

Gần 3 tháng sau cuộc bầu cử, Italy vẫn chưa thể thành lập chính phủ mới vì bất đồng giữa các thế lực chống đối và ủng hộ EU với phản ứng mạnh mẽ mới nhất đến từ chính tổng thống.

Đừng lo Brexit, bế tắc chính trị Italy mới nguy hiểm cho EU

Đoàn kết của EU hiện tại cơ bản là để đối phó với Brexit và cuối cùng sẽ phai nhạt. Đang xuất hiện những nguy cơ mới với liên minh, bao gồm tương lai bất định của chính trị Italy.

Đông Phong

Theo Washington Post

Bạn có thể quan tâm