Nhận định trên South China Morning Post, nhà phân tích kinh tế hàng đầu người Anh David Brown cho rằng không nên ảo tưởng về sự đoàn kết "dường như tốt đẹp hơn bao giờ hết" tại châu Âu.
"Không có nhiều thứ thay đổi. Vấn đề vẫn đang chất chồng và châu Âu lại đang lội qua vùng nước rắc rối một lần nữa", ông nhận định.
Nhắc lại cuộc khủng hoảng nợ công của Hy Lạp, ông cho rằng tình hình chính trị hỗn loạn tại một nước quan trọng hơn thuộc Liên minh Châu Âu (EU) là Italy có thể trở thành "ác mộng" với "mọi thể loại nguy cơ về sự tồn vong của đồng euro".
Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái) và Thủ tướng Italy Paolo Gentiloni (phải) tại Brussels hôm 23/2. Ảnh: Xinhua. |
Italy vẫn đang ở trong thế bế tắc chính trị sau cuộc bầu cử hồi đầu tháng 3 với kết quả không chính đảng nào giành đủ đa số phiếu cần thiết để tự đứng ra thành lập chính phủ. Các cuộc thảo luận về thành lập chính phủ liên minh vẫn chưa đạt được kết quả cụ thể nào do lãnh đạo các đảng vẫn chưa thỏa thuận được về thành phần của liên minh cầm quyền.
Các nhà đầu tư có lý do để cảm thấy lo lắng về viễn cảnh chính phủ mới tại Italy hình thành từ đảng dân túy, chống EU như Five Star và đảng cực hữu Lega. "Liên minh này sở hữu mọi tiêu chuẩn của cuộc hôn phối địa ngục cho sự ổn định của châu Âu", ông Brown nhấn mạnh.
Nhà lãnh đạo Luigi Di Maio của đảng dân túy Five Star (5S) với tư tưởng dân túy, chống EU. Ảnh: Getty. |
Các đảng trên, với cam kết "từ bỏ chính sách thắt lưng buộc bụng trong nước, hủy bỏ các khoản nợ, trục xuất di dân" sẽ là "sự nguyền rủa với EU" và khiến Italy "đối đầu trực tiếp với Brussels".
"Điều này thậm chí có thể đánh dấu khởi đầu cho sự chấm dứt tinh thần đoàn kết của EU", ông Brown nhận định.
Đồng euro có thể trông ổn định vào lúc này, song ông Brown cảnh báo rằng các thị trường tại EU có thể sẽ bước vào "vùng nước nguy hiểm" nếu tình hình chính trị tại Italy trở nên "cực kỳ nghiêm trọng".
Tương lai bất định của nền chính trị Italy đang đe dọa khối đồng tiền chung euro. Ảnh: Bloomberg. |
"Quy mô mắc nợ ở cả khu vực công lẫn khu vực tư của Italy đều quá lớn để châu Âu có thể xử lý, vượt quá nguồn lực dường như là vô hạn của Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB)", ông nói.
Ngoài ra, cũng theo vị chuyên gia, các nhà đầu tư chứng khoán đang hoài nghi về tính bền vững trong sự hồi phục của châu Âu một khi ECB chấm dứt chương trình kích thích kinh tế. EU đã bơm tiền vào 19 quốc gia thuộc khối đồng tiền chung nhằm giảm lãi suất, kích thích tăng trưởng và giảm lạm phát xuống mức thấp nhất, để đối phó với ảnh hưởng từ khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.